Hỗ trợ tín dụng phát triển điện mặt trời áp mái tại các KCN - KCX

20/06/2020 7:12 AM

(Chinhphu.vn) - Các đơn vị tham gia phát triển điện mặt trời áp mái tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp sẽ được kết nối hỗ trợ cơ chế tài chính và kỹ thuật.

HBA ký kết với các bên nhằm triển khai giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp ứng dụng điện mặt trời áp mái. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Đây là một trong những giải pháp khuyến khích được đưa ra tại Lễ phát động Chương trình phát triển điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo” tại các KCN giai đoạn 2020-2024 được tổ chức ngày 19/6.

Chương trình này do Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM (HBA), Ban quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất (KCN-KCX) TPHCM (HEPZA) và Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) đồng tổ chức.

Theo đó, các bên đặt mục tiêu phát triển 1.000MWp tổng công suất hệ thống điện mặt trời áp mái tại hệ thống nhà xưởng của 1.000 doanh nghiệp trong các KCN, KCX, Khu công nghệ cao (KCNC) trên địa bàn TPHCM. Nếu hoàn thành mục tiêu chiến lược đề ra, hoạt động này sẽ giúp giảm 10%-15% lượng điện tiêu thụ, góp phần giảm 23 triệu tấn khí CO2, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng đô thị, giảm áp lực ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA cho biết, việc phát triển điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo tại các KCN - KCX - KCNC TPHCM có rất nhiều lợi thế trong giai đoạn hiện nay. Đó là với 17 KCN - KCX đã có 4.141ha, trong đó, 2.700ha đất công nghiệp đã xây dựng 1.500 nhà máy. Khu CNC có 900ha với khoảng 80 nhà máy. Như vậy, tính toán sơ bộ có khoảng 500 - 1.000ha diện tích mái nhà để lắp đặt điện mặt trời áp mái.

Với dư địa như vậy, các KCN - KCX - KCNC trở thành mục tiêu tương đối thuận lợi mà EVN HCMC đang quan tâm hỗ trợ, đấu nối, hòa lưới điện, với chỉ tiêu trước mắt là 100MW ngay trong năm 2020 và 1.000MW cho 5 năm tiếp theo. Ngoài ra, TPHCM còn đầu tư KCX Linh Trung 3 ở Tây Ninh, KCN Long Hậu ở Long An. Do vậy, Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng hết sức quan tâm chương trình này lan tỏa ra các KCN ở các tỉnh: Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai…

Theo đánh giá hiện nay các KCN có lợi thế về diện tích áp lớn, nên nếu đầu tư điện mặt trời, doanh nghiệp sẽ được hưởng lãi kép. Ngoài việc được sử dụng điện miễn phí, khi dôi dư, doanh nghiệp có thể bán cho ngành điện. Về vốn đầu tư, doanh nghiệp có thể thông qua các công ty hỗ trợ vốn, các tổ chức tín dụng mà ngành điện kết nối.

Trước mắt, HBA đã ký kết với HD Bank nhằm hỗ trợ tín dụng cho các doanh ứng dụng điện mặt trời áp mái.

TPHCM có lợi thế về khung pháp lý đã hình thành và đang vận hành thuận lợi. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 55 định hướng về điện năng trong thực hiện “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước và chiến lược năng lượng lâu dài, trong đó hết sức khuyến khích điện mặt trời và điện gió. Ngoài ra, có nhiều văn bản pháp lý mà trực tiếp là Quyết định 11, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư 16 và Thông tư 05 của Bộ Công thương, cùng các văn bản cụ thể của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, đầu tư điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo có sự nhận thức tích cực ủng hộ và tham gia của các công ty hạ tầng, các doanh nhân, DN và nhà máy tại các KCN - KCX - KCNC, những nơi có mái nhà đang chờ đợi sự đầu tư.

Băng Tâm

Top