Câu chuyện trước và sau chiến tranh

18/02/2019 3:39 PM

(Chinhphu.vn) - Hai mái đầu của hai đồng nghiệp từng ở hai phía đối nghịch ngày nào, giờ tóc đã sắp bạc kín. Nhưng có lẽ chưa ai quên hình ảnh những cặp mắt lạnh lùng và cái bắt tay hờ hững của buổi giáp mặt đã thuộc về quá khứ…

Nhà thơ Trần Ninh Hồ - Chủ tịch Hội đồng Thơ ( Hội Nhà văn Việt Nam, bên trái) và nhà thơ Thiên Hà - Ảnh VGP/ Bình Nguyên

Chúng tôi ngồi với nhau tại một quán vắng giữa trung tâm Sài Gòn. Nhìn qua cửa sổ, thấy bầu trời tối sầm và mưa bắt đầu dày hạt, Thiên Hà bỗng dưng lặng thinh. Yên tĩnh quá, tôi khẽ hát bài “Nhớ nhau hoài” nhạc Anh Việt Thu, lời thơ của Thiên Hà: “Em ở nơi nào có còn mùa xuân không em?/ Rừng ngàn lá gió từng đêm nhắc nhở thì thầm/ Nắng ở trên đầu, nắng trong lòng phố/ Gió ở trên non gió cuốn mây về”.

Trước ngày thống nhất, thơ của Thiên Hà được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, nhưng có lẽ ông có duyên với nhạc sĩ Anh Việt Thu hơn cả. Ngoài nhạc phẩm “Nhớ nhau hoài“, Anh Việt Thu còn phổ thơ Thiên Hà thành nhiều bài nổi tiếng khác, được hát nhiều như “Gió về miền xuôi” cũng rất “ép phê”.

Nhà báo hào hoa Thiên Hà sinh năm 1940, chàng trai miệt rừng đước Cà Mau, nhập vào Sài Gòn từ lúc còn trai trẻ. Ông về hưu khi đang công tác tại báo Công an TPHCM.

Ngoài viết báo, Thiên Hà còn viết truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện ký, kịch bản phim và được biết đến nhiều nhất nhờ thơ. Rất nhiều người thuộc lòng những ca khúc như thế, từ hồi những năm 60, 70 của thế kỷ trước, mà thời đó gọi là nhạc vàng. Lứa học sinh ở miền Bắc, choai choai như bọn tôi, thời đó lén chép vào sổ tay, chỉ dám hát thì thầm hoặc nghêu ngao trong xó xỉnh.

Mặc dù sống ở đất Sài Gòn chưa lâu, nhưng tôi cũng sớm mến con người xứ này. Người Nam bộ rất bộc trực, thẳng thắn, ít khi nói chuyện văn hoa dài dòng. Với Thiên Hà cũng vậy, sau khi quen thân, mỗi khi gặp, tôi hay gọi đùa ông là “giặc già”, bởi ông ham sống, ham vui.

Trước giải phóng, ông từng viết báo phản chiến, ủng hộ phong trào học sinh, sinh viên đô thị miền Nam chống bắt lính. Những năm 90 của thế kỷ trước, mặc dù lớn tuổi vẫn chịu khó xông pha, rong ruổi trên các nẻo đường miền Tây để viết bài cho các chuyên mục rất “hot”, ăn khách của Báo Công an thành phố lúc bấy giờ.

Nhưng có lẽ kỷ niệm làm nghề mà ông sẽ không bao giờ quên, đó là bữa vừa rồi, cùng tôi ra thăm Hà Nội. Vừa xuống sân bay, bè bạn đã í ới rủ nhậu. Hôm đó, trong thực khách có nhà thơ Trần Ninh Hồ, khéo xếp thế nào lại ngồi kề bên Thiên Hà.

Chỉ sau hai ly, họ đã nhận ra nhau tại buổi trao trả tù binh đợt I, ngày 21/2/1974, tại sân bay Lộc Ninh. Họ giống nhau, đều là phóng viên chiến trường, khác là ở hai chiến tuyến. Trần Ninh Hồ, Văn Lê… là phóng viên báo “Quân giải phóng”, còn Thiên Hà là ký giả Sài Gòn của chế độ bên kia.

Thiên Hà nhớ lại, lúc đó phi trường Lộc Ninh trơ trọi, nóng như thiêu như đốt. Mọi người phải chờ mãi chiếc xe Chinook mầu trắng chở sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm bay từ Biên Hòa hạ cánh xuống Lộc Ninh lúc 8 giờ 45 phút. Trên sân bay có hai chiếc trực thăng màu vàng của hai bên - Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một chiếc màu trắng của Ủy Ban Quốc tế (ICCR).

Tại bàn nhậu, nhà thơ Trần Ninh Hồ nhắc lại y nguyên lời ông Huỳnh Tấn Mẫm: “Là học sinh sinh viên Sài Gòn, cư ngụ ở Sài Gòn, tôi yêu cầu chính quyền Sài Gòn trả tôi về đoàn tụ với gia đình và học đường”. Một ngày tác nghiệp vất vả, đầy căng thẳng.

Thấm thoát đất nước thống nhất đã hơn 40 năm.

Hai mái đầu của hai đồng nghiệp từng ở hai phía đối nghịch ngày nào, giờ tóc đã sắp bạc kín. Có lẽ chưa ai quên hình ảnh những cặp mắt lạnh lùng và cái bắt tay hờ hững của buổi giáp mặt đã thuộc về quá khứ. Trong cuộc tái ngộ bất ngờ, chỉ sau vài ly, họ đã khoác vai nhau, nói cười ha hả. Thiên Hà ứng khẩu đọc hai câu thơ tặng bạn: “Nâng chén đời nghiêng ngửa/ Mừng ta lại gặp ta…”. Với họ, chiến tuyến hết rồi.

Bình Nguyên

Top