Bao giờ người khuyết tật thôi bị phân biệt đối xử?

25/11/2018 11:12 AM

(Chinhphu.vn) - Nhiều tâm tư, trăn trở được nhiều người khuyết tật gửi gắm tại một hội nghị đối thoại giữa người khuyết tật với các sở, ngành, quận, huyện do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM vừa tổ chức.

Anh Đinh Công Duy chia sẻ khó khăn tại Hội nghị đối thoại giữa người khuyết tật với sở, ngành, quận, huyện về chế độ, chính sách của nhà nước dành cho người khuyết tật năm 2018. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Mặc dù TPHCM đã triển khai hàng loạt chính sách, chương trình hỗ trợ và bước đầu đã đạt được kết quả khả quan nhưng thực tế cho thấy, người khuyết tật vẫn cần nhiều sự hỗ trợ hơn từ phía chính quyền cũng như cộng đồng.

Mỏi mệt khâu di chuyển

TPHCM hiện có gần 57.000 người khuyết tật (NKT). Rất nhiều người trong nhóm đối tượng này được hưởng chế độ ưu tiên khi sử dụng xe buýt như miễn vé, ưu tiên chỗ ngồi, hỗ trợ lên xe, xuống trạm… Khoảng 10% số xe buýt hiện hành (257 xe) có gắn bệ nâng hạ tự động dành cho NKT có sử dụng xe lăn, 55/105 tuyến xe buýt có trang bị thiết bị trợ giúp NKT và 1.004 xe buýt có đặt thiết bị rao trạm hỗ trợ NKT…

Thành phố cũng đã vuốt vỉa hè, tạo lối lên xuống tại nhiều tuyến đường và thực hiện cải tạo lối lên xuống cho 177/506 nhà chờ xe buýt. Thế nhưng, 80 vị trí vuốt vỉa hè tạo lối lên xuống cho NKT hiện nay chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm thay vì rải đều cả quận vùng ven và các huyện ngoại thành khiến không ít NKT gặp khó khăn trong việc di chuyển bằng xe lăn hay đi xe buýt.

Ngồi trên chiếc xe lăn, hai tay co quắp cố giữ chiếc micro thật vững, anh Đinh Công Duy (NKT tại quận Bình Tân) chia sẻ những khó khăn mà bản thân anh và nhiều NKT vận động khác đang gặp phải trong quá trình di chuyển, đặc biệt là sử dụng xe buýt. Anh Duy cho biết, vì ngại hỗ trợ NKT nên nhiều xe buýt chọn cách… ngó lơ, nếu dừng lại cũng phục vụ bằng thái độ thiếu thân thiện khiến những hành khách “đặc biệt” như anh cảm thấy bị phân biệt đối xử.

“Phần thì lề đường nhiều nơi rất cao nên NKT vận động di chuyển vô cùng khó khăn. Có khi ra được đến nơi thì xe buýt… đã chạy. Bên cạnh đó, phần lớn NKT chúng tôi tập trung sinh sống tại quận vùng ven và các huyện ngoại thành, trong khi đó ở đây vỉa hè chưa được cải tạo để hỗ trợ NKT. Đi trên lề không được, chúng tôi phải di chuyển xe lăn xuống lòng được rất nguy hiểm”, anh Đinh Công Duy tâm tư.

Bức xúc hơn, anh Trần Anh Tuấn, một NKT ở quận 4 cho biết mặc dù thuộc nhóm được miễn phí vé xe buýt nhưng vì không muốn bị phân biệt đối xử, anh phải sử dụng thẻ này tùy vào biểu hiện của nhân viên soát vé: “Bữa nào thấy người ta vui thì mình đưa ra thẻ miễn phí ra dùng, bữa nào thấy cau có thì đưa tiền mua vé. Cái thẻ có hình mình rõ ràng vậy mà bao nhiêu lần vẫn bị hạnh họe nên buồn lắm”.

