Dịch tả heo Châu Phi “áp sát”, TPHCM gấp rút ứng phó

10/05/2019 6:09 PM

(Chinhphu.vn) - Trước thực tế dịch tả heo Châu Phi đã “áp sát” các tỉnh thành lân cận, TPHCM một mặt vừa tổ chức “siết chặt” các cửa ngõ giao thông, tăng cường kiểm dịch, mặt khác cũng cho hay đã chuẩn bị đầy đủ các phương án để bình ổn thị trường thực phẩm khi giá thịt heo có tăng, giảm lớn.

Dịch tả heo châu lan rộng đến Đồng Nai, Bình Phước, TP.HCM đang gấp rút triển khai chống dịch.

Thịt heo sẽ được can thiệp bình ổn giá

Tại cuộc họp kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2019 của TPHCM, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên cho hay đã cùng với các doanh nghiệp lớn về thực phẩm (Vissan, Tổng Công ty Nông nghiệp SG, CP, Ba Huân, San Hà …) thống nhất công tác chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường. Trong mọi tình huống vẫn đảm bảo cung ứng đủ lượng thịt heo, thịt gia cầm thay thế cho địa bàn TPHCM (147 tấn thịt heo/ngày và 400 tấn thịt gà/ngày).

Đây là kế hoạch đã tính đến các trường hợp giá thịt heo tăng - giảm bất thường. Theo đó, khi giá xuống thấp, thị trường sẽ được tiếp nhận các đợt khuyến mãi, giảm giá tăng cường, và ngược lại nếu thịt heo “tăng nhiệt” thì các doanh nghiệp trên cũng sẽ đẩy mạnh nguồn cung để ổn định giá trở lại.

Thực tế, từ khi phát hiện dịch tả heo Châu Phi ở Việt Nam, TPHCM đã lên 3 kịch bản ứng phó cho gồm: dịch chỉ xảy ra ở các tỉnh thành phía bắc; dịch xảy ra ở các địa phương lân cận TPHCM; dịch diễn ra tại TPHCM. Trong đó, TPHCM đã xác định từ đầu là tập trung nguồn lực để chuẩn bị ứng phó cho tình huống 2 và 3.

Và cũng chỉ sau 3 tháng kể từ lúc địa phương đầu tiên ở Việt Nam phát hiện dịch, “thủ phủ” chăn nuôi heo của cả nước là Đồng Nai đã phải công bố phát hiện dịch tại 2 huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch (địa bàn giáp ranh TPHCM). Đây cũng là nơi đang cung cấp 45-50% lượng thịt heo hàng ngày cho thị trường TPHCM.

Đến ngày 9/5 vừa qua, tỉnh Bình Phước cũng đã phát hiện một ổ dịch ở thị trấn Tân Phú (thuộc huyện Đồng Phú).

Siết kiểm dịch và quy trách nhiệm người đứng đầu

Ngay trong chiều ngày 9/5, Thường trực UBND TPHCM đã ngay lập tức tổ chức họp liên ngành các đơn vị phòng chống dịch và đánh giá “khả năng ảnh hưởng tới TPHCM là rất lớn”.

“Hiện TPHCM đang có 4.000 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn khoảng 247.000 con. Trong đó, số hộ nuôi nhỏ lẻ vẫn còn không ít. Đặc biệt có 300 hộ lấy thức ăn chăn nuôi từ nguồn thực phẩm thừa chưa được nấu chín ở các hàng, quán. Đây là nguồn mang nguy cơ lây lan cao”, ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM nhận định.

Hiện các sở ngành ở TPHCM đã thiết lập kênh thông tin “nóng” với các địa phương lân cận để kịp thời cập nhật tình hình và thống nhất các biện pháp ngăn ngừa, tăng cường công tác kiểm soát các cửa ngõ ra, vào TPHCM, với các tuyến vận chuyển chính như Quốc lộ 1K, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Cao tốc Long Thành - Dầu Giây…  Những địa bàn này đều được tăng cường các đoàn kiểm tra liên ngành “trực chiến” 24/24. Một số điểm giao thông quan trọng ra vào nội đô cũng có thêm các trạm kiểm dịch tạm thời…

“Chúng tôi đã bàn với Đồng Nai để các địa bàn đã xuất hiện dịch ở đó không ‘xuất’ heo ra nữa. Còn tại TPHCM, cơ quan thú y sẽ lấy mẫu nghiêm ngặt và thường xuyên lượng heo chăn nuôi, giết mổ. Nơi nào để xảy ra tình trạng giết mổ lậu thì chủ tịch quận, huyện sẽ bị phê bình. Nếu còn tái diễn, lãnh đạo Thành phố sẽ tính tới giải pháp tiếp theo”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nói thêm.

Vì dịch tả heo châu Phi không lây cho người nên TPHCM hiện đang tập trung mạnh vào công tác truyền thông để người tiêu dùng không quay lưng với thịt heo an toàn. Tất nhiên, nếu người nuôi tiếc rẻ heo chết và lén lút đưa đi tiêu thụ sẽ  dẫn tới nguy cơ mất an toàn thực phẩm và sinh ra các bệnh khác; hoặc nguồn thực phẩm này sau khi đi qua các bếp ăn tập thể, hàng quán rồi quay lại làm thức ăn chăn nuôi heo sẽ khiến dịch bệnh lây lan.

Các khuyến cáo chính thức về an toàn sinh học ứng phó với dịch tả heo Châu Phi nêu rõ “cần cách ly bếp ăn gia đình với khu chăn nuôi heo; vệ sinh, sát trùng tay chân cẩn thận sau khi tiếp xúc với chuồng trại; không lấy nước từ kênh rạch giội rửa chuồng trại để tránh lây lan dịch bệnh; ngừng công tác tham quan các trại heo…”

Phương Hiền

Top