Công tác kiều bào: Khen thưởng chưa tương xứng với đóng góp

14/07/2019 10:09 AM

(Chinhphu.vn) - Công tác khen thưởng kiều bào của TPHCM tuy có nỗ lực nhưng vẫn còn hạn chế, số lượng được khen thưởng chưa tương xứng với sự đóng góp của kiều bào. Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM có lãnh đạo mới Kiều bào đề xuất nhiều giải pháp phát triển TPHCM Xây

Ông Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao và Ông Phùng Công Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM trao đổi văn bản Chương trình phối hợp công tác năm 2019 - 2021. Ảnh: VGP/Huyền Trâm

Chiều 12/7, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài 6 tháng đầu năm 2019, bàn giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiều bào trong thời gian tới.

Đóng góp lớn

Tại Hội nghị, nói về hoạt động, đóng góp của kiều bào trên địa bàn, ông Lâm Đệ, Trưởng ban Liên lạc kiều bào quận 8 cho biết, trong những tháng đầu năm 2019, nhiều kiều bào đã tích cực ủng hộ, xây dựng được 9 cây cầu với kinh phí hơn 1,2 tỉ đồng, 9 căn nhà tình thương với kinh phí 450 triệu đồng, 2 lớp học tình thương trị giá 250 triệu đồng, ủng hộ 700 phần quà tại tỉnh Tây Ninh trị giá gần 600 triệu đồng, 50 xe lăn và 500 ca mổ mắt cho người nghèo trị giá 350 triệu đồng ở tỉnh Quảng Trị...

Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ, từ tháng 6/2018 đến nay, Hiệp hội đã tích cực tham dự và tổ chức các diễn đàn, hội thảo kinh tế và các chương trình xúc tiến thương mại cấp Chính phủ trong và ngoài nước; ký kết nhiều chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ, thúc đẩy và mở rộng cơ hội đầu tư, phát triển thị trường. Đặc biệt, Hiệp hội tổ chức thành công “Diễn đàn kinh tế kiều bào toàn cầu lần 1” tại Hàn Quốc vào tháng 6/2019.

Tiếp nối thành công trên, theo ông Peter Hồng, từ nay đến hết năm 2019, Hiệp hội tiếp tục tổ chức các diễn đàn kinh tế, xúc tiến đầu tư… Trong đó, vào cuối tháng 9 tới sẽ tổ chức “Hội nghị Xúc tiến thương mại Thái Lan - Việt Nam quốc tế mở rộng” tại Thái Lan.

Còn đại diện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban cho hay, phát huy nguồn lực kiều bào, đặc biệt là nguồn lực trí tuệ, vừa qua Ủy ban đã tổ chức thành công Hội nghị Việt kiều toàn thế giới tại TPHCM. Tại hội nghị, kiều bào đã đưa ra gần 50 kiến nghị, đề xuất nhằm giúp TPHCM, trong đó nhiều đề xuất rất cụ thể, nghiêm túc và có thể triển khai thực hiện.

Báo cáo của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM do ông Trần Đức Hiển, Phó chủ nhiệm Ủy ban đọc tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tiếp tục là cầu nối, tổ chức để kiều bào tham gia nhiều hoạt động xã hội, thu hút và phát huy nguồn lực của kiều bào trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, công tác kiều bào được cho là vẫn chưa đạt yêu cầu. Việc rà soát xây dựng và bổ sung dữ liệu kiều bào chưa được đầu tư nhiều, chưa được cập nhật thường xuyên do chưa thống nhất trong việc cung cấp số liệu và xử lý thông tin liên quan đến chính sách và các hoạt động của kiều bào. Hay công tác tuyên truyền, vận động và kết nối người Việt ở nước ngoài là người dân TPHCM cũng chưa được phát huy do thiếu nguồn lực.

Đáng chú ý, ông Hiển cho biết, trong công tác khen thưởng kiều bào, tuy có nỗ lực nhưng vẫn còn hạn chế, số lượng kiều bào được khen thưởng chưa tương xứng với sự đóng góp của kiều bào.

Nhiều kiến nghị hỗ trợ kiều bào

Cũng theo ông Trần Đức Hiển, người Việt Nam tại Thái Lan đều sử dụng tiếng Việt khi tham gia sinh hoạt cộng đồng. Hiện nhiều bà con kiều bào đã tình nguyện mở các lớp dạy tiếng Việt cho con em mình.

Mới đây, tháng 5/2019, Ban quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Udon Thani đã ký kết bản ghi nhớ chung về thỏa thuận hợp tác dạy tiếng Việt với Trường Trung học UdonPittayanukul 2 và Trường Tiểu học Noong On, Noong Han của huyện Mương, tỉnh Udon Thani.

