Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Nông dân TPHCM mới chỉ thoát nghèo

28/11/2019 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, năng suất lao động khu vực nông thôn ở TPHCM hiện đạt 90 triệu đồng/người, trong khi trung bình cả thành phố là 276 triệu đồng/người, cho thấy mức sống, thu nhập của người làm nông nghiệp chỉ bằng 1/3 bình quân Thành phố, “họ mới chỉ thoát nghèo, nhưng chưa giàu”.

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Ảnh: VGP/Thu Lê

Ngày 28/11, TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025.

10 năm thay đổi diện mạo nông thôn

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc sở NN&PTNT, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo của Thành uỷ về Chương trình xây dựng nông thôn mới cho biết, khi bắt đầu thực hiện Chương trình, bình quân/xã chỉ đạt 6 tiêu chí, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp chưa cao (năm 2000 chỉ đạt 31 triệu đồng/ha/năm; năm 2005 đạt 63 triệu đồng/ha/năm; năm 2008 đạt 117,5 triệu đồng/ha/năm).

Năng suất lao động năm 2008 chỉ đạt 29,1 triệu đồng/người. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt 7.365,2 tỷ đồng. Khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị khá lớn (thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2008 là 15,73 triệu đồng/người/năm chỉ bằng 55,5% thu nhập thành thị là 28,32 triệu đồng/người/năm).

Qua 10 năm thực hiện Chương trình, tính đến tháng 11/2019, số tiêu chí đạt bình quân/xã là 18,73/19 tiêu chí. Năm 2019 thu nhập của người dân vùng nông thôn 63,096 triệu đồng/người/năm, tăng 301,12% so với năm 2008. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm.

Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia, chuẩn nghèo Thành phố được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm. Năng suất lao động năm 2018 được cải thiện, đạt 90 triệu đồng/người, tăng 206,1% so với năm 2008.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân giảm khoảng 900 ha/năm, số hộ nông lâm ngư nghiệp bình quân giảm 6,38%/năm. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, giống cây con chất lượng cao, chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư sản xuất nông nghiệp… giai đoạn 2016 - 2019: GRDP bình quân tăng 5,9%/năm, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp thực tế năm 2019 ước đạt 23.400 tỷ đồng, tăng bình quân 6,01%/năm.

Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất canh tác/năm tăng đều qua các năm, từ 158,5 triệu đồng/ha năm 2010, đạt 502 triệu đồng/ha/năm 2018.

Phong trào “Thành phố Chung sức xây dựng nông thôn mới” đã huy động được 26.043 hộ dân hiến 2.972.304 m2 đất để xây dựng mở rộng đường giao thông nông thôn, ước giá trị trên 2.243 tỷ đồng. Kết nối liên kết sản xuất giữa “Hộ nông dân - HTX- Doanh nghiệp” được tập trung thực hiện, bình quân có hơn 167 con heo/ngày, 6.770 tấn rau củ quả/năm, 547 tấn thủy sản/năm được sản xuất theo hình thức này; 540 phiên chợ nông sản an toàn được tổ chức, với 9.417 đơn vị tham gia, kết nối tiêu thụ nông sản qua 200 hợp đồng, với giá trị 22,5 tỷ đồng/tháng.

Sáu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố được tập trung phát triển. Trong đó, có một số sản phẩm có tốc độ tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2019 như: Rau đạt sản lượng 407.520 tấn, tăng 13,9% so cùng kỳ; cá cảnh đạt 158 triệu con, tăng 15,3% so cùng kỳ...

Chính sách an sinh xã hội được triển khai hiệu quả. Hạ tầng phục vụ sản xuất và an sinh xã hội cũng được tập trung phát triển với 9.188 công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội được đầu tư.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của TPHCM trong 10 năm thực hiện Chương trình, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm chưa tới 1% tổng sản phẩm, nhưng ngay từ những ngày đầu thực hiện Chương trình, Thành phố đã dành nhiều ưu tiên về nguồn lực, chủ động ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả, còn một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới như kết cấu hạ tầng nông thôn chưa bắt kịp sự phát triển chung của Thành phố, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng kỳ vọng người tiêu dùng, tình trạng ô nhiễm môi trường, trật tự an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp…

Với tiềm năng và vị trí của thành phố, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, thời gian tới TPHCM cần tiếp tục tận dụng lợi thế để khai thác các hình thức, mô hình nông nghiệp mới như: Nông nghiệp sinh thái khép kín, nông nghiệp ven đô, du lịch nông thôn… Đồng thời, đẩy mạnh liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố khác hình thành các mạng lưới cung cấp thực phẩm an toàn.

