Điểm sáng từ mô hình giáo dục nghề nghiệp

23/06/2020 4:11 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 23/6, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp khu vực phía nam.

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Hiện cả nước có 1.914 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 399 trường cao đẳng, 462 trường trung cấp và 1.053 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/giáo dục thường xuyên. Năm 2019, hệ thống các trường này đã tuyển được trên 2,3 triệu học viên, trong đó chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ; những khu vực khó tuyển sinh gồm Tây Nguyên, trung du và vùng núi phía bắc, đồng bằng sông Cửu Long.

Qua 3 năm gần đây, kết quả tuyển sinh trong hệ thống các trường giáo dục nghề nghiệp có tăng. Điều đó cho thấy hiệu quả của công tác phân luồng học sinh có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, năm 2017, kết quả phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt khoảng 7%, đến năm 2019, tỉ lệ này tăng lên 12%.

Hiện có 3 trường được Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế thí điểm tự chủ thì hiệu quả thu hút học viên khá tốt, trong đó: Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II tuyển sinh được 9.078 học viên; Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama tuyển được 4.160 học viên và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn tuyển được xấp xỉ 1.000 học viên.

Vừa qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19, hệ thống giáo dục đào tạo đã triển khai ứng dụng CNTT trong công tác tuyển sinh. Trong đó, 6 tháng đầu năm nay, công tác tuyển sinh đào tạo các chương trình chất lượng cao và đào tạo nhân rộng chương trình chuyển giao từ Australia, Đức được đẩy mạnh. Chỉ sau gần 3 tháng kể từ thời điểm Bộ LĐTB&XH có văn bản chỉ đạo thì rất nhiều trường đã xây dựng đề án triển khai.

Năm 2019, có 725 học viên tốt nghiệp chương trình thí điểm đào tạo theo các bộ chương trình chuyển giao từ Australia đã nhận đồng thời bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam và bằng Diploma của Học viện Chisholm, Austrlia, 100% học viên có việc làm ngay khi ra trường. Cùng với đó, những sinh viên này đều có chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu, rất thuận lợi tham gia vào thị trường lao động quốc tế và liên thông lên trình độ cao ở trong nước và nước ngoài.

Một điểm sáng khác của giáo dục nghề nghiệp là chương trình đào tạo theo Đề án 371 của Thủ tướng Chính phủ, cho phép thí điểm đào tạo 22 nghề trọng điểm sử dụng bộ chương trình chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức. Trong năm 2019, có 45 trường triển khai tuyển sinh rất thuận lợi, số hồ sơ dự tuyển vượt chỉ tiêu nên nhiều trường phải tổ chức thi tuyển để nâng cao chất lượng đầu vào và lựa chọn được 1.040 học viên theo học chương trình này.

Khảo sát cho thấy, 80% học sinh của hệ đào tạo này có việc làm sau khi ra trường với mức thu nhập khá. Tuy nhiên, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhận định, không phải tất cả các trường đều đạt được tỉ lệ này. Đây cũng là một trong những thách thức với giáo dục nghề nghiệp, mô hình đào tạo này chưa thực sự là con đường hấp dẫn để học sinh, thanh niên lựa chọn lập thân, lập nghiệp; công tác tuyển sinh gặp khó khăn; hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm sau đào tạo chưa thực sự bền vững.

Ngày 28/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 24 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng mềm, góp phần tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, Chỉ thị cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng cho cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đây là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác giáo dục nghề nghiệp.

Một việc đáng lưu ý khác là triển khai mô hình trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS. Trong năm 2019 và đầu năm 2020, càng thấy rõ đây là mô hình, hướng đi hiệu quả, tháo gỡ phân luồng tại Việt Nam, nhiều trường triển khai thành công. Đáng mừng là Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo cho các địa phương tùy điều kiện sẽ hỗ trợ phần học phí học văn hóa cho học sinh theo học chương trình này. Đây là một sự khuyến khích để thu hút học sinh THCS phân luồng sớm.

Hiện nay, hệ thống các trường giáo dục nghề nghiệp đang tuyển sinh khoảng 2,3 triệu học sinh mỗi năm. Tuy nhiên, theo Chỉ thị 24, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ tăng quy mô lên gấp đôi, tương đương khoảng 4,6 triệu học sinh.

Điểm đáng ghi nhận là hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp bước đầu thực hiện có hiệu quả chương trình gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm. Cụ thể, ngày 28/5 vừa qua, Công ty Vinfast của Vingroup đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 5 trường cao đẳng nhằm triển khai mô hình liên kết đào các ngành Cơ điện tử và Kỹ thuật ô tô. Đây là chương trình hợp tác đào tạo song hành, vừa học tại trường, vừa thực hành tại doanh nghiệp, học viên được cấp bằng Kỹ sư thực hành, đồng thời có chứng chỉ Kỹ thuật viên của VinFast. Ngoài ra, VinFast hỗ trợ chi phí đào tạo và bảo đảm việc làm cho học viên sau tốt nghiệp.

Trong tháng 5 và tháng 6/2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Daikin Việt Nam đã thống nhất kế hoạch Dự án đào tạo giáo viên hạt nhân ngành Điều hòa không khí cho 18 trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đã tham gia thành lập Ban Chủ nhiệm xây dựng chuẩn đầu ra đối với học viên hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực và sức cạnh tranh của Việt Nam khi hội nhập quốc tế.

Băng Tâm

 
Top