Giảng viên đại học rơi vào ‘vòng luẩn quẩn’ vì phải ‘đá nhiều sân’

21/11/2018 8:12 AM

(Chinhphu.vn) - Cũng vì phải “đá nhiều sân” cùng lúc nên lắm khi các giảng viên dường như rơi vào “vòng luẩn quẩn”. Không trực tiếp đi khảo sát, tìm kiếm thị trường, không gặp gỡ, thuyết phục doanh nghiệp thì không có hợp đồng để sinh viên được cọ xát thực tế, không đủ ngân sách để hỗ trợ cho thầy - trò cùng tái đầu tư, nghiên cứu sản phẩm mới. Nhưng nếu lao vào môi trường ấy thì người thầy lại không còn đủ sức lực cho giảng dạy.

Ba chiếc máy bán hàng tự động do thầy và trò Khoa Cơ khí - Chế tạo máy Trường ĐHSP kỹ thuật TPHCM nghiên cứu, chế tạo.

Khi nhà trường và doanh nghiệp đã xích lại gần hơn

Không còn như những gì người ta vẫn hay nghĩ về các trường đại học kỹ thuật, chủ yếu chỉ có những đồ án trên giấy - sau khi hoàn tất môn học - tất cả sẽ lại nằm trong những ngăn tủ, năm này qua năm khác… Tại Khoa Cơ khí - Chế tạo máy Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Kỹ thuật TPHCM hiện nay, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy hàng loạt sản phẩm tự động hóa được trưng bày khắp nơi, từ văn phòng khoa, phòng lab (phòng thí nghiệm), xưởng thực hành cho đến những không gian rất “đời” bên trong khuôn viên trường mà thầy và trò… tự chế để có nơi ra mắt và giới thiệu với mọi người các máy móc tự động hóa hay những “đứa con” robot đang dần được hoàn thiện lên các nấc thang cao hơn.

Từ những sản phẩm như: máy bán báo tự động, máy bán nước mía tự động, máy bán phở tự động, máy lau…lá chuối tự động, máy phân loại rau củ…, đội ngũ thầy và trò từ cái nôi cơ khí - chế tạo máy ấy đã không ngừng tự “nâng tầm”, tiến tới những sản phẩm phức tạp hơn, đòi hỏi nhóm chế tạo phải tích hợp cả các kỹ năng chuyên môn về điện-điện tử, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… Mà gần đây nhất là máy phi lê cá tự động giúp doanh nghiệp chế biến thủy sản vừa tăng năng suất, vừa giảm được “hàm lượng” lao động “chân tay” của công nhân trong mùa cao điểm.

Không còn tự “vẽ” ra các đề bài trên giấy để thực hiện với nhau, nếu là sinh viên ở đây, bạn sẽ được yêu cầu phải lao động cật lực không chỉ trên ghế giảng đường mà cả ở khu thí nghiệm và xưởng chế tạo để có thể hoàn thành môn học đúng hạn định. Bởi rất nhiều trong số những dự án chế tạo máy tại đây là do doanh nghiệp… đặt hàng!

Sự khích lệ và áp lực thực thụ từ thị trường đã trở thành một phần không thể thiếu của những thành công nơi đây. Có lẽ vậy nên dường như khu thí nghiệm dành cho Khoa Cơ khí - Chế tạo máy ngày trước vốn cũng khá rộng rãi  thì nay đã bắt đầu chật chội dần khi phải dành không gian cho trưng bày sản phẩm - mà cũng chỉ đủ chỗ cho những sản phẩm “đinh”, đã từng đạt nhiều giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật. Đơn cử như robot hỗ trợ người đau yếu trong giao tiếp, nhanh chóng gửi cảnh báo và đề nghị được hỗ trợ y tế khi phát hiện bệnh nhân bị té ngã hay gặp các bất thường khác về sức khỏe… Hoặc robot giúp bón thức ăn cho những người mắc bệnh Parkinson…

Và gần đây nhất là robot massage ứng dụng trí tuệ nhân tạo, biết tự động dò tìm đúng hệ thống huyệt đạo trên cơ thể người để có liệu pháp xoa bóp hiệu quả nhất. Được biết, đây cũng là sản phẩm đặt hàng của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh du lịch tại phía Bắc. Không dễ dàng bằng lòng với việc hoàn thành “đơn hàng”. Ở những phiên bản tiếp theo, nhóm chế tạo còn kỳ vọng sẽ “nâng tầm” sản phẩm lên mức có thể hỗ trợ nhân viên y tế chẩn đoán và phát hiện sớm một số loại bệnh thông qua quan sát triệu chứng lâm sàng bên ngoài của bệnh nhân…

Một cánh én khó làm nên mùa xuân

Theo PGS. TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng Khoa Cơ khí - Chế tạo máy ĐHSP Kỹ thuật TPHCM, cho dù đã có những thành công bước đầu khi khởi động được bầu không khí hừng hực của các nhà sáng chế trẻ tương lai nhưng đây mới chỉ là những bài tập thực tế nhỏ. Còn nếu muốn hỗ trợ để sinh viên thực sự có thể khởi nghiệp bằng chính các sản phẩm công nghệ ấy thì vẫn là quá sức với những người đang đứng trên bục giảng. “Chúng tôi vừa là người giảng dạy, vừa là nhà nghiên cứu, lại vừa phải đóng cả ‘vai’ tìm kiếm đơn hàng, quản trị sản xuất, lo lắng chuyện tái đầu tư… như một nhà kinh doanh thì sao có thể chu toàn?.