Các đại biểu thăm gian trưng bày sản phẩm điển hình nông thôn mới. Ảnh: VGP/Thu Lê

Hướng đi cho giai đoạn tới

Theo Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, qua 10 năm thực hiện, con số 73.000 tỷ huy động được cho Chương trình thể hiện sự quan tâm, sát sao của lãnh đạo Thành phố, các bộ ban ngành cũng như sự vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

Bí thư Thành uỷ TPHCM nhấn mạnh: “Kết quả đạt được có những chỉ số ấn tượng. Như khẳng định Thành phố không còn hộ nghèo. Năng suất lao động-chỉ số sâu xa nhất của phát triển kinh tế, qua 10 năm tăng 3 lần là rất đáng quý”.

Bên cạnh đó, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất canh tác/năm tăng đều qua các năm, cao nhất và gấp hơn 5 lần bình quân cả nước.

Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân, chương trình nông thôn mới đã thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, số HTX tăng 2,5 lần sau 10 năm là tiến bộ rất đang ghi nhận nhưng chưa thực sự hài lòng, do số hộ tham gia HTX còn rất ít (hiện có 1.370 hộ tham gia, chiếm 7,7% tổng số hộ) còn lại vẫn làm cá thể, năng suất đa số còn thấp.

“Hiện Thành phố có 47/56 xã đạt đầy đủ tiêu chí, còn 2 xã mới đạt 15/19 tiêu chí; tại cấp huyện, trung bình đạt 7,6/9 tiêu chí, với tinh thần quyết liệt chỉ đạo và thực hiện, cố gắng cuối năm 2020, đầu năm 2021 sẽ cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Vui mừng trước những kết quả giai đoạn 2010-2020, tuy nhiên, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng năng suất lao động nông thôn vẫn là vấn đề cần giải quyết của Thành phố. Chỉ số này hiện là 90 triệu đồng/người, trong khi trung bình cả thành phố là 276 triệu đồng/người, cho thấy mức sống, thu nhập của người làm nông nghiệp chỉ bằng 1/3 bình quân Thành phố, “họ mới chỉ thoát nghèo, nhưng chưa giàu”.

“Muốn tăng năng suất lao động cho nông dân phải liên kết sản xuất, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ để làm nông nghiệp công nghệ cao. Chừng nào còn làm cá thể, manh mún thì người nông dân khó giàu”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Một thực trạng nữa được Bí thư Thành uỷ TPHCM phân tích là cơ cấu nông nghiệp tại 5 huyện nông thôn của Thành phố. Theo đó, năm 2019, tại huyện Củ Chi trong 100 hộ dân chỉ có 7,5 hộ làm nông nghiệp, dự báo năm 2025, toàn huyện chỉ còn 6.100 hộ nông dân, chiếm hơn 3%.

Tương tự, huyện Hóc Môn, cũng chỉ có 1,3% hộ nông dân, tới năm 2025 dự báo chỉ còn 0,6 % hộ làm nông nghiệp. Tại Bình chánh, hiện có 2.400 hộ làm nông nghiệp, chiếm 1,2%; đến 2025 dự báo còn 1.200 hộ, chiếm 0,4%. Huyện Nhà Bè còn chuyển biến nhanh hơn nữa với chỉ 0,5% hộ làm nông nghiệp, tương đương 256 hộ. Riêng huyện Cần Giờ, với đặc thù có khu dự trữ sinh quyển, có biển, phát triển thuỷ sản, là “lá phổi xanh” của Thành phố, nên vẫn giữ được thế mạnh nông nghiệp, số hộ làm nông nghiệp chiếm 24%, nhưng có xu hướng giảm xuống còn 17% vào năm 2025.

“Thu nhập chính của các huyện hiện không phải từ nông nghiệp mà từ các ngành công nghiệp, dịch vụ, vì vậy thời gian tới phải chuyển từ xây dựng nông thôn mới sang phát triển đô thị, tiến tới một nền kinh tế đô thị thông minh có nông nghiệp và đã làm nông nghiệp phải là nền nông nghiệp phát triển, ứng dụng công nghệ cao, cho năng suất cao, trở thành trung tâm giống, cây trồng của cả nước”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Thu Lê

Top