Đến năm 2030, TPHCM có hơn 56 km đường sắt đô thị

15/06/2023 3:37 PM

(Chinhphu.vn) - Ông Nguyễn Quốc Hiển thông tin thêm, căn cứ tình hình thực tế, định hướng đến năm 2030, hệ thống đường sắt đô thị của TPHCM sẽ đạt được 56,43 km với số vốn đầu tư khoảng 8,85 tỷ USD.

Đến năm 2030, TPHCM có hơn 56km đường sắt đô thị - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM

Sáng 15/6, thông tin tới báo chí, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đang triển khai thi công khối lượng còn lại (kiến trúc, lắp đặt thiết bị hệ thống, cầu bộ hành, tòa nhà văn phòng Công ty O&M, gói thầu hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng Công ty O&M-CP4, đấu chọn thầu đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống).

Tổng khối lượng thực hiện toàn dự án đến nay đạt 95,25% với tổng số giờ lao động an toàn đạt hơn 56 triệu giờ.

Dự kiến, dự án sẽ vận hành thử toàn tuyến vào ngày 2/9/2023 và sẽ khai thác thử toàn tuyến vào tháng 12/2023.

Cũng theo ông Hiển, đối với tuyến metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương), tỉ lệ bàn giao mặt bằng đến nay đạt 86,35% (506/586) trường hợp.

Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, cấp nước, thoát nước, viễn thông, biển báo, cây xanh…) để chuẩn bị mặt bằng sạch cho các nhà thầy xây lắp chính được khẩn trương triển khai. Dự kiến khởi công di dời công trình điện vào cuối tháng 6/2023 và lần lượt khởi công di dời các công trình còn lại trong quý III năm 2023.

Dự án metro số 2 có tổng chiều dài 11,042 km (trong đó đoạn tuyến đi ngầm dài khoảng 9,091km; đoạn tuyến đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 1,951 km); điểm đầu tại ga Bến Thành (Quận 1), điểm cuối tại depot Tham Lương (Quận 12).

Dự án có tổng vốn đầu tư là 47.890,84 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành vào năm 2030.

Ông Hiển thông tin thêm, căn cứ tình hình thực tế, định hướng đến năm 2030, hệ thống đường sắt đô thị của TPHCM sẽ đạt được 56,43 km với số vốn đầu tư khoảng 8,85 tỷ USD.

Theo đó, ngoài 2 tuyến metro số 1,2, Ban Quản lý đường sắt đô thị cùng JICA đang tích cực nỗ lực để thảo luận xác định phương án tài chính cũng như cập nhật tổng mức đầu tư dự án metro số 3a (giai đoạn 1) (Bến Thành-Khu Y tế kỹ thuật cao).

Ngoài ra, Ban Quản lý đang xúc tiến tuyến metro số 4 (Thạnh Xuân – Khu đô thị Hiệp Phước); hoàn thiện, trình phê duyệt dự toán tuyến metro số 5 (giai đoạn 1) (Ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn).

Bên cạnh nguồn vốn ODA truyền thống từ các nhà tài trợ như JICA, ADB, KfW, EIB, Ban Quản lý đang chủ động nghiên cứu về phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng).

Vũ Phong

Top