Chương trình giảm nghèo TPHCM: Kỳ vọng mới từ chính sách đặc thù

14/08/2023 4:41 PM

(Chinhphu.vn) - Nhờ tháo gỡ khó khăn về cơ chế, trong năm 2023, 2.796 tỷ đồng vốn đầu tư công sẽ được bổ sung để hỗ trợ cho công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn TPHCM.

Chương trình giảm nghèo TPHCM: Kỳ vọng mới từ chính sách đặc thù - Ảnh 1.

Chú Phạm Hoàng Thọ, 61 tuổi, trú tại Phường 10, Quận 3 - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Tiếp đón chúng tôi trong bộ đồng phục bảo vệ khu phố, chú Phạm Hoàng Thọ, 61 tuổi, trú tại Phường 10, Quận 3, chậm rãi chia sẻ câu chuyện của mình. Gia đình chú có 3 thành viên là vợ chồng chú và cô con gái đang đi học, tất cả đều trông chờ vào đồng lương bảo vệ hơn 2 triệu đồng mỗi tháng của chú. Bản thân cô chú không có nhà riêng, sống nhờ họ hàng; chú lại bị bệnh thận phải phẫu thuật nhưng lúc đó không thể trang trải nổi viện phí.

Chú Thọ tâm sự, nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của Ban Giảm nghèo bền vững Phường 10, Quận 3 đã huy động các mạnh thường quân, các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ nên chú được phẫu thuật và khỏi bệnh. Phường cũng hỗ trợ cho con gái chú đi học nghề, hiện đã đi làm và có thu nhập ổn định, giúp gia đình chú Thọ vươn lên thoát nghèo vào năm 2022.

Cũng là một trong các hộ có hoàn cảnh khó khăn ở Phường 17, quận Bình Thạnh, cô Mây Sâm, người dân tộc Chăm đã được chính quyền cơ sở giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội quận Bình Thạnh số tiền 15.000.000 đồng. Với số tiền này, cô đã đầu tư để mua máy may, mở cửa hàng may quần áo. Sau một năm, gia đình cô đã có thêm nguồn thu nhập từ việc may và sửa đồ.

Ngoài ra, cô còn nhận nấu ăn mang đến trường cho con em người Chăm (vì người Chăm không ăn được thịt heo). Đến hạn hoàn vốn, cô đã thực hiện trả vốn đầy đủ, đúng thời hạn quy định. Sau khi trả xong, cô được vay tiếp số tiền 20.000.000 đồng để tiếp tục đầu tư bếp ăn và may, sửa đồ. Nhờ vậy mà thu nhập tăng thêm, cuộc sống gia đình cũng ổn định hơn và hiện nay đã thoát nghèo.

Còn chị Nguyễn Thị Lý, trú tại Phường 11, quận Phú Nhuận cũng là hộ nghèo tại địa phương. Nhà chỉ có 2 mẹ con, năm 2021, chị được chính quyền cơ sở hỗ trợ học bổng cho con gái, miễn giảm học phí, nhận các gói an sinh, sổ tiết kiệm, quà vào các dịp lễ, Tết… Năm 2022, chị được UBND quận và phường trao tặng một chiếc xe máy để làm thêm công việc đưa đón các bé để tăng thêm thu nhập ngoài công việc tạp vụ đang làm hằng ngày. Nhờ đó, chị đã có một cuộc sống ổn định hơn và thoát nghèo vào cuối năm 2022.

Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ghi nhận TPHCM có 58.019 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỉ lệ 2,29% trên tổng số hộ dân.

Đến cuối năm 2022, Thành phố giảm 25.877 hộ nghèo, hộ cận nghèo, đạt 44,6% kế hoạch. Hiện Thành phố còn lại 39.381 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỉ lệ 1,55% tổng hộ dân.

Để có được thành công bước đầu đó, nhiều mô hình giảm nghèo đã được triển khai, mang lại hiệu quả, giúp các hộ dân trong chương trình từng bước ổn định cuộc sống, tham gia vào các dịch vụ xã hội cơ bản.

Chương trình giảm nghèo TPHCM: Kỳ vọng mới từ chính sách đặc thù - Ảnh 2.

Bà Phan Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND Phường 10, Quận 3 chia sẻ về các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo bền vững

Theo bà Phan Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND Phường 10, Quận 3, thực hiện công tác hỗ trợ các hộ khó khăn, Phường đã huy động các nguồn lực như vận động và sử dụng quỹ "Xóa đói giảm nghèo", quỹ "Giải quyết việc làm"; bên cạnh đó là hỗ trợ đào tạo nghề. Cụ thể, Ban Giảm nghèo bền vững của Phường sẽ phối hợp với các khu phố tuyên truyền để các hộ nghèo, hộ cận nghèo biết các khóa học nghề để có nghề nghiệp ổn định, tăng thu nhập.

