Eximbank cần gì lúc này?

22/07/2020 11:23 AM

(Chinhphu.vn) - Eximbank dự kiến họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên lần 2 năm 2020 vào ngày 29/7 tới khi ĐHĐCĐ thường niên lần 1 tổ chức ngày 30/6 không thể tiến hành vì thiếu túc số. Chuyển đơn của Công ty Thắng Phương và nhóm các cổ đông Eximbank đến Ngân hàng Nhà nước

Nhưng liệu lần ĐHĐCĐ thường niên này có dẫm vào vết xe đổ của nhiều kỳ đại hội suốt hơn 2 năm qua hay không khi mà nhiều cổ đông lớn tại Eximbank đều chỉ chăm chăm vào việc tranh quyền đoạt vị mà không nghĩ đến việc ngân hàng này có thể lớn mạnh và phát triển như đa số các nhà đầu tư nhỏ (cổ đông nhỏ) mong muốn vì mục tiêu lợi nhuận?

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, bối cảnh của Eximbank lúc này rất cần vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều lùm xùm, lắm hỗn độn…

Ngày 10/7/2020, Cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), cổ đông lớn nhất của Eximbank trên giấy tờ công khai gửi văn bản tới Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank và Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đề nghị Eximbank cần phải tiến hành cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường trước để giải quyết xong tất cả các vấn đề của năm tài chính 2019 trước khi chuyển qua xem xét vấn đề của năm 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo văn bản nói trên, SMBC dẫn điều lệ 33.2 của Eximbank để yêu cầu tiến hành lại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2 trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định tổ chức cuộc họp lần thứ nhất. Vì thế SMBC yêu cầu HĐQT quyết định và thông báo cho các cổ đông kế hoạch chi tiết cho việc triệu tập lần 2 ĐHĐCĐ bất thường trong thời gian sớm nhất có thể.

Động thái của SMBC tất nhiên không nằm ngoài dự đoán của các nhà đầu tư tài chính theo dõi thị trường chứng khoán. Vì thực sự, không chỉ SMBC mà tất cả các cổ đông (nếu thực sự vì lợi nhuận) đều như ngồi trên đống lửa bởi sau ĐHĐCĐ năm 2018, Eximbank như rơi vào một mớ hỗn độn…

Đến ngày 21/7/2020, tức đã bước sang quý 3 năm tài chính 2020, ngân hàng Eximbank vẫn chưa bổ nhiệm được Tổng giám đốc để “danh chính ngôn thuận” điều hành các hoạt động kinh doanh của ngân hàng này. Ông Nguyễn Cảnh Vinh, trước đây là Phó tổng giám đốc thường trực của Eximbank hiện vẫn chỉ mới được bổ nhiệm làm Quyền Tổng giám đốc nhà băng này dưới thời Chủ tịch HĐQT Eximbank là ông Cao Xuân Ninh. Ông Nguyễn Cảnh Vinh bắt đầu về và được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc thường trực của Eximbank vào tháng 4/2018.

Riêng vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Eximbank thì có sự thay đổi liên tục trong nhiều tháng qua. Hiện nay, ông Yasuhiro Saitoh đang đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank. Ông Yasuhiro Saitoh mới bắt đầu được bầu chọn ở vị trí này từ ngày 25/6/2020 sau khi ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm chức danh này.

Theo dõi hoạt động của Eximbank thời gian qua cho thấy vị trí Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này đã liên tục thay đổi. Từ tháng 3 năm 2019, chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank đã lần lượt từ ông Lê Minh Quốc qua bà Lương Thị Cẩm Tú rồi lại trở về ông Quốc, sau đó đến ông Cao Xuân Ninh. Giữa tháng 7/2019, ông Ninh có đơn từ nhiệm vị trí nhưng không được chấp thuận và tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT đến ngày 25/06/2020, trước khi Eximbank đã thông báo tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần 1 năm 2020 chỉ 5 ngày.

Nhìn lại “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT Eximbank sẽ có nhiều cổ đông cảm thấy chán nản. Ngày 22/3/2019, HĐQT Eximbank ban hành nghị quyết bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT, làm Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, sau đó ông Lê Minh Quốc đã khởi kiện và yêu cầu Tòa án nhân dân TPHCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng nghị quyết bầu bà Tú làm chủ tịch HĐQT. Giữa tháng 5/2019 Tòa án nhân dân TPHCM đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời với Eximbank, sau khi phía ông Lê Minh Quốc rút yêu cầu khởi kiện, đồng thời có đơn đề nghị hủy bỏ quyết định khẩn cấp tạm thời.