Chị Tuyển, một người khiếm thị tại huyện Củ Chi cho biết rất nhiều lần chị bị xe buýt bỏ rơi và cảm thấy vô cùng tủi thân. “Đáng ra NKT cần được sự quan tâm nhiều hơn chứ không phải là sự bỏ rơi, phân biệt đối xử. Tôi mong các sở ngành sớm có thêm nhiều chính sách để NKT chúng tôi thuận tiện trong việc đi lại vì hiện nay đa phần chúng tôi sử dụng xe buýt”, chị Tuyển ngậm ngùi.

Chật vật chuyện mưu sinh

Không chỉ gặp nhiều rào cản trong việc đi lại, sinh hoạt mà đa phần NKT đều có thuộc nhóm thu nhập thấp do khó khăn trong quá trình tìm việc. “NKT chúng tôi dù có được đào tạo bài bản về nghề đi chăng nữa thì cũng phải mất rất nhiều thời gian trong khâu tìm việc. Hiện nay đa phần các doanh nghiệp chưa mặn mà với NKT. Cũng không trách họ được vì nếu thuê một người bình thường, số tiền họ bỏ ra có thể nhiều hơn một chút nhưng bù lại người lao động đó có thể hỗ trợ nhiều thứ cho doanh nghiệp. Còn nếu thuê mướn NKT, cái khó nhiều hơn cái lợi nên họ chọn cách từ chối. NKT mong rằng thành phố sẽ có thêm nhiều chính sách để chúng tôi có được môi trường làm việc phù hợp chứ hiện giờ khó khăn quá”, anh Lê Thanh Hùng, một NKT ở huyện Củ Chi chia sẻ.

Tốt nghiệp đại học và tự trang bị thêm rất nhiều chứng chỉ ngành nghề cũng như kỹ năng nhưng suốt 4 năm đi làm, chị Trần Ngọc Mỹ (NKT ở quận 10) chịu rất nhiều sức ép từ các công ty. Nơi từ chối, nơi thiếu điều kiện hỗ trợ NKT, thậm chí có nơi còn ép lương, bóc lột. “Cùng một khối lượng công việc, cùng khả năng giải quyết thế nhưng tại sao bao giờ NKT cũng chịu mức lương thấp hơn. Bởi vì biết NKT hay cam chịu vì ngại thay đổi môi trường làm việc nên nhiều doanh nghiệp chèn ép, như vậy là không công bằng cho NKT”, chị Mỹ cho hay.

Chật vật xin việc, nỗ lực bám trụ và phải chịu không ít thiệt thòi nhưng khó khăn của NKT đi làm vẫn đơn giản hơn những NKT tự thân lập nghiệp. Bởi làm được sản phẩm đã khó, tìm đầu ra cho sản phẩm lại còn khó hơn. Chị H., một NKT lập nghiệp bằng việc sản xuất hàng lưu niệm tại quận 7 trải lòng: “Xưởng tôi toàn các anh chị khuyết tật làm, bản thân tôi cũng là NKT vận động nên đa phần các sản phẩm đều đơn giản chứ không thể tinh xảo, cập nhật mẫu mới như làm bằng máy. Vậy nên rất khó để mở rộng thị trường nhằm giúp mọi người nâng cao thu nhập. Chính sách hỗ trợ vay vốn cũng có nhưng lãi suất theo tôi vẫn cao và thủ tục thì nhiều nên tôi chưa thực sự an tâm. Ngày nào mà hàng bán ra ít là lo lắm”.

Nhiều NKT cho rằng, họ không mong chờ quá nhiều sự ưu tiên từ chính quyền hay cộng đồng mà chỉ cần được thêm các chính sách thiết thực để có bệ đỡ phát triển bản thân. Hiện tại chính sách không thiếu nhưng vẫn còn độ vênh với thực tế khiến nhiều NKT khó vẫn hoàn khó dù đã nỗ lực đủ đường. Và hơn hết, NKT cần sự đồng cảm, sẻ chia để có thêm động lực vượt khó vươn lên./.

Gia Mỹ

Top