Lãnh đạo Thành phố luôn trăn trở việc chăm lo cho các thầy, cô giáo

09/01/2024 4:44 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Bí thư Thành ủy, một trong những vấn đề mà lãnh đạo Thành phố luôn quan tâm, trăn trở đó là chăm lo cho đội ngũ thầy cô giáo, làm sao thu hút được người giỏi, người tài, tâm huyết đến với nghề sư phạm, chăm lo bồi dưỡng đạo đức nghiệp vụ cho người thầy.

Lãnh đạo Thành phố luôn trăn trở việc chăm lo cho các thầy, cô giáo- Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Chiều 9/1, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Giám đốc ĐHQG TPHCM Vũ Hải Quân, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê dự Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận định, một kết quả lớn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, đó là sự chuyển biến về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng xã hội và người dân về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo và gìn giữ cốt cách truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Sự đóng góp to lớn từ nhận thức này đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho Thành phố và đất nước. Một trong những nhận thức đó là trách nhiệm của TPHCM không chỉ đối với trên 10 triệu người dân Thành phố mà còn là trách nhiệm đối với vùng, miền, cùng cả nước, vì cả nước, từ đó tạo ra các chương trình chiến lược, kế hoạch phối hợp hành động với nhiều nội dung mang tính chia sẻ, hỗ trợ rất cao.

Người đứng đầu Đảng bộ Thành phố cũng khẳng định, sau khi Nghị quyết 29 ra đời, Ban Thường vụ Thành ủy đã kịp thời ban hành các kế hoạch, chương trình hành động. Đến thời điểm này, UBDN, HĐND Thành phố cùng như ngành giáo dục Thành phố cũng có nhiều chương trình, kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết, quyết định có giá trị pháp lý nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 29. Từ đó, có thể nhận thức rằng Thành phố đã chuyển biến từ nhận thức thành hành động tương đối toàn diện, trong đó có nhiều vấn đề được thể chế hóa ngày càng đầy đủ hơn.

Lãnh đạo Thành phố luôn trăn trở việc chăm lo cho các thầy, cô giáo- Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Cũng theo ông Nên, Thành phố đã dùng nguồn lực lớn cho đầu tư GD&DT, trong đó có nhiều điểm sáng như đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho cán bộ giáo viên, nhân viên bậc mầm non.

Ngoài ra, sự chuyển biến về chất của GD&ĐT Thành phố ngày càng được được nâng lên, nhiều mô hình mới tích cực, sáng tạo, mang tính đột phá, thể hiện tầm nhìn, tư duy GD&DT theo hướng giáo dục mở, phuc vụ cho xã họi học tập suốt đời; đồng thời khắc phục bệnh thành tích, hư danh…

Công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho HSSV ngày càng được chú trọng. Các tường luôn có tiêu chí phấn đấu để xây dựng văn hóa học đường…

Sự vận hành của hệ thống GD&DT Thành phố ngày càng được xã hội hóa, dân chủ hóa và công bằng hơn, tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy nhìn nhận, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, không thể tránh khỏi những khó khăn, hạn chế, bất cập. Việc phân luồn học sinh, đổi mới giáo nghề nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế, việc cải thiện chế độ tiền lương, thu nhập cho đội ngũ nhà giáo vẫn còn những nỗi lo. Xu hướng coi trọng hình thức, thiếu thực chất, những gương xấu trong nhà trường, ở gia đình và xã hội còn tồn tại.

Ngoài ra, công tác truyền thông còn nhiều hạn chế. Cuộc đổi mới căn bản, toàn diện chưa có sự lan tỏa rộng khắp, người dân chưa hiểu thấu được nên chuyển biến chưa được như mong muốn.

Đối với nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy đề nghị cần nhận thức giáo dục-đào tạo là của toàn xã hội, trong đó nhận thức của cấp ủy đóng vai trò then chốt.

Do đó, cần tăng cường truyền thông, tăng cường triển khai quán triệt sâu rộng hơn nữa để các tầng lớp nhân dân, các tổ chức ngoài hệ thống cũng như các tổ chức có liên quan tiếp tục quan tâm đồng bộ cùng với hệ thống chính trị đầu tư căn bản toàn diện GD&DT xứng tầm với Thành phố văn minh, hiện đại

Bên cạnh đó, nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền phải cụ thể hơn, rạch ròi hơn để cùng chia sẻ với ngành giáo dục. Phải huy động sức mạnh toàn xã hội để chăm lo cho giáo; thúc đẩy xã hội hóa, vận động tối đa chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 để phát triển GD&ĐT Thành phố.

