Hơn 12.000 tỷ đồng cho 2 dự án giao thông, môi trường ở TPHCM

22/04/2021 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - HĐND TPHCM đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú, TP. Thủ Đức và dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Quang cảnh kỳ họp lần thứ 25 của HĐND TPHCM. Ảnh: VGP/Lê ANh

Sáng 22/4, tại kỳ họp lần thứ 25, HĐND TPHCM khóa IX, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trình quyết định chủ trương đầu tư dự án Xây dựng Nút giao thông An Phú, TP. Thủ Đức và dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương- Bến Cát - rạch Nước Lên.

HĐND TPHCM đã nhất trí chủ trương xây dựng nút giao thông An Phú trị giá hơn 3.900 tỷ đồng tại thành phố Thủ Đức và dự án xây dựng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên trị giá 8.200 tỷ đồng, nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố trong thời gian tới.

Theo kết quả thẩm định về việc xây dựng nút giao thông An Phú, phương án thiết kế xây dựng nút giao có 3 tầng gồm: Hầm chui (2 chiều) kết nối đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (theo hướng đi về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại); kết hợp hầm chui được kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống.

Công trình sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư 3.926 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách, trong đó vốn Trung ương 1.800 tỉ đồng, vốn TPHCM là 2.126 tỷ đồng.

Theo Hội đồng thẩm định TPHCM, việc đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông tại đầu tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - đây là tuyến huyết mạch kết nối giao thông giữa TPHCM với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, đây là một trong những tuyến kênh ô nhiễm nặng ở TPHCM. Tuyến kênh này đi qua 7 quận huyện nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhiều hộ dân xung quanh.

Dự án sẽ xây bờ kè dài hơn 32 km bằng bê tông; nạo vét toàn tuyến kênh; làm mới, sửa chữa các cống kết nối; xây 12 bến thuyền; làm đường và các công trình hạ tầng dọc theo 2 bên kênh với tổng kinh phí là 8.200 tỷ đồng. Trong đó 4.000 tỷ là vốn Trung ương, phần còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách thành phố.

Việc triển khai Dự án được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu người dân trong lưu vực. Góp phần thoát nước, chống ngập cho 7 quận huyện và có thêm tuyến giao thông thủy, bộ kết nối TPHCM đi Bình Dương, Đồng Nai.

Lê Anh

Top