Giải quyết bài toán thiếu nhân lực tại các trạm y tế xã, phường ở TPHCM

14/11/2021 7:58 PM

(Chinhphu.vn) - Vài tuần trở lại đây, số ca mắc COVID-19 tại TPHCM tăng cao, một số huyện ngoại thành đã tăng cấp độ dịch. Để bảo đảm việc điều trị các bệnh nhân, Thành phố khôi phục lại các trạm y tế lưu động, tuy nhiên do lực lượng tăng cường đã rút nên tại nhiều phường, xã trên địa bàn thiếu nhân lực y tế.

Nhân viên Trạm Y tế xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn tất bật phục vụ, hỗ trợ F0 trên địa bàn. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Lực lượng mỏng trong khi số ca F0 tăng nhanh

Những ngày này, các nhân viên của trạm y tế xã và trạm y tế lưu động thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn phải căng mình hỗ trợ các F0 trên địa bàn. Nhân lực hạn chế nhưng họ phải đảm nhiệm cùng một lúc nhiều công việc như lấy mẫu, chăm sóc, điều trị, phát thuốc… cho các bệnh nhân.

Ghi nhận từ đầu tháng 11 đến ngày 13/11, tại xã Tân Hiệp có 244 ca mắc COVID-19 qua test nhanh, hiện trên địa bàn có 259 ca đang cách ly tại nhà, 59 ca ở khu cách ly tập trung.

Trong khi năng lực của xã hiện có, 2 trạm y tế lưu động có thể phục vụ khoảng 80 trường hợp/ngày. Trong đó, trạm y tế lưu động tại Trường THCS Đỗ Văn Dậy trên đường Huỳnh Thị Mài quản lý khu cách ly, phụ trách 2 ấp Tân Thới 3 và Thới Tây 1. Trạm Y tế xã phụ trách ấp Tân Hòa, 3 ấp còn lại do trạm y tế lưu động thứ hai đảm nhận.

“Nhân sự y tế tại xã đang rất cần, nếu được tăng cường thêm một trạm y tế lưu động sẽ giúp giảm tải áp lực cho các trạm hiện có, mặt khác có thể hỗ trợ bệnh nhân mọi lúc mọi nơi”, bà Nguyễn Thị Mai Xuân, Trưởng Trạm Y tế xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp Đỗ Thành Thắng, việc thành lập các trạm y tế lưu động trong giai đoạn này thực sự cần thiết. “Các lực lượng tăng cường chỉ hỗ trợ tạm thời, còn lại công tác phòng, chống dịch vẫn do địa phương đảm nhiệm. Xã có hơn 30.000 dân nhưng cán bộ, nhân viên y tế cơ hữu chỉ có 8 người, cộng thêm lực lượng hỗ trợ là hơn 10 người nên công việc khá vất vả”, ông Thắng nói.

Chủ tịch UBND Phường 13 Nguyễn Khắc Nguyên cũng đề cao vai trò của các trạm y tế lưu động trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, ông Nguyên cũng đề xuất Sở Y tế tăng cường lực lượng hỗ trợ để bảo đảm nhân lực hoạt động.

Hiện số lượng người dân từ các tỉnh, thành về lại TPHCM tăng nhanh khiến ca mắc trên địa bàn phường tăng dần lên. Phường 13 có gần 50.000 dân nhưng chỉ có duy nhất một trạm y tế phường, điều này làm gia tăng áp lực trong việc phòng, chống dịch.

“Trong lúc đề xuất, tham mưu, phường vận động tình nguyện viên vào Tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trong công tác tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho F0 tại nhà”, ông Nguyên thông tin. 

Còn theo Chủ tịch UBND Phường 3, quận Gò Vấp Ngô Xuân Bình, nhân lực tại các trạm y tế phường hiện thiếu trầm trọng, do đó việc thành lập các trạm y tế lưu động cũng tạo áp lực cho địa phương. Ông Bình cho biết, trạm y tế cơ hữu của phường hiện tại chỉ có 4 người, vì thế phường phải vận động, kêu gọi thêm các y bác sĩ của các cơ sở y tế tư nhân và tình nguyện viên để hỗ trợ khi trạm y tế lưu động thành lập.

“Trong thời điểm này, nguồn nhân lực ở trên cũng thiếu nên chúng tôi tự khắc phục bằng phương châm 5 tại chỗ “Lực lượng tại chỗ, vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ”, ông Bình nói.

