Giấc mơ đã thành sự thật!

25/08/2020 3:25 PM

(Chinhphu.vn) - Sau nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay, Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu hàng dệt may cho thị trường Hoa Kỳ. Với những người làm ngành dệt may, "giấc mơ đã thành sự thật". Câu chuyện thú vị này được nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Lê Quốc Ân viết cho Báo điện tử Chính phủ. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

“Giấc mơ của chúng tôi thành hiện thực! Việt Nam vượt Trung Quốc trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho thị trường may mặc Hoa Kỳ”. Đó là lời mà Phó Chủ tịch đối ngoại của Tập đoàn Mast Industries và Limited Brand, ông Mark Newman, đã viết trong email gửi cho tôi ngày 8/5/2020 khi mà Bộ Thương mại Hoa kỳ ghi nhận Việt Nam đã vượt Trung quốc và trở thành nhà xuất khẩu quần áo lớn nhất vào thị trường Hoa kỳ.

Theo số liệu của Hải quan Hoa kỳ, quần áo nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2020 từ Việt Nam đạt kim ngạch 4,81 tỉ USD (giảm 9,36% so cùng kỳ năm 2019) nhưng đã vượt hàng Trung Quốc khi Trung Quốc chỉ đạt kim ngạch 4,61 tỉ USD, giảm 49,23% so với cùng kỳ 2019.

Thế là giấc mơ của chúng tôi, những người nặng lòng với việc xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Hoa Kỳ 20 năm trước đây, tưởng như không thể đã trở thành sự thật!

Nhớ lại câu chuyện cuối năm 2001, khi đoàn doanh nghiệp dệt may Việt nam khoảng 20 đơn vị,  tháp tùng Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan sang Hoa kỳ tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên hàng dệt may Việt Nam và ra mắt Văn phòng Đại diện thương mại của Vinatex tại New York nhân dịp lãnh đạo Chính phủ hai nước thỏa thuận đưa Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa kỳ (BTA) vào hiệu lực. Lúc đó xuất khẩu dệt may Việt Nam vào Hoa kỳ mới chỉ đạt kim ngạch 47 triệu USD, xếp thứ 67 trong các nước xuất khẩu dệt may vào thị trường này. Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm đó cũng chỉ đạt chưa đầy 2 tỉ USD, trong khi Thái Lan đã đạt trên 6 tỉ USD và Indonesia đã đạt trên 8 tỉ USD.

Thị trường xuất khẩu dệt may chủ lực của Việt Nam tại thời điểm đó là châu Âu và Nhật Bản. Đối với thị trường Hoa kỳ, chúng tôi  đó chưa có nhiều kinh nghiệm. Tôi có may mắn là được tham gia đoàn DN Việt nam thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên vào năm 1993 khi hai nước chưa bình thường hóa quan hệ và càng may mắn hơn khi được thực tập 2 tháng tại một công ty may lớn của Hoa Kỳ, Oxford Industries ở Atlanta, ngay khi hai nước vừa bình thường hóa quan hệ.

Nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu và sở hữu trí tuệ trong quan hệ thương mại với các công ty nhập khẩu Hoa kỳ, tôi đã cùng các thành viên trong đoàn rà soát loại bỏ các nhãn hiệu của Hoa Kỳ vô tình có trong số hàng mẫu được trưng bày tại cuộc triển lãm, (lúc đó chúng tôi về cơ bản chưa gia công cho các thương hiệu này). Nhờ anh Bình, Tham tán Thương mại của nước ta tại Hoa Kỳ kết nối và mời được lãnh đạo một số thương hiệu lớn như: Diesel, Limited Brand, Target, Smart Shirt, Mast Industries… đến tiếp xúc tại cuộc triển lãm và sau khi xem hàng mẫu, họ tỏ ra khá hài lòng và nhận lời sang thăm chúng tôi tại Việt Nam ngay trong đầu năm 2002.

Cùng với tác động tích cực của BTA (loại bỏ chế độ phân biệt đối xử trong thuế nhập khẩu hàng Việt Nam), chúng tôi lại tiếp tục tổ chức triển lãm hàng dệt may tại Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4/2002 để tiếp đón các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Ngay sau đó, Limited Brand, Mast Industries và Target đã quyết định mở văn phòng đại diện của họ tại Việt Nam và bắt đầu đưa đơn hàng về đây. Ngay trong năm 2002, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Hoa kỳ  đã đạt 957 triệu USD (gấp 20 lần năm 2001).

Năm 2003 kim ngạch tiếp tục tăng lên đến 1,9 tỉ USD. Lúc này Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã yêu cầu Việt Nam đàm phán Hiệp định Dệt May với cơ chế hạn ngạch để bắt đầu hạn chế lượng nhập khẩu đang tăng nhanh từ Việt Nam.