Phường cũng đã liên kết với Trường trung cấp nghề nhân đạo Quận 3, theo đó những hồ sơ giới thiệu con em hộ nghèo, cận nghèo hoặc các hộ khó khăn của Phường sẽ được nhà trường quan tâm, tạo điều kiện miễn giảm học phí.

Ngoài ra, bà Nhàn cho biết các chi bộ khu phố cũng có những mô hình chung tay với các hộ nghèo, hộ cận nghèo như mỗi khu phố sẽ chọn ra được một hộ nghèo để giúp mở một sổ tiết kiệm, giúp họ có được một số vốn để làm ăn, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

UBND Quận 3 còn liên kết với các đơn vị như Hợp tác xã Quận 3 và BHXH Quận 3, qua đó hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo để kiếm thêm thu nhập, học nghề hoặc có tiền chữa bệnh.

Chương trình giảm nghèo TPHCM: Kỳ vọng mới từ chính sách đặc thù - Ảnh 3.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho biết Hệ thống MTTQ các cấp đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo - Ảnh:VGP/Vũ Phong

Còn theo ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Thành phố đã triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội thiết thực như xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; sửa chữa nhà tình thương; trao tặng phương tiện làm ăn cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; tặng phương tiện đi học cho các em học sinh; tặng thẻ Bảo hiểm y tế; trợ cấp khó khăn hàng tháng cho cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trao tặng học bổng Nguyễn Hữu Thọ các cấp cho học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, tìm việc làm cho người lao động…

Hệ thống MTTQ các cấp đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như: Mô hình "Kết nối sẻ chia – Trao yêu thương", mô hình "Heo đất nghĩa tình"; "Ngày hội nhân ái", "Gian hàng, siêu thị 0 đồng"… Các mô hình hay, hiệu quả luôn được chăm chút, nuôi dưỡng để tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho công tác giảm nghèo bền vững của Thành phố.

Theo Sở LĐTB&XH TPHCM, hiện nay, Thành phố đang thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, phương thức này đã góp phần đảm bảo cho người dân được đáp ứng đầy đủ yêu cầu về giáo dục và đào tạo, y tế, việc làm và bảo hiểm xã hội, điều kiện sống, tiếp cận thông tin… Từ đó, thu hẹp mức sống chênh lệch giữa các cộng đồng dân cư.

Nhiều địa phương trên địa bàn Thành phố đã đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội, của các thành phần kinh tế tham gia; đồng thời, Thành phố cũng xây dựng các kế hoạch lồng ghép hiệu quả chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt gắn chặt nhiệm vụ giảm nghèo bền vững với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thực hiện cuộc vận động "Vì người nghèo" để hoạt động thật sự trở thành phong trào thi đua yêu nước, thu hút sự tham gia của toàn dân thành phố vào sự nghiệp giảm nghèo.

Kỳ vọng từ Nghị quyết mới

Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, TPHCM luôn nghiên cứu để tìm ra nhiều mô hình, cách làm hay. Ngoài việc thực hiện các mô hình trao phương tiện sinh kế thì các quận, huyện cùng thành phố thủ Đức và các ban ngành còn đặc biệt chú trọng đến việc tạo cho người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu chương trình thì TPHCM vẫn còn không ít thử thách, nhất là về nhân sự thực hiện công tác giảm nghèo và nguồn vốn bố trí.

Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TPHCM, hiện vẫn còn 14.000 hồ sơ của hộ nghèo, cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo tồn đọng tại các ngân hàng chính sách xã hội các quận, huyện do Thành phố chưa có nguồn vốn để bố trí bởi vướng mắc cơ chế.

Những khó khăn này được kỳ vọng sẽ được giải quyết nhờ vào các nghị quyết của Quốc hội và HĐND TPHCM trong năm 2023. Dựa vào Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 13 năm 2020 của HĐND Thành phố quy định các tiêu chí, điều kiện, các mức hỗ trợ cho công tác giảm nghèo.

Nhờ tháo gỡ khó khăn về cơ chế, trong năm 2023, 2.796 tỷ đồng vốn đầu tư công sẽ được bổ sung, bố trí cho hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố.

Còn ông Phạm Minh Tuấn nhận định, đây là chính sách đặc thù đầu tiên được hiện thực hóa từ Nghị quyết 98, được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội tốt nhất từ trước đến nay về cơ chế, chính sách để đưa Thành phố phát triển mạnh mẽ, tạo chuyển biến về mọi mặt.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, đây là tiền đề quan trọng để TPHCM hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo dựng hệ sinh thái và môi trường phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

"Như vậy, có thể thấy rằng công tác hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn, thoát nghèo… được Thành phố quan tâm hướng tới nâng hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững, các chương trình, đề án với mục tiêu hướng đến trang bị, cung cấp cho người lao động khó khăn những kỹ năng, nhận thức và các hình thức hỗ trợ khác để người lao động có thể nâng giá trị lao động, tăng nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo bền vững của Thành phố", ông Tuấn cho biết.

Anh Thơ

Top