Địa bàn Phường 3, quận Gò Vấp đến ngày 13/11 có khoảng 55 ca đang cách ly tập trung và hơn 100 ca đang cách ly, điều trị tại nhà.

Một bộ phận người dân vẫn có thái độ chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Hình ảnh ghi nhận tại khu vực gần Nhà thờ Đức Bà, Quận 1 trong ngày 13/11. Ảnh: VGP/Nguyễn Kim

Người dân vẫn chủ quan, lơ là

Trong giai đoạn “bình thường mới”, nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao nên nhiều hoạt động kinh doanh, sản xuất, thương mại, vui chơi giải trí… cơ bản khôi phục. Hầu hết người dân đã thích ứng an toàn, linh hoạt. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn có thái độ chủ quan, lơ là, đây chính là nguyên nhân làm gia tăng các ca mắc tại địa phương.

“Người dân sau khi tiêm 2 mũi vaccine khi mắc thường có triệu chứng rất nhẹ, một số người chủ quan, không đi thăm khám, đến khi xuất hiện nhiều triệu chứng và phát hiện mắc thì đã lây qua cho nhiều người khác”, Chủ tịch UBND Phường 13, quận Tân Bình Nguyễn Khắc Nguyên nhìn nhận.

Tại Phường 3, quận Gò Vấp, ông Ngô Xuân Bình cho biết, trên địa bàn phường cũng xuất hiện nhiều người dân có tâm lý chủ quan. Mặt khác, một số doanh nghiệp sau khi test cho người lao động có kết quả dương tính rồi cho về nhà nhưng không khai báo nên địa phương khó kiểm soát.

Thời gian qua, phường lập nhiều tổ công tác, tăng cường tuyên truyền, kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Từ đầu tháng 11 đến nay, phường đã xử phạt khoảng 10 trường hợp vi phạm.

Trong khi đó, từ một địa bàn được đánh giá nguy cơ cao, bị phong tỏa 4 trên tổng số 8 khu phố nhưng nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, đến nay phường Bình Thuận, Quận 7 đã có 53 tổ dân phố là tổ xanh, được đánh giá cấp độ 1.

Để đạt được những thành công trên, Chủ tịch UBND phường Bình Thuận, Quận 7 Nguyễn Minh Thiện cho biết, địa phương xác định vai trò lãnh đạo, thống nhất, toàn diện của Đảng ủy phường trong công tác phòng, chống dịch là yếu tố cốt lõi. Bên cạnh đó, phải có sự tập trung, thống nhất của các tổ chức, đoàn thể của phường, huy động được các lực lượng từ phường đến khu phố.

Song song đó, tiếp tục tập trung tuyên truyền để mỗi người dân thấy được mình là trung tâm, chủ thể của công tác phòng, chống dịch. Cấp ủy, ban điều hành khu phố, tổ trưởng tổ dân phố cũng rất quan tâm đến việc bảo đảm an sinh, tiền hỗ trợ không trùng lắp, bỏ sót. Đồng thời, chủ động, quyết liệt, sáng tạo về y tế, đặc biệt là phát huy nội lực ngay từ đầu.

Là một trong những địa phương sớm kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn TPHCM, Chủ tịch UBND Quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết, trong thời gian tới, Quận vừa khắc phục những hạn chế, tồn tại, vừa phát huy kinh nghiệm trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Đồng thời nỗ lực tuyên truyền để người dân phải hình thành thói quen mới trong giai đoạn mới, luôn cách giác với dịch ở mọi lúc mọi nơi, làm sao mỗi người dân phải là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố, cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tiếp tục là pháo đài chống dịch, chỉ như thế mới có thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, giữ ổn định để khôi phục các hoạt động xã hội và phát triển kinh tế.

Bên cạnh 312 trạm y tế phường, xã cố định, TPHCM vừa phối hợp với lực lượng quân y tăng cường thêm 33 trạm y tế cho 4 quận, huyện là Quận 12, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện tuyến quận, huyện và Thành phố cử bác sĩ và điều dưỡng xuống tăng cường hỗ trợ trạm y tế địa phương để kịp thời phát túi thuốc và phát hiện các ca F0 nặng để xử trí, chuyển viện.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cũng thành lập đội đặc nhiệm kiểm dịch phòng, chống dịch COVID-19. Đây là cầu nối giữa HCDC và quận, huyện, phường, xã để phối hợp nhịp nhàng, liền mạch trong hệ thống chống dịch nhằm khống chế và triệt tiêu các ổ dịch nhanh nhất có thể.

Nguyễn Kim

Top