Đặc sản vùng miền trong nước hội tụ tại TPHCM

24/09/2020 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiều loại đặc sản vùng miền của các địa phương trong nước hội tụ tại sự kiện Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác thương mại giai đoạn 2016-2020 và kết nối cung cầu hàng hoá giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2020 diễn ra ngày 24/9 tại TPHCM.

Sở Công thương TPHCM và các tỉnh thành Đông - Tây Nam Bộ ký kết hợp tác thương mại giai đoạn 2021-2025. Ảnh: VGP/Lê Anh

Theo thông tin từ Ban tổ chức, có 41 tỉnh, thành (bao gồm TPHCM) cùng 598 nhà cung ứng, phân phối, xuất khẩu… tham dự sự kiện Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác thương mại giai đoạn 2016-2020 và kết nối cung cầu hàng hoá giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2020.

Trong các ngày từ 24 đến 27/9, sẽ có gần 2.000 mặt hàng là đặc sản, nông sản an toàn, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm chế biến, sản phẩm chủ lực của TPHCM và đặc sản mới của các vùng miền trong cả nước được trưng bày, giới thiệu tại 500 gian hàng.

Đánh giá của Sở Công thương TPHCM và Sở Công thương các tỉnh, thành phía Nam, Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành trong giai đoạn 2016-2020 đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và là cầu nối kết nối giao thương, cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường khu vực, cùng cả nước thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Qua triển khai chương trình, các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp TPHCM an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay, các doanh nghiệp bình ổn thị trường của Thành phố đều có vùng nguyên liệu ổn định tại các tỉnh, thành.

Cụ thể, đã có 28 doanh nghiệp bình ổn thị trường Thành phố đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 63 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ. Tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỷ đồng. Hoạt động liên kết, ứng vốn cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm nông sản lên đến 3.200 tỷ đồng/năm.

Một trong những chương trình hợp tác thương mại quan trọng nhất giữa TPHCM và các tỉnh, thành đó là hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa. Chương trình được Sở Công thương TPHCM và các tỉnh thành phối hợp tổ chức định kỳ hàng năm với quy mô ngày càng lớn, xây dựng kênh tiếp xúc trực tiếp giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối

Đến nay đã có 3.193 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết giữa các bên tại các hội nghị kết nối với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 4.500 tỷ đồng/năm. Nhờ liên kết với các doanh nghiệp TPHCM, tại các tỉnh, thành đã hình thành được nhiều chuỗi cung ứng, mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap…đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM  cho biết, để tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu dẫn dắt thị trường, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành triển khai hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp mới, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành phố và các tỉnh, thành liên kết hợp tác, tiến đến liên kết sản xuất, liên kết xuất khẩu.

Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Việt Nam đã ký kết, tham gia 13 Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Thực thi các FTA chính là quá trình gỡ bỏ dần các rào cản thuế quan và phi thuế quan, mang đến kỳ vọng mở rộng thị trường cho cả xuất khẩu - nhập khẩu và phân phối nội địa. Điều này là cơ hội và cũng là thách thức cho các doanh nghiệp trong nước, đòi hỏi doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể đủ sức cạnh tranh. Vì vậy, liên kết để phát triển là yêu cầu hết sức quan trọng của các doanh nghiệp trong nước hiện nay.

Ông Đức cho biết, TPHCM sẽ tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu dẫn dắt thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; đẩy mạnh liên kết tiêu thụ hàng hoá giữa doanh nghiệp thành phố và các tỉnh, thành nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Lê Anh

Top