Cuộc đàm phán hạn ngạch của Đoàn đàm phán Bộ Thương mại Việt Nam với phía Hoa Kỳ hết sức cam go với sự tham gia hỗ trợ của các hiệp hội, doanh nghiệp cũng như chính giới hai nước. Chúng tôi rất cảm động và nhớ mãi sự tư vấn và vận động hành lang tích cực của các nhà nhập khẩu khi họ bắt đầu nặng lòng với hàng Việt Nam, trong đó có chị Jocelyn Tran, Tổng Giám đốc của Mast Industries Việt Nam. Tôi không thể nào quên những buổi trà chiều tại ngôi nhà rất đẹp, ngay sát tòa nhà Quốc hội, của ông Mark Neuman, Phó Chủ tịch Limited Band. Tại đây ông đã mời lần lượt nhiều nghị sĩ Quốc hội và thành viên Đoàn đàm phán Hoa kỳ, để phía Việt Nam có thêm cơ hội nói chuyện thân tình. Mark Newman có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Tôi còn nhớ một trong những buổi trà chiều đó, ông ta đã nói với tôi rằng: “Chúng ta phải mơ đến một ngày nào đó, hàng may mặc của Việt Nam sẽ giữ vị trí số một tại thị trường Hoa Kỳ”. Lúc đó tôi thực tình cũng nghĩ chỉ là giấc mơ…

Năm 2004 hai nước ký kết Hiệp định Dệt May với mức hạn ngạch đặt ra cho gần 100 mã hàng dệt may (Catg) mà Việt Nam có thế mạnh sản xuất. Từ năm 2004 đến 2006 hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 7,5% mỗi năm do bị hạn chế hạn ngạch. Đầu năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hàng dệt may Việt Nam được hưởng mức thuế MFN và được bãi bỏ hạn ngạch khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ như những thành viên WTO khác. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Hoa Kỳ cuối năm 2008 đã đạt đến 5,5 tỉ USD.

Ngay sau đó Chính phủ Hoa Kỳ lại đơn phương áp đặt cơ chế giám sát nhập khẩu đối với hàng dệt may Việt Nam. Cơ chế giám sát này đã gây tâm lý lo ngại cho các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và làm giảm tốc độ nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam trong năm 2009 so với năm trước. Lại đàm phán và vận động. Hiệp hội Nhập khẩu may mặc Hoa kỳ (US ITA), Hiệp hội Bán lẻ Hoa Kỳ (US NRF), Hiệp hội Quần áo và Giày Hoa kỳ (US AAFA), và các tập đoàn lớn: Target, Limited, Victoria Secret… đã tích cực vận động.

Năm 2008, Tập đoàn Target đã tổ chức cuộc gặp gỡ thân mật giữa các công ty Hoa Kỳ với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại trụ sở của họ tại New York và tại đây Chủ tịch nước đã kêu gọi họ vận động mạnh mẽ hơn nữa. Tôi còn nhớ Chủ tịch nước đã rất bình dị phát biểu với các Tập đoàn nhập khẩu Hoa Kỳ: “Các ngài đã đến Việt Nam mua hàng, vậy tôi mong các ngài sẽ mua hàng Việt Nam nhiều hơn và cùng với các công ty Việt Nam chống lại cơ chế giám sát bất hợp lý này…”.

Cuối cùng cơ chế giám sát cũng được bãi bỏ vào giữa năm 2009. Từ năm 2010 trở đi, hàng dệt may Việt Nam mới thực sự được đối xử bình đẳng khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ tương tự các thành viên WTO khác và nhờ đó đã đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm khoảng trên 10%. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Hoa Kỳ đã đạt trên 15 tỉ USD và trở thành nước xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ lớn thứ 2 trên thế giới sau Trung Quốc.

Chúng ta hết sức vui mừng là giấc mơ tưởng như không tưởng đã trở thành sự thật khi hàng may mặc Việt Nam đã dẫn đầu danh sách các nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ trong 5 tháng đầu năm 2020, tạo mốc son kinh tế đáng nhớ đúng thời điểm kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ quan hệ Việt Nam-Hoa kỳ (1995-2020).

Thị trường Hoa kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của hàng hóa Việt Nam (chiếm khoảng 1/4 kim ngạch xuất khẩu), đặt biệt là hàng dệt may (chiếm đến gần một nửa kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam). Thị trường này cũng là động lực chính cho dòng FDI đầu tư vào nước ta trong nhiều năm qua. Chúng ta rất hy vọng vào một tương lai rộng mở từ mối quan hệ chiến lược giữa hai nước!

Lê Quốc Ân
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (1999-2010)

Top