Hàng Việt khó vào siêu thị, lãnh đạo TPHCM muốn “ba mặt một lời”

01/11/2018 8:21 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 1/11, tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM trong 10 tháng và giải pháp cho thời gian tới, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, cho biết: Có tình trạng sản phẩm của nhiều doanh nghiệp nội địa khó vào siêu thị, kể cả vào Coop Mart. Doanh nghiệp phải có ‘quen biết’ hoặc phải ‘chạy’ để đưa được hàng vào các hệ thống bán lẻ.

Không chỉ có chiết khấu, để hàng vào được siêu thị, nhiều doanh nghiệp cho biết phải trả thêm nhiều loại phí khác, thậm chí còn phải có "lót tay". Ảnh có tính chất minh họa

Thống kê tình hình kinh tế chung của TPHCM 10 tháng đầu năm cho thấy các lĩnh vực sản xuất công nghiệp mũi nhọn, cũng như khu vực thương mại và dịch vụ trên địa bàn đều có mức tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, những con số báo cáo lạc quan về hàng loạt mũi nhọn kinh tế của TPHCM dù vậy cũng khó bù đắp được khoảng trống để lại do sự giảm tốc của một số ngành khác. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm do đó đã cảnh báo mục tiêu đạt tăng trưởng GRDP ở mức 8,3% cho năm 2018 hiện đang là mối thách thức lớn.

Dân phê bình là đúng

Làm sao để TPHCM kịp cán đích tăng trưởng như mong đợi? Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, bên cạnh việc tập trung hỗ trợ công nghiệp và xây dựng, cần hết sức chú trọng vào khu vực thương mại dịch vụ - nơi đang chiếm tỷ trọng đến 61% GRDP và vẫn còn dư địa tăng trưởng cả chiều rộng lẫn chiều sâu thời gian tới. Đó là các ngành như bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn về khoa học công nghệ, du lịch - lưu trú và ăn uống, hoạt động kinh doanh bất động sản, thông tin truyền thông, giáo dục...

Từ góc nhìn cụ thể hơn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tin rằng các sở ngành, đơn vị đang tham gia làm du lịch cần kết nối để cùng tạo ra sản phẩm chung, thay vì cứ mạnh ai nấy làm như hiện nay khiến sản phẩm trở nên đơn điệu, kém hấp dẫn. “Phải không ngừng nghĩ ra sản phẩm mới để thu hút du khách. Làm tour đi Đồng bằng Sông Cửu Long mà na ná nhau kiểu cứ cho khách nghe hát hò, bơi thuyền, đi chợ nổi… thì người ta chỉ tới một lần rồi thôi”.

Tương tự, tạm gác lại các con số ấn tượng về “mặt bằng chung” trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), vị Chủ tịch UBND TPHCM tiếp tục nêu ra những nhắc nhở hết sức điển hình về sự chậm chạp của cơ quan quản lý ngành du lịch trên địa bàn về việc cho “sản xuất” hàng hóa mới.

“Du lịch đường thủy cần được ‘quyết’ nhanh, các sở ngành cứ thảo luận hoài, hết năm, hết tháng tới nơi rồi. Chương trình này không tiêu tiền ngân sách mà mời thầu công khai thì làm lẹ đi chứ chần chừ gì nữa!”, ông Phong sốt ruột nói, đồng thời cho rằng “các sở ngành cần chuyển động mạnh mạnh lên chút để Thành phố nhờ, cứ kéo dài thế này dân phê bình là đúng”.

Các cơ quan tư vấn doanh nghiệp làm hồ sơ vay vốn kích cầu cũng bị “phê” thẳng thắn: “lẽ ra ngay từ đầu thấy doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu vay vốn thì nói ngay cho người ta biết. Để người ta ‘theo đuổi’ hồ sơ suốt cả năm rưỡi rồi, giờ mà trả lời không được thì khổ cho doanh nghiệp quá”. 

Theo người lãnh đạo cao nhất từ UBND TPHCM, cải cách TTHC tác động rất mạnh tới doanh nghiệp. Và không chỉ cải cách giữa người quản lý nhà nước với doanh nghiệp là đủ, mà còn phải cải cách cả quá trình “bắt tay” giữa các cơ quan chức năng với nhau.

Hàng Việt khó vào siêu thị, lãnh đạo TPHCM muốn “ba mặt một lời”

Gỡ gút mắc cho khâu sản xuất, kinh doanh, cải tổ TTHC dù vậy mới được xem là hoàn thành một phần của chuỗi giá trị. Bởi theo sau đó, khâu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ cũng quan trọng không kém để hạn chế tình trạng đem chuông đi đấm “xứ người” thì dễ, bán được hàng ở “xứ ta” lại vất vả trăm bề.

Chuyện hàng Việt khó vào siêu thị trong nước vì chiết khấu có còn là những đồn đoán bên lề? “Chạy” cho được một chỗ trưng hàng trong siêu thị có phải là mối âu lo vô căn cứ?

Những câu hỏi lớn ấy được kỳ vọng sẽ phần nào tìm thấy lời giải ở Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Việt với các nhà bán lẻ trong nước, dự kiến diễn ra ngay trong tháng 11 này với sự chủ trì trực tiếp của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thành Phong. “Tôi nghe nhiều sản phẩm nội địa khó vào siêu thị quá, kể cả vào Coop Mart. Doanh nghiệp phải có ‘quen biết’ hoặc phải ‘chạy’ để đưa được hàng vào, như vậy là không được!”, ông Phong nhận định.

Khuyến cáo của nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho thấy nếu thị trường bán lẻ cho hàng Việt hẹp đi thì chắc chắn sản xuất trong nước sẽ bị sẽ tác động.

Thật vậy, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: cải cách TTHC, cung ứng vốn giá rẻ, những người làm quản lý nhà nước còn có thể tạo dựng thể chế - chính sách hợp lý để giúp đầu ra của doanh nghiệp thuận lợi hơn, gián tiếp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung.

Theo báo cáo đánh giá tình hình kinh tế TPHCM trong 10 tháng đầu năm, khu vực lương thực, thực phẩm, đồ uống tăng 7,19% (cùng kỳ năm 2017 tăng 3,92%); Ngành hóa chất - cao su - nhựa tăng 2,82%, (cùng kỳ năm ngoái tăng hơn 1,4%); Dệt may cũng gây ấn tượng với mức tăng hơn 12% (cùng kỳ 2017 tăng khoảng 7%); Da giày tăng 6,24% (cùng kỳ tăng 4,62%).

Đáng chú ý, ngành cơ khí chuyển động rõ rệt với số hồ sơ đề nghị được TPHCM hỗ trợ vay vốn kích cầu gần đây chiếm quá nửa lượng hồ sơ của tất cả các ngành nghề trên địa bàn.

Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,9% so cùng kỳ (cùng kỳ 2017 tăng 11,6%). Dự kiến doanh thu bán lẻ về cuối năm sẽ còn tăng mạnh do yếu tố mùa vụ - lễ tết. “10 tháng qua có tổng cộng 60 nghìn đơn đăng ký khuyến mãi, trong đó riêng 2 tháng cuối năm đã là 24 nghìn hồ sơ. Đây sẽ là động lực đáng kể kích thích tiêu dùng, đóng góp cho GRDP”, Giám đốc Sở Công thương Phạm Thành Kiên nhận định.

Khu vực du lịch cũng được dự báo sẽ đóng góp đáng kể cho doanh thu bán lẻ hàng hóa cả năm, với dự kiến lượng du khách quốc tế đến TPHCM cả năm nay sẽ đạt 7,5 triệu lượt.

Phương Hiền

Top