Chất lượng đại học: Trường lớn chưa đạt chuẩn, trường nhỏ ra sao?

02/12/2018 8:01 AM

(Chinhphu.vn) - Cơ sở vật chất chưa đảm bảo, số lượng sinh viên quá đông, thiếu giảng viên, định hướng chưa rõ ràng khiến nhiều trường đào tạo “lệch pha” với nhu cầu của thị trường… là những cảnh báo của trí thức kiều bào tại Hội nghị “Kiều bào góp ý về chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM” do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố vừa tổ chức.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Đại học tầm cỡ Việt Nam vẫn… thiếu chuẩn

Theo ông Peter Hồng, kiều bào Úc, Chủ tịch BankPay Việt Nam, điều đáng lo nhất của giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam hiện nay là số lượng du học sinh của chúng ta quá lớn và không ngừng gia tăng. Hàng năm Việt Nam có hơn 100.000 sinh viên du học tại các quốc gia trên thế giới. Trung bình mỗi năm chúng ta phải bỏ ra từ 3,5 đến 4 tỷ USD để học ở ngoài, chưa kể khoản lớn chi phí nhà ở, sinh hoạt. Riêng tại Úc, mỗi năm Việt Nam có 33.000 sinh viên theo học với mức chi khoảng 1,5 tỷ USD.

Không chỉ thất thoát khoản chi phí lớn cho việc du học hơn 20 năm nay, Việt Nam còn đang đối mặt với một cuộc canh tranh của các trường đại học quốc tế ngay tại thị trường giáo dục trong nước. “Ví dụ như Đại học RMIT tại TPHCM. RMIT chưa phải trường nổi tiếng nhất của Úc nhưng bây giờ là trường hàng đầu thu tiền của người Việt ngay tại Việt Nam. Tại sao đến giờ phút này chúng ta chưa làm được điều này như Úc? Những mô hình gần gũi nhất với mình là Nhật Bản, Hàn Quốc mà chúng ta cũng chưa học tập được. Nếu nền giáo dục của chúng ta được chuẩn bị một cách tốt nhất thì cứ một năm chúng ta có thể tiết kiệm ít nhất 1 tỷ USD. Chỉ cần 10 năm thôi chúng ta đã có 10 trường đại học nổi tiếng rồi”, kiều bào Peter Hồng lên tiếng.

Trước câu hỏi tại sao ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam thích đi du học hay tham gia các mô hình GDĐH quốc tế, nhiều kiều bào cho rằng chỉ cần thẳng thắn nhìn vào những bất cập hiện của có hệ thống GDĐH nước ta sẽ tìm được lời giải thỏa đáng. Theo GS, TS. Đặng Lương Mô, kiều bào Nhật Bản, cố vấn Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch thuộc Đại học quốc gia TPHCM, ngay bản thân một trường lớn như Trường Đại học Bách Khoa TPHCM mà vẫn chưa đạt chuẩn quốc gia về tỷ lệ phân bổ sinh viên và bằng cấp giảng viên thì đến bao giờ mặt bằng chung của GDĐH Việt Nam mới tiệm cận được thế giới.

Cụ thể, Bộ GD-ĐT quy định một trường đại học đào tạo kỹ sư thì tỷ lệ phân bổ 1 giảng viên/10-15 sinh viên, và 50% giáo viên của trường phải có bằng tiến sĩ, thạc sĩ. Điều đáng lưu ý đây mới là điều kiện mở trường đại học và chỉ bằng 1/2 tiêu chuẩn của các trường tại châu Á. Thế nhưng chỉ 47% trong số 930 giảng viên tại Trường Đại học Bách Khoa TPHCM là tiến sĩ, thạc sĩ, thiếu 3% so với chuẩn.

Tuy nhiên, trường này lại có trên 26 ngàn sinh viên cho tất cả loại hình đào tạo, vượt hơn 10 ngàn người học so với quy định. Đó là Đại học Bách Khoa TPHCM, còn ở những trường đại học nhỏ chất lượng thấp, số lượng giáo viên cơ hữu còn hạn chế hơn rất nhiều.

