Để Nghị quyết 98 thuận lợi hơn cho đầu tư theo phương thức đối tác công tư

14/12/2023 8:43 AM

(Chinhphu.vn) - Theo các chuyên gia, để Nghị quyết 98 đi vào cuộc sống, tháo gỡ được hết vướng mắc của các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn TPHCM, cần bổ xung thêm những quy định, hướng dẫn cụ thể.

Để Nghị quyết 98 thuận lợi hơn cho đầu tư theo phương thức đối tác công tư- Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM Phạm Trung Kiên trình bày tham luận: Đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong bối cảnh Nghị quyết 98 - Cơ hội và thách thức với Thành phố và Nhà đầu tư. - Ảnh: VGP/Hồng Đức

Cả nhà nước và nhà đầu tư lúng túng

Tại diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2023 - kiến tạo lợi thế mới cho nhà đầu tư TPHCM trong bối cảnh Nghị quyết 98/2023/QH15, diễn ra tại TPHCM ngày 12/12 vừa qua, ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM, cho rằng, Nhà nước đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và một số văn bản quy phạm pháp luật khác điều chỉnh hoạt động đầu tư bằng hình thức này. Tại TPHCM, Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua và chính thức triển khai là căn cứ pháp lý quan trọng, kỳ vọng tạo điều kiện cho Thành phố có thể chủ động trong việc lựa chọn, kêu gọi và triển khai các dự án PPP mang tính khả thi.

Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng việc triển khai các dự án PPP trên thực tế vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc; các quy định pháp luật trong lĩnh vực này liên tục được bổ sung, hoàn thiện nhưng vẫn chưa theo kịp với thực tiễn. Ngoài ra, cả phía Nhà nước lẫn khu vực tư nhân vẫn còn lúng túng trong việc lựa chọn, xác định loại hợp đồng (BOT, BTO, BLT, BTL, BOO, O&M, BT) sao cho phù hợp với từng lĩnh vực và tính chất của dự án.

Như vậy, có thể nhìn nhận rằng, sự thiếu hụt các hướng dẫn cụ thể và được quy định rõ ràng tại luật và các văn bản pháp luật khiến cả các cơ quan nhà nước và nhà đầu tư hết sức lúng túng khi tham gia vào các hợp đồng theo phương thức PPP.

Đề cập đến vấn đề thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các dự án "xanh" hiện nay, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đánh giá, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang có cơ hội nhận chuyển dịch đầu tư từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, muốn hưởng lợi từ cơ hội này, chúng ta cần có chiến lược và kế hoạch rõ ràng cũng như chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Theo đó, để hướng tới phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 - mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, chúng ta cần nhanh chóng thích nghi với nhiều khái niệm, ngành công nghiệp còn khá mới mẻ. Hiện nay, bộ khung pháp lý liên quan đến các vấn đề về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là năng lượng, phát thải,… vẫn chưa được quy định cụ thể. Thêm vào đó, nhiều chính sách của Nhà nước còn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư.

Chính vì lẽ đó, chúng ta cần nhanh chóng ban hành những Luật, Nghị định liên quan giúp nhà đầu tư có cơ sở, niềm tin để an tâm thực hiện dự án.

Trao đổi về các quy định liên quan đến triển khai dự án PPP trong khuôn khổ Nghị quyết 98, tại các phiên đối thoại của diễn đàn, các chuyên gia tập trung thảo luận: (i) Vấn đề phát sinh khi mở rộng hình thức PPP với các lĩnh vực mới gồm thể thao và văn hóa tại Nghị quyết 98; (ii) Sự thay đổi trong quy định về hình thức hợp đồng BOT và BT tại Nghị quyết 98; (iii) Cơ chế phân chia lợi nhuận giữa Thành phố và nhà đầu tư trong dự án PPP; (iv) Tranh chấp phát sinh và ràng buộc trong hợp đồng khi lựa chọn đầu tư bằng phương thức PPP.

