Chỉ số tiếp cận điện của Việt nam tăng 37 bậc: Đơn vị nào được chọn để đánh giá?

03/11/2018 8:10 AM

(Chinhphu.vn) - Theo kết quả đánh giá chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2018 của nhóm nghiên cứu Doing business (Ngân hàng Thế giới), Việt Nam đứng ở vị trí 27 trên tổng số 190 quốc gia/ nền kinh tế - tăng tới 37 bậc so với xếp hạng năm 2017 và Điện lực TPHCM vinh dự được chọn là đơn vị để đánh giá chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam.

Chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2018 của Việt Nam đã thăng hạng vượt bậc, xếp thứ 27 trên thế giới, và là mức xếp hạng cao nhất từ trước đến nay.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp, chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam được cải thiện về vị trí, là nền kinh tế có chỉ số Tiếp cận điện năng cải thiện vị trí nhiều nhất trong khu vực. Việt Nam đã vượt qua Philippin và hiện đứng thứ 4 khu vực Asean - tức nằm trong nhóm ASEAN-4.

Chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2018 cải thiện 37 bậc là chỉ số có cải thiện tốt nhất trong số 10 chỉ số của nền kinh tế theo đánh giá của Doing Business, góp phần duy trì đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Xét riêng về số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành điện thì Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN.

TPHCM được chọn là nơi để đánh giá chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam. Vì vậy, theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC), ngay từ đầu năm 2018, Tổng công ty đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm rút ngắn thời gian giải quyết cấp điện qua trạm biến áp cho khách hàng; tạo thuận lợi trong tiếp nhận thông tin và giải quyết nhanh nhất đề nghị của khách hàng.

Tổng công ty đã chủ động phối hợp với các sở, ngành Thành phố thực hiện thỏa thuận liên ngành để triển khai thực hiện, song song các thủ tục tại các cơ quan nhà nước, với mục tiêu là thời gian giải quyết tối đa không quá 5 ngày làm việc.

Ngoài ra, EVN HCMC cũng đã cải tiến quy trình cấp điện không qúa 3 ngày làm việc cho khách hàng có nhu cầu phụ tải ≤ 160 KVA và trong vòng 13 ngày làm việc cho khách hàng có nhu cầu phụ tải >160 KVA. Theo đó ngành điện sẽ chủ động thực hiện và chịu toàn bộ chi phí (không bao gồm khách hàng mua điện trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản) và khách hàng chỉ thực hiện 1 thủ tục duy nhất là đăng ký cung cấp điện.

EVN HCMC cũng đẩy mạnh phân cấp cho đơn vị, xây dựng cơ chế đầu tư và lập thiết kế mẫu cho các công trình đường dây trung áp và trạm biến áp, cải cách thủ tục thực hiện và đặc biệt là thực hiện nghiêm chế độ “1 cửa” trong mọi giao dịch với khách hàng. Thực hiện công khai, minh bạch về trình tự, thủ tục, mọi yêu cầu của khách hàng chỉ cần đăng ký qua Tổng đài chăm sóc khách hàng theo số 1900545454 hoặc qua các hình thức: email cskh@hcmpc.com.vn, Website http://cskh.hcmpc.com.vn, và qua ứng dụng CSKH EVN HCMC, ZALO trên thiết bị di động. Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thể liên hệ trực tiếp tại Phòng giao dịch của các Công ty Điện lực trên địa bàn.

Với phương châm lấy khách hàng làm trung tâm, Tổng công ty cũng đã đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc khách hàng qua hệ thống tổng đài, trang tin điện tử, ứng dụng chăm sóc khách hàng trên thiết bị di động, triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng như: hộp thư 8055, 8655 hỗ trợ khách hàng tra cứu thông tin tiền điện, nợ tiền điện, nguyên nhân mất điện và lịch ghi điện; thanh toán tiền điện trực tuyến qua website và cung cấp ứng dụng theo dõi biểu đồ phụ tải để có thể theo dõi phụ tải và tình hình sử dụng điện trực tiếp trên website.

Trong lộ trình tiến tới mục tiêu 100% khách hàng nộp tiền điện qua chuyển khoản, EVN HCMC đã hợp tác với 22 ngân hàng và 9 đối tác thu hộ tiền điện để triển khai dịch vụ thanh toán tiền điện nhanh chóng, an toàn, tiện lợi.

Cụ thể, khách hàng có thể thanh toán tiền điện tại hơn 6.468 điểm thu ngoài hệ thống điện lực, cửa hàng tiện lợi, bưu cục, các siêu thị Saigon Co.op, cửa hàng Viettel, cửa hàng Viễn Thông A và 2.202 địa điểm đặt máy ATM, qua Internet/Mobile/SMS Banking hoặc trích nợ tự động để thanh toán tiền điện hàng tháng; qua website.

Song song với công tác kinh doanh, việc phát triển hạ tầng lưới điện thông minh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực kinh doanh điện năng đang được EVN HCMC triển khai mạnh mẽ.

EVN HCMC đã thành lập Trung tâm điều khiển từ xa để quản lý vận hành tự động lưới điện với nhiệm vụ theo dõi, giám sát tình hình cung cấp điện và điều khiển toàn bộ lưới điện trên địa bàn toàn Thành phố, bao gồm các trạm 110kV và các thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung thế. Đã và đang triển khai chuyển đổi mô hình các trạm biến áp 110kV sang vận hành không người trực, trên cơ sở trang bị hệ thống SCADA hiện đại để điều khiển xa toàn trạm.

Tổng công ty cũng đang thực hiện kế hoạch tự động hóa lưới điện phân phối 22 kV để thực hiện điều khiển từ xa cho 50% các phát tuyến trung thế (tổng cộng khoảng 300 tuyến theo mô hình miniSCADA). Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thi công trên đường dây đang mang điện (live-Line working) để giảm thiểu thời gian gián đoạn cung cấp điện do công tác.

Đặc biệt, EVN HCMC đã tự nghiên cứu chế tạo thành công và đã đưa vào sử dụng 21 bộ vệ sinh sứ cách điện 110kV, 22kV bằng nước áp lực cao (rửa sứ online) nhằm phục vụ công tác bảo trì lưới điện mà không cần cắt phải điện, góp phần giảm sự cố và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.

Với những nỗ lực của Tổng công ty Điện lực TPHCM, trong 10 tháng của năm 2018, chỉ số độ tin cậy về cung cấp điện tăng đáng kể hơn so với cùng kỳ năm trước. SAIDI (thời gian mất điện bình quân trong năm) là 132,5 phút giảm 61,66% so với cùng kỳ và SAIFI (số lần mất điện bình quân của 1 khách hàng trong năm) là 1,70 lần, giảm 55,92% so với cùng kỳ.

Việc thăng hạng liên tục vượt bậc về chỉ số Tiếp cận điện năng như trong các báo cáo của Doing Business hàng năm đã khẳng định kết quả tích cực đối với những nỗ lực không ngừng của EVN, và EVN HCMC trong việc mang tới cho các khách hàng sử dụng nguồn cấp điện ổn định chất lượng và các dịch vụ ngày càng tốt hơn.

Minh Thi

Top