Bảo đảm 3 yếu tố quan trọng cho tăng trưởng của TPHCM

05/10/2021 10:12 AM

(Chinhphu.vn) - Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, TS. Trần Du Lịch cho rằng, việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) là bước đi cần thiết và phù hợp vào thời điểm này. Và tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào 3 yếu tố...

TS. Trần Du Lịch: Tăng trưởng kinh tế cả năm phụ thuộc rất nhiều vào sự tăng tốc của “cỗ xe tam mã”, đó là duy trì xuất khẩu, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và phục hồi được thị trường nội địa. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Bước đi phù hợp

Theo TS.Trần Du Lịch, việc chuyển hướng chiến lược, từ mục tiêu “không có COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19” của Chính phủ đã tạo cơ sở để các địa phương, trong đó có TPHCM xây dựng lộ trình phòng, chống dịch và mở cửa, khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội.

Vừa qua, để chống dịch, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế-xã hội của Thành phố.

Đánh giá kết quả chống dịch của TPHCM, TS.Trần Du Lịch nhìn nhận, những nỗ lực truy vết số ca nhiễm trong cộng đồng, củng cố tốt hơn hệ thống điều trị và đẩy nhanh bao phủ vaccine trong 15 ngày kéo dài thêm (tính từ ngày 15/9) đã đạt kết quả, là cơ sở để Chính phủ cho phép Thành phố ban hành kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội và từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế.

Đến thời điểm này, số bệnh nhân nặng, số trường hợp tử vong tiếp tục giảm mạnh, số ca nhiễm mới thấp hơn nhiều so với số khỏi bệnh. Đặc biệt, Thành phố đã củng cố được 3 phòng tuyến rất quan trọng. Đầu tiên đó là hệ thống y tế phường, xã với gói thuốc điều trị F0 tại nhà, có sự giám sát để cấp cứu kịp thời khi bệnh nhân chuyển nặng. Thứ hai, Thành phố đã nâng được số phòng hồi sức tích cực dành cho những bệnh nhân nặng đáp ứng yêu cầu và thứ 3, rất quan trọng, đó là kinh nghiệm, nỗ lực của đội ngũ y tế ở các tầng điều trị bệnh nhân nặng.

Cùng với sự ưu tiên phân bổ vaccine của Chính phủ, tỷ lệ bao phủ vaccine của Thành phố hiện khá cao. Đó là những căn cứ để TPHCM thực hiện mở lại các hoạt động từ ngày 1/10 theo nguyên tắc “an toàn đến đâu, mở đến đó”. Đây là bước đi phù hợp, không thể không làm đối với Thành phố lúc này.

Tính toán kỹ lưỡng, bám sát thực tiễn

Nói về mức độ mở mà TPHCM thực hiện từ ngày 1/10, TS. Trần Du Lịch cho biết Thành phố vận dụng tổng hợp các Chỉ thị 19, 15, 16 của Chính phủ. Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố có 7 đơn vị cấp quận đạt tiêu chí kiểm soát dịch bệnh; trong đó có TP. Thủ Đức, địa phương có quy mô GDP chiếm 7% của cả nước và chiếm 1/3 tổng sản phẩm của TPHCM, là những tiền đề rất quan trọng. Ngoài ra, Thành phố cũng đã có thời gian 15 ngày thí điểm mở lại các hoạt động kinh tế-xã hội tại huyện Củ Chi, Cần Giờ và Quận 7.

Như vậy, kế hoạch mở lại các hoạt động kinh tế-xã hội của TPHCM được tính toán kỹ lưỡng, bám sát thực tiễn. Với phương châm mà Thành phố đặt ra "an toàn là trên hết", "an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn", có nghĩa là không để nguy cơ phải đóng cửa trở lại và rất tương đồng với chỉ đạo của Chính phủ.

Trong công tác phòng chống dịch, theo TS. Trần Du Lịch, có một điểm thay đổi rất quan trọng. Đó là cách làm trước đây khiến người dân và doanh nghiệp rất thụ động, làm theo chỉ đạo của chính quyền thì nay giao trách nhiệm cho doanh nghiệp, cho người dân, chính quyền chỉ đưa ra những điều kiện thực hiện. Ví dụ, một doanh nghiệp, nếu 100% số lao động được tiêm 2 mũi vaccine, có chỗ cách ly tốt, có đủ năng lực xử lý nếu xuất hiện F0 thì được hoạt động. Hay với người dân, phải cộng đồng trách nhiệm, phải tuân thủ 5K trong mọi tình huống, chính quyền không kiểm soát việc đi lại trên đường nhưng kiểm soát điểm đến, như trung tâm thương mại, cửa hàng...

Có thể nói, kế hoạch chống dịch trong giai đoạn này thể hiện sự cộng đồng trách nhiệm giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp. Đây là điểm mới để thích nghi an toàn với dịch COVID-19.