Phải thay đổi định hướng đào tạo

Nhìn thẳng vào 2 điểm yếu tồn tại dai dẳng trong hệ thống GDĐH Việt Nam hiện nay là cơ sở vật chất chưa đảm bảo và thiếu đội ngũ giáo viên, GS, TS. Đặng Lương Mô cho rằng các trường phải mạnh dạn đầu tư. Nếu trường không tốt, thầy không giỏi, mãi mãi chất lượng không thể nâng lên được.

“Trước hết phải đầu tư xây dựng trường lớp đàng hoàng, đừng để sinh viên ngồi học ở hành lang hay gốc cây mà phải có phòng tự học cho các em. Cùng với đó là tìm cách thu hút giáo viên giỏi, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài để tận dụng nguồn “chất xám” chất lượng cao. Mời các trí thức nước ngoài về làm giáo viên cơ hữu rất khó, chi phí đắt đỏ nhưng nếu các trường biết tính toán thì có thể mời họ về đào tạo ngắn hạn trong dịp nghỉ hè. Vấn đề là phải tạo điều kiện để các chuyên gia trở về giảng dạy theo từng chương trình cấp tốc, khi đó sinh viên sẽ được rất nhiều cái lợi”, GS, TS. Đặng Lương Mô góp ý.

Trong khi đó, theo TS Bùi Văn Minh, kiều bào Pháp, một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy đại học, điều quan trọng là thay đổi định hướng học tập của sinh viên và nâng chuẩn giáo viên. Phương pháp giảng dạy tại nhiều trường ở nước ta hiện nay đang hạn chế tính sáng tạo của người học khiến các em chỉ lo tập trung vào chuyện lấy bằng cấp chứ không trang bị tốt các kỹ năng trước khi tốt nghiệp. TS Bùi Văn Minh đề cập: “Bên cạnh việc tạo thêm môi trường cọ xát thực tế cho người học, các trường phải đào tạo sao cho sinh viên hiểu rõ mục đích là học để làm chứ không phải học để giữ những vị trí cao trong xã hội. Ngay cả Mỹ, một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến bậc nhất hiện nay cũng rất chú trọng vấn đề này. Khi xác định rõ mục đích của việc học, sinh viên sẽ chủ động trang bị những gì bản thân còn thiếu.”.

Đứng ở góc nhìn của một doanh nghiệp, ông Võ Thành Sơn, kiều bào Bỉ cho rằng sinh viên Việt sau khi ra trường hiện còn thiếu và yếu rất nhiều thứ. Điều này chứng tỏ các trường chưa làm tốt vai trò giáo dục, đào tạo của mình. Nếu giỏi chuyên môn mà thiếu kỹ năng, đạo đức thì người trẻ rất dễ có những suy nghĩ sai lệch, dẫn đến các quyết định chênh chuẩn mực xã hội. Vậy nên, nâng cao chất lượng đào tạo thôi chưa đủ mà các trường phải nâng cao ý thức cho người học. Việc này cần làm xuyên suốt từ phổ thông đến đại học. “Chúng ta phải hình thành năng lực tự học cho trẻ từ mẫu giáo, lớp 1 đến lớp 12 để khi lên đại học các em tự thân vận động. Thứ hai là nhà trường phải rèn luyện về kỹ năng và thể lực cho các em. Còn về mặt đạo đức thì chúng ta phải tạo ra được những chương trình thiện nguyện để các em tự nguyện làm. Hiện nay nhiều trường đại học cũng có các chương trình này nhưng chủ yếu làm để chụp hình đăng lên chứ chưa thực sự hiệu quả. Trong khi tại các nước lĩnh vực này rất được coi trọng”.

Thay vì cứ chạy theo các mô hình giáo dục tiên tiến, nhiều trí thức kiều bào cho rằng tự bản thân các trường đại học Việt Nam phải đổi mới định hướng đào tạo nhằm mở ra môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên. Và quan trọng hơn cả chính là sự tuân thủ các tiêu chuẩn từ quốc gia đến khu vực rồi mới bàn đến chuyện hội nhập giáo dục sâu rộng trong tương lai./.

Gia Mỹ

Top