Cũng trong thời điểm đó, ông Lê Minh Quốc cũng có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank. Một trong những lý do được ông Quốc nêu ra trong đơn từ nhiệm là "có quá nhiều ý kiến bất đồng và mâu thuẫn khó hòa giải liên quan đến người nắm giữ chức chủ tịch HĐQT Eximbank gần đây". Ông Quốc cũng cho hay việc ông từ nhiệm là vì “lợi ích cao nhất của ngân hàng và cổ đông". Tiếp đó, như đã đề cập, người ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank là ông Cao Xuân Ninh và mới chưa đầy 1 tháng nay, ghế nóng này đã được trao cho ông Yasuhiro Saitoh.

Dù vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank thay đổi nhưng kể từ tháng 5/2018 đến nay, Eximbank vẫn chưa tổ chức thành công được kỳ ĐHĐCĐ thường niên nào dù đã hơn 3 lần thông báo tổ chức vào các năm 2019 và mới đây hôm tháng 6/2020. Viễn cảnh về các kỳ ĐHĐCĐ của Eximbank từ 2 năm nay luôn là tâm điểm nóng của thị trường tài chính khi tổ chức tín dụng này không đủ túc số và nhiều điều bất ngờ cũng như lùm xùm xảy ra ngay trước các kỳ đại hội.

Cần Ngân hàng Nhà nước vào cuộc  

Không tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên dù với bất kỳ lý do nào Eximbank cũng để lại nhiều tranh cãi xung quanh cơ sở pháp lý cho hoạt động của ngân hàng này. Luật tổ chức tín dụng  quy định nhiệm vụ quyền hạn của ĐHĐCĐ thông qua Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên. Nghị quyết này không chỉ thông qua kết quả kinh doanh năm trước và kế hoạch kinh doanh năm nay mà còn là căn cứ pháp lý để ngân hàng hoạt động.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, ông theo dõi Eximbank từ 25 năm trước và ngày đó khi nhìn vào tiềm năng, ông Hiếu đã nghĩ rằng Eximbank sẽ là một trong những ngân hàng lớn nhất của Việt Nam sau này. Nhưng sự chia rẽ của các nhóm cổ đông lớn ít nhất 4 năm nay đã mang đến những hệ lụy cho sự phát triển của một trong những ngân hàng có lượng ngoại hối lớn của Việt Nam - Eximbank.

“Các nhóm cổ đông đều theo đuổi mục tiêu riêng của họ và chính vì thế liên tục thay đổi ban lãnh đạo của HĐQT, ban điều hành. Hiện tượng không đồng thuận nhiều năm qua như thế chứng tỏ giữa nhóm các cổ đông này đã phân hóa rõ rệt, không tìm được điểm chung và không thể chấp nhận được. Điều này ít nhiều có ảnh hưởng đến cách nhìn của thị trường lên hệ thống ngân hàng nói chung”, ông Hiếu nhận định.

Cũng theo ông Hiếu, đến lúc này Ngân hàng nhà nước (NHNN) nên vào cuộc để làm lành mạnh hóa hoạt động của ngân hàng này. “NHNN cần vào cuộc ở góc độ quản lý nhà nước bằng sự giám sát sát sao quy định cụ thể về đối ngoại, tổ chức, sản phẩm, nội bộ…”.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ngân hàng Eximbank với vai trò lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nếu tiếp tục có những lùm xùm trong thời gian tới sẽ không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư vào ngân hàng này mà có thể ảnh hưởng  đến cả các doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế mà Chính phủ đang có những ưu tiên. 

Thực tế, mấy năm vừa qua, cổ đông của Eximbank ngoài việc không biết được kế hoạch kinh doanh, kết quả kinh doanh hằng năm của ngân hàng còn bị ảnh hưởng rất nhiều khi mã cổ phiếu EIB luôn trong tình trạng đi xuống hoặc lình xình dù cổ phiếu của ngành ngân hàng ở Việt Nam đều là “món ngon” trên thị trường chứng khoán. Không chỉ vậy, các cổ đông nhỏ “thấp cổ bé họng” tại Eximbank hiện nay dễ trở thành con bài bị một số cá nhân thông qua hình thành nhóm cổ đông ủy quyền theo luật định thao túng. Và việc này nếu kéo dài thêm nữa, tình hình tổ chức tín dụng với giá trị vốn hóa cao Eximbank sẽ càng ngày càng sa lầy nghiêm trọng.

“Việc các bên tự thu xếp và ngồi lại với nhau hầu như không thể xảy ra vì ai cũng có mục tiêu riêng, chưa bàn đến việc dư luận cho rằng một số nhóm cổ đông đang cố gắng thâu tóm cổ phiếu EIB để giành lợi thế. Tình hình hiện nay rất cần sự can thiệp của NHNN”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh. 

Mỹ Dung

Top