Căng thẳng Mỹ - Trung áp lực lên doanh nghiệp Việt như thế nào?

25/10/2018 2:05 PM

(Chinhphu.vn) - Việt Nam là một trong năm nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ (sau Trung Quốc, EU, Mexico và Nhật Bản). Cùng với chính sách của Mỹ đang tìm cách giảm bớt nhập siêu, việc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung rất có thể là cảnh báo rủi ro đối mặt “tin bão xa” cho hàng Việt trong thời gian tới.

Khởi động từ trung tuần tháng 3, qua 6 tháng, cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, hiệu ứng domino từ quan hệ thương mại giữa hai người khổng lồ đã mấy phen khiến thị trường tài chính, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất của nhiều nền kinh tế khác “sóng sánh”, trong đó có Việt Nam. Do đó, trong cuộc hội thảo gần nhất mới được tổ chức bởi Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TPHCM và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nhiều cảnh báo từ giới chuyên gia kinh tế cho rằng khả năng doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt với làn sóng áp lực ngày càng lớn trong thời gian tới.

Theo đó, TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển từ Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng riêng hàng hóa Trung Quốc xuất đi Mỹ trong danh mục của 2 đợt tăng thuế đầu tiên chưa mấy “liên can” tới doanh nghiệp Việt khi mới có một số mặt hàng như thiết bị, linh kiện đầu vào do doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sản xuất và xuất khẩu sang Trung Quốc bị tác động. Dù con số này đã lên tới 4,4 tỷ USD nhưng với vị thế đã nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia - đồng thời cũng là doanh nghiệp FDI - hoàn toàn có khả năng tự điều tiết, điều chỉnh sách lược kinh doanh cho phù hợp.

Tuy nhiên, ở đợt đánh thuế lần 3 với 193,4 tỷ USD hàng Trung Quốc xuất đi Mỹ bị ảnh hưởng, mối liên hệ với hàng Việt đã thể hiện rõ nét hơn khi doanh nghiệp Việt cũng sản xuất nhiều chủng loại hàng hóa tương tự. Có thể hiểu, việc đánh thuế đồng nghĩa với việc làm giảm lượng hàng Trung Quốc vào Mỹ và các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ phải tìm kiếm nguồn cung mới, nhưng nếu con số xuất khẩu hàng Việt sang Mỹ tăng nhanh thì có thể là “lợi bất cập hại” bởi các nghiệp đoàn doanh nghiệp Mỹ có thể đưa hàng Việt vào tầm ngắm của các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Cụ thể, rủi ro đáng chú ý là cơ quan chức năng Mỹ có thể áp dụng “biện pháp tự vệ” như một trong các công cụ phòng vệ thương mại khi các nhà điều tra tại đây chứng minh được tình trạng thiệt hại nghiêm trọng mà ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp tại Mỹ phải hứng chịu do việc gia tăng bất thường của luồng hàng hóa nhập khẩu.

Hiện Việt Nam là một trong năm nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ (sau Trung Quốc, EU, Mexico và Nhật Bản). Và chính sách của nền kinh tế xứ cờ hoa lại đang tìm cách giảm bớt nhập siêu. Thế nên cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung rất có thể là cảnh báo về rủi ro phải đối mặt “tin bão xa” cho hàng Việt.

Theo một số ý kiến chuyên gia, trước hết, phải “hóa giải” vấn đề hóc búa trên bằng các bài toán “thành phần”. Ví dụ, thay vì “tranh thủ” để xuất khẩu ồ ạt thì hàng Việt phải nâng tầm chất lượng, đa dạng hóa đầu ra. Tất nhiên, chính sách có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt nắm lấy cơ hội tăng xuất khẩu nhưng doanh nghiệp cũng phải tỉnh táo để tránh những tổn thương không mong muốn như phân tích ở trên.

Một thách thức tiềm ẩn khác mà nhiều chuyên gia tại Hội thảo đồng tình là khi số hàng hóa Trung Quốc xuất đi Mỹ trong đợt áp thuế lần 3 bị tăng thuế suất từ 10% lên 25% chỉ sau khoảng 2 tháng nữa, nhiều hàng hóa do Việt Nam sản xuất sẽ chịu cạnh tranh khốc liệt trước hàng nhập từ Trung Quốc ngay tại thị trường nội địa. Điển hình là các sản phẩm như va li, túi xách, thủy sản, kể cả đồ nhựa và hóa chất.

Tất nhiên, có thể thấy, ngày nay nhiều hàng hóa từ Việt Nam đã được thế giới công nhận và ưa chuộng, nhưng khả năng cạnh tranh của hàng Việt ở thị trường nội địa thực tế còn phụ thuộc vào các nhà phân phối. “Ai kiểm soát hệ thống phân phối sẽ chi phối sức mạnh của nền sản xuất”, TS Trần Du Lịch nhận định.

Trong khi đó, dự báo thị trường Việt Nam sẽ có cơ hội đón nhận dòng FDI dịch chuyển từ TQ cũng đang vấp phải một số quan ngại. Đó là các rào cản về kết nối hạ tầng khiến chi phí logistics đắt đỏ, nỗ lực cải cách quy định, thủ tục đầu tư chưa được như mong đợi, cơ sở hạ tầng đang dàn trải…

Và một rủi ro khác đến từ áp lực lên Vietnamdong (VND) khi nhân dân tệ (CNY) trượt giá mạnh suốt 6 tháng qua. Tuy nhiên, chọn lựa điều chỉnh tỷ giá VND “tịnh tiến” cùng tốc độ với CNY không hẳn là giải pháp hay. Bởi Việt Nam không mong muốn bị “quy kết” là can thiệp tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu. “Không nhất thiết CNY xuống giá bao nhiêu thì VND phải xuống giá bấy nhiêu. Thay vào đó, cần căn cứ vào mức điều chỉnh bình quân của cả 8 đồng tiền là các đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam như: USD, Euro, Nhân dân tệ, Yên Nhật Bản, Won Hàn Quốc, Đô la Đài Loan, Đô la Singapore và Baht Thái Lan”, TS Nguyễn Xuân Thành nêu quan điểm.

Phương Hiền

Top