Bí thư Thành ủy chỉ ra những bài học từ Thủ Thiêm

11/01/2020 10:18 AM

(Chinhphu.vn) - Sáng 9/1, tại cuộc họp mặt báo chí đầu năm 2020, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã cho biết định hướng xử lý của Thành phố sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc đề nghị kỷ luật một số nguyên cán bộ của TPHCM liên quan đến những sai phạm ở Thủ Thiêm. Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải bị xem xét kỷ luật

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp mặt - Ảnh: TỰ TRUNG

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm việc với Đảng bộ Thành phố, trước hết là thường vụ Thành uỷ và các sở ngành liên quan gần 3 tháng. Trên cơ sở điều tra, làm việc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về những sai phạm và những cá nhân có liên quan.

Bí thư TPHCM thông tin, sắp tới Thành phố sẽ tổ chức kiểm điểm những cán bộ và tổ chức này, sau đó kết quả kiểm điểm sẽ được chuyển ra Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vì trong số này có những nhân sự thuộc Bộ Chính trị quản lý. Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ họp và báo cáo Bộ Chính trị quyết định kỷ luật hay không kỷ luật và về hình thức thì có trường hợp Bộ Chính trị quyết định, có trường hợp phải do Ban chấp hành bỏ phiếu.

“Khi nào nhận được chi tiết kết luận thì những nội dung nào, cán bộ nào thuộc cấp Thành phố tự xử lý thì Thành phố sẽ tổ chức tự kiểm điểm và tự ra quyết định kỷ luật”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Đối với việc xử lý cán bộ về mặt chính quyền, UBND Thành phố cũng đã tổ chức kiểm điểm các cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Đồng thời, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định vụ việc sai phạm ở Thủ Thiêm để lại nhiều bài học, đó là phải làm đúng quy chế của cấp uỷ các cấp. “Thành uỷ có quy chế hoạt động, trong đó quy định việc gì bàn trong Thường trực, việc gì phải đưa ra Thường vụ, việc gì phải ra Ban chấp hành. Như trong quy chế Thường vụ quy định những dự án phải di dời khoảng 1.000 người dân trở lên thì thường vụ phải xem xét trước, sau đó Ủy ban mới làm dự án di dời và trình ra HĐND thông qua”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu ví dụ.

Bài học thứ hai là phải làm đúng luật pháp. Trong trường hợp luật pháp chưa rõ ràng, còn chồng chéo thì phải thảo luận. Có 4 bước thảo luận, giả sử giám đốc sở, chủ tịch quận/huyện thấy vấn đề còn băn khoăn, thì trước hết tập thể lãnh đạo là nơi cùng bàn bạc để xem xét xem vận dụng pháp luật như thế nào, việc này cũng giúp cho lãnh đạo an tâm hơn.

Nếu ban giám đốc, lãnh đạo quận/huyện thấy vẫn chưa yên tâm, chưa rõ thì báo lên Thành phố, UBND Thành phố và các sở ngành sẽ giúp để định hướng.

Còn đối với những việc cấp bách, vận dụng không quá khó nhưng vẫn còn băn khoăn nữa thì Thường vụ Thành ủy sẽ có định hướng cụ thể nên làm bây giờ hay để lại, làm thì làm theo hướng nào, hoặc báo cáo Chính phủ nếu cần thiết để xin ý kiến hoặc là xin làm thí điểm.

“Bài học sâu sắc rút ra là nếu làm đúng chức năng, luật pháp thì không sợ sai”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Đồng thời, phải tự giám sát và để nhân dân giám sát. Trong thể chế chính trị Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý nhưng nhân dân mới là người làm chủ và giám sát. Đảng cũng phải tự giám sát, phải có chương trình giám sát của mình, chọn nội dung đúng và đơn vị giám sát, lúc nào thấy có dấu hiệu cần giám sát phải là phải làm ngay. Thứ hai là phải lắng nghe ý kiến người dân giúp điều chỉnh vi phạm sớm, không để những vi phạm lên mức cao hơn.

“Như 2 năm vừa qua chúng ta tiếp nhận gần 3.000 thông tin phản ánh của người dân qua báo chí, tiếp xúc cử tri, giám sát của HĐND và MTTQ, từ đó đã kỷ luật 6 tổ chức Đảng, khoảng hơn 30 đảng viên và hơn 50 công chức. Việc kỷ luật phát đi tín hiệu phải làm đúng pháp luật, nếu không làm đúng mà để dân phản ánh thì sẽ bị xử lý”.

Thu Lê

Top