Diện mạo thành phố Hồ Chí Minh năm 2010

23/06/2011 12:00 AM

Các nhà quản lý đô thị thông báo rằng chính quyền và nhân dân thành phố đang nỗ lực xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành một đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc và đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ của một trung tâm kinh tế, văn hóa và giao dịch quốc tế của cả nước.

Theo các số liệu được công bố, người ta dự kiến đến năm 2010 dân số của thành phố sẽ đứng ở mức 7,5 - 8 triệu người so với gần 5 triệu người hiện nay; trong đó khu vực nội thành chiếm 3 triệu người; khu vực nội thành mới phát triển - gồm cả một số quận mới được thành lập - khoảng 2,5 - 2,8 triệu người; và khoảng 1,4 - 1,7 triệu người sống ở khu vực ngoại vi thành phố.

Các nhà thiết kế cho biết sẽ xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành một đô thị đa trung tâm, với năm phân khu chính, vượt qua bờ bên kia sông Sài Gòn. Trong đó, sẽ có hai khu đô thị xây mới hoàn toàn trên nền đất nông nghiệp hiện nay.

Ngoài ra, sẽ còn chín khu đô thị vệ tinh kết hợp với các khu công nghiệp mới - xuất hiện như những cụm công nghiệp có dân cư, rải rác ở các huyện ngoại thành; một số cụm sẽ kéo dài và tiếp giáp với các tỉnh lân cận.

Trong tình hình đó, đất nông nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ giảm đáng kể.

Các chuyên viên dự tính cần có khoảng 12 - 13 tỷ đô-la Mỹ cho các kế hoạch phát triển này.

Về chức năng của thành phố Hồ Chí Minh tương lai, các nhà kinh tế cho rằng, cơ cấu của thành phố Hồ Chí Minh từ lâu đã hình thành hai khu vực chính yếu: thương mại - dịch vụ và công nghiệp (chủ yếu là công nghiệp nhẹ). Trong các năm qua, tỉ lệ công nghiệp đang có xu hướng tăng dần trong cơ cấu tổng sản phẩm nội địa (GDP); còn khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn nên tỉ lệ trong cơ cấu GDP có giảm chút ít. Xu hướng trên sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn 1996 - 2000. Nhưng đến giai đoạn 10 năm sau (2001 - 2010) thì khu vực thương mại - dịch vụ sẽ có tốc độ phát triển tiếp tục tăng, trong khi đó khu vực công nghiệp giảm dần, nên tỉ lệ của mỗi khu vực trong cơ cấu GDP sẽ được điều chỉnh lại. Xu hướng phát triển này phù hợp với lợi thế so sánh của thành phố Hồ Chí Minh.

Cho đến năm 2010, thành phố Hồ Chí Minh vẫn là một trong những trung tâm công nghiệp hàng đầu của Việt Nam, xét về tỉ lệ, mặc dù trong thời kỳ này sẽ hình thành nhiều khu công nghiệp lớn khác, trong cả nước. Tuy nhiên, vai trò này sẽ giảm dần ở thời kỳ sau năm 2010.

Ngược lại, cho đến năm 2010, vai trò trung tâm tài chính, thương mại - dịch vụ, đầu mối giao lưu quốc tế vẫn không có gì thay đổi đối với thành phố Hồ Chí Minh. Khác với công nghiệp, ngành thương mại - dịch vụ và hoạt động tài chính của thành phố Hồ Chí Minh ngày càng có vị trí quan trọng hơn; trong quá trình công nghiệp hóa toàn khu vực - tốc độ công nghiệp hóa càng nhanh thì vai trò trung tâm thương mại - dịch vụ và tài chính của thành phố Hồ Chí Minh càng quan trọng, nhất là khi thị trường chứng khoán được hình thành ở đây.

 

 

Thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ trở thành một trung tâm tài chính và thương mại trong khu vực các nước ASEAN sau năm 2010.

Trên cái nền của một cơ cấu kinh tế phát triển, các nhà quản lý đô thị đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng như là mục tiêu hàng đầu của thành phố Hồ Chí Minh trong thế kỷ XXI.

Trong tinh thần đó, cùng với nỗ lực công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thành phố Hồ Chí Minh sẽ đặc biệt chú ý đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường xã hội và môi trường gia đình - cùng nhau xây dựng một thành phố sạch, xanh, văn minh, lành mạnh, kết hợp hài hòa giữa truyền thống với hiện đại, phát huy các bản sắc tốt đẹp của dân tộc trong các quan hệ giữa người với người.

Top