Theo đó, Ban quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và các trường tổ chức các lớp dạy tiếng Việt văn bản cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 12, với thời lượng 1 tuần 2 buổi, sử dụng giáo trình song ngữ Việt - Thái do các giáo viên thuộc Hội người Việt Nam ở tỉnh Udon Thani xây dựng dựa trên bộ giáo trình dạy tiếng Việt căn bản của Việt Nam.

Ông Trần Đức Hiển cho hay, kiều bào tỉnh Udon Thani có mong muốn duy trì và phát triển ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam trong cộng đồng, từng bước đưa ngôn ngữ Việt Nam vào giảng dạy trong các trường Tiểu học, Trung học của Thái Lan tại tỉnh Udon Thani.

Tuy nhiên, thế hệ trẻ ngày nay không có nhiều thời gian cho việc học tiếng Việt, cùng với việc thiếu giáo viên dạy tiếng Việt cũng là những khó khăn ở đây. Do vậy, kiều bào tại Thái Lan mong sẽ có nhiều hơn những hỗ trợ từ phía quê nhà đối với việc dạy và học tiếng Việt trong thời gian tới.

Giáo sư Đặng Lương Mô, một kiều bào tại Nhật Bản lại chia sẻ trăn trở của ông về một vấn đề khá thiết thực của bà con sống tại nước ngoài, đó là vấn đề chăm sóc sức khỏe. Theo Giáo sư, do rào cản ngôn ngữ nên mỗi khi có bệnh, các kiều bào gặp nhiều khó trong việc diễn tả bệnh tình của họ cho bác sĩ, để có thể được chẩn đoán và chữa trị hiệu quả.

Lấy dẫn chứng cộng đồng người Nhật tại TPHCM, Giáo sư Đặng Lương Mô cho biết, hàng nghìn người Nhật đang sinh sống tại đây, họ có những phòng khám và bác sĩ người Nhật phục vụ nên rất thuận tiện. Giáo sư đặt vấn đề, nên chăng Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cũng tổ chức những bệnh viện hay phòng mạch với các bác sĩ người Việt để tiện chăm sóc sức khỏe cho gần nửa triệu người Việt đang lao động và học tập tại Nhật Bản.

Nhiều cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong năm 2018 được nhận Bằng khen của UBND TPHCM. Ảnh: VGP/Huyền Trâm

Phát huy nguồn lực kiều bào

Để làm tốt công tác kiều bào, phát huy nguồn lực kiều bào, ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh vai trò của công tác đại đoàn kết dân tộc. Theo đó, tới đây, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng như: Chương trình xuân Quê hương; tổ chức đoàn kiều bào đi thăm huyện đảo Trường Sa và các Nhà giàn, Trại hè Việt Nam; tổ chức các hội thảo để kiều bào là trí thức, kiều bào trẻ đóng góp trí tuệ cho đất nước… qua đó tạo điều kiện để bà con có nhiều cơ hội về nước, gặp gỡ giao lưu với chính quyền, người dân trong nước, tăng cường gắn bó, đoàn kết giữa cộng đồng trong và ngoài nước.

Một nội dung rất quan trọng khác, đó là đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt. Hiện đã có 3 đề án cấp Nhà nước liên quan đến việc dạy và học tiếng Việt. Ủy ban cũng đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động cuộc thi viết sách giáo khoa tiếng Việt, cũng như phối hợp mở ra các chương trình học tiếng Việt. Tổ chức chương trình tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài.

Cùng với đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, cần tập trung phát huy nguồn lực kiều bào, đặc biệt là nguồn lực tri thức cho sự phát triển của đất nước nói chung cũng như với TPHCM nói riêng.

Về phía Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, ông Trần Đức Hiển cho biết, 6 tháng cuối năm, ngoài việc triển khai hiệu quả kế hoạch công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đơn vị sẽ tham mưu cho UBND thành phố tổ chức các hoạt động liên quan đến kiều bào.

Đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp 3 bên giữa Ủy ban người Việt ở nước ngoài TPHCM với Sở Ngoại vụ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM trong công tác kiều bào; triển khai sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy cơ quan Ủy ban nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Cũng tại Hội nghị, đã diễn ra nghi thức trao đổi văn bản Chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Nhà nước về người Viêt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao với Ủy ban Nhà nước về người Viêt Nam ở nước ngoài THCM giai đoạn 2019 - 2021.

Ngoài ra, 8 cá nhân, 4 phòng ban, 1 tập thể thuộc Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018 được nhận bằng khen của UBND TPHCM.

Huyền Trâm

Top