Lần đầu tiên SMEs có “sân chơi” ở sự kiện bình chọn doanh nghiệp niêm yết

03/11/2018 8:00 AM

(Chinhphu.vn) - Lần đầu tiên, những doanh nghiệp vốn hóa nhỏ đã được vinh danh cho nỗ lực cố gắng minh bạch hóa hoạt động quản trị, kịp thời đưa thông tin tài chính - kinh tế của doanh nghiệp tới công chúng và theo đuổi các giá trị phát triển bền vững.

Khác với những năm trước, cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết năm 2018 đã thay đổi cơ cấu giải thưởng bằng cách phân loại doanh nghiệp theo nhóm vốn hóa thị trường (lớn, vừa và nhỏ). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 10 năm qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có “sân chơi” bình đẳng hơn để tham gia cạnh tranh giải thưởng.

Vì vậy, kết quả được công bố tối ngày 2/11 vừa qua tại TPHCM cho thấy: bên cạnh những “nhà vô địch” truyền thống thường có tên trong top 10 như Tập đoàn Bảo Việt, Dược Hậu Giang, Vinamilk… thì những doanh nghiệp vốn hóa nhỏ như Nhựa Rạng Đông, Sản xuất Thương mại May Sài Gòn, Sonadezi Long Thành hay Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng lần đầu tiên đã được vinh danh cho nỗ lực cố gắng minh bạch hóa hoạt động quản trị, kịp thời đưa thông tin tài chính - kinh tế của doanh nghiệp tới công chúng và theo đuổi các giá trị phát triển bền vững.

Thật vậy, trước đây do chỉ có một bộ chuẩn mực chấm giải chung cho hàng trăm doanh nghiệp niêm yết trên toàn thị trường chứng khoán nên một số doanh nghiệp “lão làng” gần như luôn thay phiên nhau giữ các vị trí đầu bảng. Do đó, sẽ khó có cơ hội cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) có mức vốn hóa chỉ vài trăm tỷ đồng cạnh tranh được với những doanh nghiệp “đại gia” mà giá trị thị trường đã đạt tới hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng cùng sự đầu tư nhân lực, vật lực hùng hậu phía sau cho các báo cáo.

Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết năm nay cho Thị trường chứng khoán Việt Nam do đó đã được chia làm 3 hạng mục giải thưởng độc lập gồm: giải Báo cáo Thường niên tốt nhất, giải Doanh nghiệp Quản trị công ty tốt nhất và giải Báo cáo Phát triển bền vững.

Theo đánh giá của nhà tổ chức - chấm giải gồm đại diện từ các Sở Giao dịch chứng khoán, các trường đại học, quỹ đầu tư và 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới tại Việt Nam, mức điểm trung bình của các báo cáo thường niên tiếp tục cải thiện dần qua từng năm.

Còn Báo cáo phát triển bền vững được lập riêng với các nội dung liên quan đến hoạt động vì môi trường và xã hội dù đến kỳ chấm giải 2018 mới được 10 doanh nghiệp thực hiện nhưng đây vẫn là con số lớn nhất trong những năm qua. Riêng Báo cáo quản trị công ty với tiêu chí chấm điểm dựa trên nguyên tắc quản trị công ty của khối OECD dường như vẫn ở “ngoài tầm với” của không ít doanh nghiệp niêm yết. Có đến 1/4 số doanh nghiệp (133 công ty) được gọi tên vào danh sách tranh giải chưa đạt tới mức điểm trung bình.

Tuy nhiên, các nhà tổ chức cho rằng đây sẽ là động lực để các doanh nghiệp niêm yết nói chung ngày càng quyết tâm hơn trong áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Qua đó, có thêm cơ hội tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

Tương tự, hoạt động đầu tư toàn cầu đang có nhiều thay đổi với xu hướng đầu tư có trách nhiệm ngày càng được quan tâm sâu sắc. Do đó, muốn trở nên hấp dẫn hơn trong mắt giới đầu tư, doanh nghiệp phải làm tốt không chỉ báo cáo tài chính mà còn phải thể hiện mình bằng các thông tin về minh bạch hóa quản trị và phát triển bền vững.

Phương Hiền

Top