Hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do Covid-19: Không hồ sơ vay nào đủ điều kiện

02/06/2020 3:18 PM

(Chinhphu.vn) - Quận 1 có 35 doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nộp hồ sơ vay với lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho người lao động, tuy nhiên không có doanh nghiệp nào đủ điều kiện hưởng chính sách này. TPHCM hoàn thành hỗ trợ hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi COVID-19 Hơn 1.800 giáo viên mầm non ngoài công lập

Đoàn công tác liên ngành làm việc tại phường Nguyễn Thái Bình. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Hôm nay, 2/6, là ngày đầu tiên Đoàn kiểm tra liên ngành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bắt đầu kiểm tra việc giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM.

Tại Phường Nguyễn Thái Bình, một trong những địa bàn đặc thù, tập trung nhiều cơ sở kinh doanh lĩnh vực thương mại dịch vụ và có nhiều lao động tự do, lao động phổ thông, buôn bán nhỏ. Với đặc thù như vậy, khi xảy ra đại dịch Covid-19, đời sống sinh hoạt, hoạt động kinh doanh của người dân bị ảnh hưởng nhiều.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch MTTQ phường Nguyễn Thái Bình cho biết, quá trình rà soát đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được thực hiện trên tinh thần tăng cường giám sát gắn với tuyên truyền và nắm dư luận trong nhân dân. Đến nay, việc thực hiện chi hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Nghị quyết 02 của Hội đồng nhân dân Thành phố ở phường Nguyễn Thái Bình cơ bản đã hoàn thành. Trong đó 7/9 người thuộc hộ nghèo và 197/213 người thuộc hộ cận nghèo đã nhận mức hỗ trợ 750 ngàn đồng/người. Những trường hợp thuộc hộ nghèo và cận nghèo trùng với nhóm đối tượng khác đã chọn mức hỗ trợ cao hơn. Trên địa bàn có 26 người bán vé số lưu động đã nhận mức hỗ trợ 750 ngàn đồng/người và sẽ được chi bổ sung 250 ngàn đồng/người theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.

Riêng với nhóm đối tượng là lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc, có 571 người đủ điều kiện hưởng trợ cấp. UBND phường đã phối hợp với các khu phố, tổ dân phố và công an phường rà soát, xác minh và tiến hành niêm yết danh sách công khai tại UBND phường.

Ông Cường cho biết thêm, thực tế còn những lao động tự do bị ảnh hưởng nhưng không nằm trong 6 nhóm đối tượng theo quy định. Trong đó có người chạy xe ôm công nghệ, người thu gom rác, thợ hồ, lột vỏ hành tỏi và may gia công tại nhà cũng bị ảnh hưởng giảm thu nhập và cần được hỗ trợ.

Không riêng địa bàn phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 có đến gần 1.700 trường hợp như vậy. Bà Phạm Thu Giang, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) quận 1 cho biết đã có báo cáo về Sở LĐTB&XH Thành phố để có chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này.

Quận 1 là địa bàn có số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ cao nhất Thành phố, nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến nay có 35 doanh nghiệp nộp hồ sơ vay với lãi suất 0%, từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho người lao động nhưng không có doanh nghiệp nào đủ điều kiện hưởng chính sách này. Theo bà Giang, Nghị quyết 42 nêu điều kiện rất khó cho doanh nghiệp, phải nộp báo cáo tài chính năm 2019 và quý I/2020 chứng minh không có nguồn thu, không còn khả năng trả lương cho người lao động. Khi vận dụng Nghị quyết 02 của Thành phố, quận 1 có 49 doanh nghiệp với trên 1.800 lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ và đã giải quyết hồ sơ hỗ trợ cho 17 doanh nghiệp.

Thực tế triển khai chính sách hỗ trợ tại phường Nguyễn Thái Bình và quận 1 cho thấy vai trò quan trọng của cán bộ cơ sở. Một số khu phố có tình trạng người dân kê khai cào bằng để mong hưởng chính sách. Ví dụ, một hộ kinh doanh café tại nhà phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội nhưng vẫn còn những nguồn thu khác. “Bà vợ bán café thì thuộc nhóm hộ kinh doanh có ảnh hưởng, nhưng ông chồng có lương hưu và đang đi làm thêm có thu nhập, người con gái làm việc tại Singapore, người con trai cũng có việc làm ổn định. Nhưng vẫn kê khai đòi hỏi hưởng hỗ trợ. Tôi ở địa bàn, tôi nắm rõ từng nhà nên tôi vận động, giải thích và nhất quyết không tiếp nhận hồ sơ của hộ này”, một vị tổ trưởng dân phố tại phường Nguyễn Thái Bình cho hay.

Trong khi đó, bà Giang cũng đưa ra một số trường hợp có thể dẫn đến trùng lặp đối tượng nếu cán bộ cơ sở không rà soát, xác minh chặt chẽ. “Đó là những trường hợp khai báo làm việc tại một doanh nghiệp nhưng không ký hợp đồng lao động. Họ đăng ký hưởng trợ cấp tại địa phương. Trong khi các doanh nghiệp cũng lập danh sách người lao động bị mất việc. Nếu doanh nghiệp ngoài địa bàn thì công tác đối chiếu, xác minh trùng lặp sẽ khó hơn”, bà Giang nêu vấn đề.

So với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Thành phố thực hiện chi trả hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được cho là tiến độ chậm. Tuy nhiên, thực tế phát sinh có thể dẫn đến trùng lặp đối tượng và nhất là vẫn còn những người bị ảnh hưởng nằm ngoài nhóm hưởng trợ cấp. Do vậy, các địa phương đã và đang rà soát, xác minh chặt chẽ để chính sách không nhầm đối tượng và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Băng Tâm

Top