Cần sớm đưa lao động quay lại với doanh nghiệp

TPHCM có cơ cấu kinh tế 62% là thương mại, dịch vụ. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn chiếm khoảng 36% của cả nước, nhưng rất quan trọng với Thành phố còn là 250.000 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ trên các đường phố. Đây là lực lượng làm cho Thành phố sôi động và giải quyết rất nhiều công ăn việc làm. Tuy nhiên, trong 3 tháng qua, hầu như thương mại và dịch vụ phải dừng hoạt động. Điều này cũng giải thích vì sao một thành phố khoảng 10 triệu dân mà phải trợ cấp tới hơn 7 triệu người, một sức ép rất lớn trong bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn vừa qua.

Do đó, trong giai đoạn mới này, ngành dịch vụ cần cân nhắc, có lộ trình mở để khôi phục phát triển. “Từ nay đến hết tháng 10, nếu chúng ta phủ vaccine tốt, nhất là đối với nhóm người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều phủ được mũi 2 thì sang tháng 11, Thành phố có thể mạnh dạn mở ở quy mô, mức độ lớn hơn”, ông Trần Du Lịch kỳ vọng.

Cùng với đó, theo kiến nghị từ các doanh nghiệp, Thành phố cần sớm phối hợp với các tỉnh, thành phố để đưa lao động trở lại cho các doanh nghiệp, cả khu vực sản xuất và thương mại, dịch vụ. Đồng thời, việc mở cửa kinh tế và phòng chống dịch, TPHCM không nên làm riêng lẻ mà cần thiết lập phối hợp chung với Long An, Bình Dương và Đồng Nai, có thể thêm Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh trong khu vực để giữ chuỗi cung ứng, trong đó có cung ứng lao động.

Những gì TPHCM bắt đầu làm trong tháng 10 này, theo TS. Trần Du Lịch, sẽ là mang tính tập dượt. Trên cơ sở sự chuẩn bị chu đáo, linh hoạt trong phòng, chống dịch, làm tốt chỉ đạo của Chính phủ, không vì những ca nhiễm phát sinh mà phong tỏa, cách ly quá mức cần thiết, tạo môi trường cho sản xuất, để sang tháng 11 tới Thành phố sẽ thực sự chuyển được sang điều kiện bình thường mới.

3 yếu tố quyết định phục hồi kinh tế

Về dài hạn, TS. Trần Du Lịch cho rằng, nhìn từ kết quả tăng trưởng quý III/2021, dù các địa phương phía bắc duy trì tốt sản xuất, tuy nhiên GDP của cả nước vẫn âm tới 6,17%. Như vậy, câu hỏi đặt ra hiện nay, tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2021 có kéo tăng trưởng kinh tế chung cả năm của TPHCM nói riêng và của cả nước nói chung lên hay không? Theo TS. Trần Du Lịch sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố.

Thứ nhất, trong tháng 10, TPHCM và các địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế phía nam mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh phải an toàn, tạo nhịp để từ tháng 11 có thể chuyển sang điều kiện bình thường mới.

Thứ hai, sản xuất của TPHCM liên quan đến chuỗi cung ứng cả trong và ngoài nước, do đó, việc phối hợp với các địa phương để vận tải hàng hóa, đi lại từ nam ra bắc, giao thông tới các sân bay, cảng biển… phải thông suốt, đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, cơ hội cho kinh tế của Thành phố phục hồi sẽ nhanh hơn.

Và thứ ba là vấn đề thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất kinh doanh. Điều này liên quan đến sự điều hành chính sách tín dụng, lãi suất ngân hàng, chính sách thuế, thủ tục hành chính… “Theo tôi, nếu những doanh nghiệp nào chống đỡ được đến thời điểm này thì không được để “chết” mà phải tiếp sức để doanh nghiệp phục hồi, phát triển”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Đợt dịch thứ 4 trong năm 2021 diễn ra hầu khắp cả nước, nhất là tại các trung tâm kinh tế, tác động hết sức tiêu cực, chỉ xuất khẩu tiếp tục duy trì khá, trong khi đầu tư công cuối tháng 9 mới đạt gần 50% và tiêu dùng nội địa gặp rất nhiều khó khăn.

Đó là trên bình diện cả nước, với TPHCM, đầu tư công và dịch vụ gần như dừng lại trong suốt thời gian qua. Vì vậy, trước tiên phải bảo đảm 3 yếu tố quan trọng: Xuất khẩu, đầu tư công và thị trường nội địa. Khi đó, tăng trưởng cả năm phụ thuộc rất nhiều vào sự tăng tốc của “cỗ xe tam mã” này, đó là duy trì xuất khẩu, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và phục hồi được thị trường nội địa.

Hiện TPHCM đã chính thức cho hoạt động lại các dự án đầu tư công trên địa bàn, cùng với triển khai các gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân. Dòng tiền này sẽ có tác động số nhân, đóng vai trò kích cầu, từ đó sẽ tác động tới cung, đóng góp vào sự phục hồi sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thành phố.

“Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận, tăng trưởng của Thành phố còn phụ thuộc nhiều vào những chính sách tới đây của Chính phủ. Điều rất mừng là trong kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, vừa diễn ra ngày 2/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định Chính phủ sẽ nỗ lực cao nhất để phòng, chống dịch, đồng thời đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn do cơ chế, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để kinh tế đất nước đạt tăng trưởng cao hơn trong quý IV này”, TS. Trần Du Lịch bày tỏ sự tin tưởng.

Mạnh Hùng

Top