Đành rằng nhà trường đã thiết kế nhiều phân môn và lồng ghép các nội dung về kinh tế, kinh doanh cho sinh viên các khối kỹ thuật nhưng như vậy vẫn là muối bỏ bể. Mà thực ra thì thầy cô đã mấy ai thực sự khởi nghiệp thành công đâu để có kinh nghiệm đủ dẫn dắt hàng trăm, hàng nghìn sinh viên như vậy. Chúng tôi rất cần những người thầy là các doanh nhân có trí lực, có tâm, có tầm để chắp cánh cho nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật tương lai này”, thầy Thịnh trải lòng.

Robot Mia và 2 Robot Beta do thầy và trò Khoa Cơ khí - Chế tạo máy ĐHSP Kỹ thuật TPHCM chế tạo được triển lãm tại Khu Công nghệ cao TPHCM.

Và cũng vì phải “đá nhiều sân” cùng lúc nên lắm khi các giảng viên dường như rơi vào “vòng luẩn quẩn”. Không trực tiếp đi khảo sát, tìm kiếm thị trường, không gặp gỡ, thuyết phục doanh nghiệp thì không có hợp đồng để sinh viên được cọ xát thực tế, không đủ ngân sách để hỗ trợ cho thầy - trò cùng tái đầu tư, nghiên cứu sản phẩm mới. Nhưng nếu lao vào môi trường ấy thì người thầy lại không còn đủ sức lực cho giảng dạy, mà quan trọng hơn là không còn đủ tâm trí để tiếp tục tìm tòi, nâng cao kiến thức. Và với sự thay đổi chóng mặt của khoa học công nghệ thì người thầy ấy có thể sẽ nhanh chóng lạc hậu so với thời đại chỉ sau một thời gian ngắn.

“Tìm kiếm những gút mắc của xã hội và đề ra giải pháp xử lý chúng là nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu. Còn thương mại hóa những sản phẩm ấy là việc của giới doanh nghiệp. Giữa nhà trường và thị trường cần có một thể chế trung gian để giúp kết nối này được chặt chẽ hơn, chuyên nghiệp hơn. Như vậy các trường đại học mới có thể đi trước một bước, mới có thể tiên phong, dẫn dắt về công nghệ thay vì cứ phải ‘đuổi theo’ đời sống công nghệ bên ngoài giảng đường như thực trạng khá phổ biến hiện nay”, người đứng đầu Khoa Cơ khí - Chế tạo máy ĐHSP Kỹ thuật TPHCM nêu tâm tư.

Thật vậy, vì không có “thể chế trung gian” dạng một doanh nghiệp “con” trực thuộc nên có một thực tế là đội ngũ các nhà nghiên cứu thầy - trò nơi đây khá bị động. Trong khi yêu cầu của doanh nghiệp là phải hoàn thành sản phẩm mới trong vòng 4-6 tháng. Nhưng đây lại là khoảng thời gian quá ngắn để những nhà giáo làm kinh tế “nghiệp dư” có thể kịp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Và một thực tế không thể tránh khỏi là với mỗi sáng chế mới, hầu như doanh nghiệp chỉ đặt hàng một vài lần rồi thôi. Có những doanh nghiệp sau thời gian “dùng thử” sản phẩm thậm chí đã quyết định mang máy trả lại nhà trường và… không mua nữa! Trong những trường hợp như vậy, rất khó để thuyết phục tất cả mọi người nghĩ rằng các sản phẩm trí tuệ ấy đã không bị sao chép ở đâu đó.

Cựu sinh viên - nhà nghiên cứu trẻ Trương Công Toại - ước vọng “giá mà có nguồn đầu tư lớn để nhà trường có thể xây dựng những phòng thí nghiệm hiện đại hơn. Tin chắc là các sản phẩm mới sẽ còn đáp ứng được nhiều đòi hỏi phức tạp hơn nữa”.

Còn Lương Hữu Thành Nam - chàng sinh viên trẻ “chuyên trị” phần tích hợp trí tuệ nhân tạo cho các cỗ máy cơ khí thì mơ ước “có thêm những cộng sự am hiểu ‘làm kinh tế’ để sâu sát thị trường hơn, giúp những robot hay máy móc tự động hóa ‘made in Vietnam’ thể hiện được vai trò xứng tầm hơn”.

Làm sao để những ước vọng, hoài bão và sản phẩm trí tuệ ấy không phí hoài? Câu trả lời xin dành cho những ai đang thực sự mong mỏi góp phần tâm huyết vào nền giáo dục, khoa học và công nghệ nước nhà.

Phương Hiền

Top