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu tiếp tục đổi mới đồng độ, mạnh mẽ các yếu tố của GD&ĐT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học, hài hòa trí-thể-mỹ. Định hướng tư duy phát triển giáo dục theo nhu cầu xã hội, chuyển biến dần nhận thức từ việc học để lấy bằng sang học để tinh thông nghề nghiệp; thực hiện mạnh mẽ chủ trương phân luồng học sinh… Nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng KHCN, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý.

Cũng theo Bí thư Thành ủy, một trong những vấn đề mà lãnh đạo Thành phố luôn quan tâm, trăn trở đó là chăm lo cho đội ngũ thầy cô gáo, làm sao thu hút được người giỏi, người tài, tâm huyết đến với nghề sư phạm, chăm lo bồi dưỡng đạo đức nghiệp vụ cho người thầy.

"Đây là vấn đề đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục suy nghĩ tìm lời giải, giúp các thầy cô yên tâm công tác, gắn bó với nghề, thu hút người giỏi", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Lãnh đạo Thành phố luôn trăn trở việc chăm lo cho các thầy, cô giáo- Ảnh 3.

Ban Thường vụ Thành ủy trao Bằng khen cho 40 tập thể vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết 29 - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Các cấp, ngành từng bước nâng cao nhận thức

Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 29, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 83 năm 2013 chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 và ban hành Chương trình hành động số 46 năm 2015 của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố… Qua công tác lãnh đạo triển khai, quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW đã từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố và các đơn vị có liên quan đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, có sự phối hợp, gắn kết với các cấp, các ngành, huy động xã hội tham gia thực hiện đạt kết quả các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết đề ra.

Cụ thể, đối với Giáo dục mầm non, Thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trường mầm non; hướng dẫn vận dụng một số phương pháp giáo dục tiên tiến như STEM, STEAM, Montessori, Reggio Melia…; học tập mô hình của Nhật Bản; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong tổ chức các hoạt động giáo dục, trẻ được tương tác với các thiết bị công nghệ.

Đối với Giáo dục trung học, toàn Thành phố tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập bậc trung học theo xu hướng nâng cao tỉ lệ đã đạt được qua từng năm. Hiện có 312/312 phường, xã thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2021, đối tượng trong độ tuổi từ 15 đến 18 có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là 319.516/325.564, đạt tỉ lệ 98,14% (tăng so với năm 2020 là 311.683/318.109, tỉ lệ 97,98%).

Đối với Giáo dục phổ thông, thực hiện tốt đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp thành phố. Chủ động triển khai thực hiện giáo dục nhà trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của các cơ sở giáo dục bằng nhiều hình thức như xây dựng và triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, tổ chức các Hội thi như Lớn lên cùng sách, Đầu bếp trẻ, Giải toán trên máy tính cầm tay, Cuộc thi sáng tác ảnh và khéo tay kỹ thuật, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật…

Đối với Giáo dục nghề nghiệp: Về tỉ lệ lao động qua đào tạo, tính đến 29/12/2022, số lao động làm việc đã qua đào tạo là 161.676/117.000 người lao động được cấp chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận, nâng tổng số lao động đã qua đào tạo tương đương 4.327.336/4.931.593 người, đạt tỉ lệ 87,74%/86,05% (vượt chỉ tiêu theo Chương trình hành động 46 của Thành ủy là 85% người lao động đã qua đào tạo đến cuối năm 2020). Công tác tuyển sinh đào tạo nghề đạt 377.423/371.00 người. Công tác đào tạo nghề cho nông thôn đạt 8.100/5.300 người.

Đối với giáo dục đại học, tính đến thời điểm hiện nay, có 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đạt chuẩn cơ bản theo quy định, đạt mục tiêu đề ra trong Chương trình hành động số 46-CTrHĐ/TU.

Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy đã trao Bằng khen cho 40 tập thể và 13 cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết 29.

Anh Thơ

Top