Nhiều chuyên gia cho rằng, là một trong những hình thức hợp đồng quan trọng, đã và đang chi phối nhiều dự án lớn, trọng điểm tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, PPP cần được đầu tư nghiên cứu để đảm bảo cân bằng quyền lợi cho cả Nhà nước và nhà đầu tư. Cùng với đó, Nghị quyết 98 mặc dù có nhiều bước tiến vượt bậc so với khung pháp lý về PPP (ở một số điều khoản), nhưng lại đặt ra cho nhà đầu tư nhiều băn khoăn khi không có hướng dẫn chi tiết và có nhiều điểm chưa rõ ràng.

Để Nghị quyết 98 thuận lợi hơn cho đầu tư theo phương thức đối tác công tư- Ảnh 2.

Các chuyên gia, nhà đầu tư tham gia diễn đàn - Ảnh: VGP/Hồng Đức

Hoàn thiện khung pháp lý để nhà đầu tư yên tâm

Các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 98 quy định việc áp dụng hình thức hợp đồng đối tác công tư đối với các lĩnh vực mới như thể thao, văn hóa. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư hiện chỉ được áp dụng cho một số lĩnh vực mà không bao gồm 2 lĩnh vực nói trên. Do đó, việc áp dụng PPP đối với hai lĩnh vực này có khả năng sẽ gây ra một số cản trở nhất định cho nhà đầu tư khi xây dựng, vận hành dự án. Chưa kể, việc thu hồi vốn từ các công trình trong lĩnh vực này hiện cũng đang còn nhiều vướng mắc, khiến nhà đầu tư chưa tự tin để quyết định.

Bên cạnh đó, vấn đề áp dụng mẫu hợp đồng BOT và BT quy định tại Nghị quyết 98 hiện nay cũng gây nên một số tranh cãi liên quan đến sự chênh lệch lớn so với khung pháp lý hiện hành, hình thức thanh toán, khả năng thanh toán…

Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia pháp lý nhìn nhận, Nghị quyết 98 có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ hội mới, kỳ vọng giúp Thành phố, nhà đầu tư có thể giải quyết các vấn đề vướng mắc đang tồn tại ở các công trình cũng như mở rộng phạm vi thực hiện PPP. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả, đưa quy định này vào cuộc sống, các hướng dẫn về quy trình, về hoạt động thanh toán, thậm chí là về kiểm soát rủi ro cần được ban hành.

Bên cạnh đó, việc chia sẻ lợi nhuận, đặt ra cơ chế kiểm soát, san sẻ mức doanh thu tăng giảm là điều vô cùng cần thiết khi vận hành một dự án PPP. Thành công của một dự án và lòng tin của nhà đầu tư với chính quyền địa phương sẽ phụ thuộc khá nhiều vào thành tố này.

Ông Karasawa Masayuki - Đại diện Thường trú Văn phòng JICA Việt Nam - Chi nhánh TPHCM cũng kiến nghị Thành phố nên bổ sung hoặc hướng dẫn rõ ràng hơn cho nhà đầu tư về cơ chế chia sẻ rủi ro, lợi nhuận khi áp dụng Nghị quyết 98; cùng với đó học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của các nước để thiết lập một hệ thống kiểm soát rủi ro tài chính hiệu quả cho các dự án PPP.

Về rủi ro pháp lý của hợp đồng PPP, theo TS. LS. Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), rủi ro phát sinh từ nhiều nguyên nhân, nhưng phần nhiều là do khung pháp lý chồng chéo, thủ tục nhiều tầng lớp, phức tạp.

Từ những khó khăn trên, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 98, các chuyên gia đưa ra kiến nghị, như: Cho phép sử dụng luật nước ngoài để giải thích quy định hợp đồng PPP nếu luật quốc gia chưa hoàn thiện hoặc không quy định; quy định bổ sung các nội dung liên quan đến hoạt động giải quyết tranh chấp đối với dự án có yếu tố công và có những chính sách hiệu quả về đất đai, cấp phép, thanh toán… để tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư lớn vào các dự án PPP của Thành phố.

Hồng Đức

Top