Mới có một doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được xem xét vay tiền trả lương

14/05/2020 8:19 AM

(Chinhphu.vn) - Tính đến ngày 12/5, tại TPHCM mới có một hồ sơ của doanh nghiệp tại quận 1 có 39 lao động đang được xem xét vay tiền từ Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương cho người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Kiến nghị Chính phủ dành 20% gói hỗ trợ cho doanh nghiệp TPHCM 61% doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ
Hộ kinh doanh cá thể tại TPHCM khó tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TPHCM trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ LĐTB&XH, ngày 13/5, trong 8 nhóm đối tượng cần giải quyết hỗ trợ theo Quyết định 15 của Thủ tướng, có hai nhóm đối tượng đang khó tiếp cận chính sách này.

Cụ thể là nhóm hộ kinh doanh, để nhận được mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng phải chứng minh doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm.

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc LĐTB&XH TPHCM cho rằng điều kiện này không phù hợp với thực tế Thành phố. Một hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm nghĩa là ở mức 9 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 280 ngàn đồng/ngày. “Một hộ kinh doanh mà doanh thu như thế thì ở Thành phố làm sao sống nổi. Bây giờ một tiệm bán hủ tiếu mà 25-30 ngàn đồng/tô, không lẽ ngày chỉ bán được 10 tô?”, ông Tấn phân tích và cho biết có 3.800 hộ kinh doanh đăng ký gói hỗ trợ này nhưng ông cho rằng với các điều kiện như hiện tại thì tỉ lệ thụ hưởng không cao.

Một nhóm khác khó tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ là nhóm số 6, hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động. Chính sách này cho phép người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 vay không lãi suất từ Ngân hàng chính sách xã hội trong 12 tháng để trả lương cho người lao động. Nhưng điều kiện của Quyết định 15 ràng buộc rất khó cho doanh nghiệp, phải chứng minh không có nợ xấu tính đến 31/12/2019, phải chứng minh có 50% người lao động bị nghỉ việc vì dịch Covid-19 và chỉ đủ khả năng trả 50% lương cho số lao động còn lại.

“Điều kiện rất khó vì doanh nghiệp muốn giữ chân người lao động, không khi nào cho ngừng việc, hoãn việc đến 50%. Tôi cho rằng Bộ LĐTB&XH tham mưu cho Thủ tướng chính sách tốt nhưng khắt khe và chưa phù hợp với thực tế Thành phố”, ông Lê Minh Tấn đánh giá.

Hiện toàn Thành phố chỉ có 71 doanh nghiệp đăng ký gói hỗ trợ này nhưng chưa rà soát các điều kiện đảm bảo. Tỉ lệ như vậy là rất thấp vì Thành phố có 420 ngàn doanh nghiệp thì 98% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM cũng cho biết, tính đến ngày 12/5 mới có một hồ sơ của doanh nghiệp tại quận 1 có 39 lao động đang được xem xét vay. “Tôi cho rằng như vậy là triển khai hơi chậm. Quá trình thực hiện đến 20/5, hoặc hết tháng 5 mà thấy không phù hợp thì chúng tôi sẽ tham mưu cho Thành phố. Tôi tin rằng với UBND Thành phố, với Thành ủy, với HĐND Thành phố lúc nào cũng ủng hộ doanh nghiệp, phải có chính sách riêng, trên cơ sở Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội cho phép Thành phố có những chính sách đặc thù thì có thể vận dụng. Chứ giờ trên quy định sao mà mình thực hiện vậy thì bình thường quá, mình phải năng động sáng tạo, đúng pháp luật và phù hợp với thực tiễn của Thành phố”.

Băng Tâm

Top