Nghị quyết 98: Cơ chế đột phá, động lực để phát triển nền kinh tế xanh

12/08/2023 9:19 AM

(Chinhphu.vn) - Theo báo cáo "Sustainable Cities Index 2021" do Công ty tư vấn Arup thực hiện, TPHCM được xếp hạng cao về phát triển kinh tế xanh trong khu vực Đông Nam Á. Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc giảm ô nhiễm không khí, quản lý chất thải và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Đây là kết quả của sự nỗ lực dài hạn của TPHCM trong việc phát triển một nền kinh tế xanh và bền vững.

Nghị quyết 98: Cơ chế đột phá, động lực để phát triển nền kinh tế xanh - Ảnh 1.

Phát triển nền kinh tế xanh là một cách để đảm bảo sự phát triển bền vững và tạo ra lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội lâu dài - Ảnh: VGP

Đạt được kết quả bước đầu, tuy nhiên, với quy mô dân số trên 10 triệu người, những vấn đề hiện nay như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường… vẫn đang là những khó khăn, thách thức lớn mà TPHCM phải đối mặt để có thể trở thành một nền kinh tế xanh, một đô thị phát triển bền vững.

Những điểm nghẽn trong phát triển nền kinh tế xanh

Trong việc phát triển nền kinh tế xanh ở TPHCM, theo Báo cáo nghiên cứu về tình hình phát triển kinh tế xanh tại TPHCM của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững và Báo cáo đánh giá và đề xuất về quy trình phát triển kinh tế xanh tại TPHCM của Ban quản lý dự án Cải cách hành chính có một số điểm nghẽn gây khó khăn và thách thức.

Theo đó, về hạ tầng kỹ thuật, hiện hệ thống giao thông công cộng của TPHCM chưa đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển, dẫn đến sự tăng cường sử dụng phương tiện cá nhân, gây ô nhiễm không khí. Hệ thống xử lý nước thải và chất thải cũng chưa hoàn thiện, dẫn đến ô nhiễm môi trường và nguồn nước.

Cùng với đó, các chính sách và quy định của Thành phố thiếu sự đồng bộ cho phát triển kinh tế xanh, gây rào cản cho các doanh nghiệp và tổ chức muốn tham gia vào lĩnh vực này. Chưa có chính sách khuyến khích và ưu đãi đáng kể để đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp tái tạo và công nghệ xanh.

Thành phố cũng thiếu nguồn lực tài chính đủ lớn để đầu tư vào các dự án và công nghệ xanh. Hạn chế về khả năng huy động vốn đầu tư và hỗ trợ tài chính từ các nguồn khác nhau.

Nhận thức về tầm quan trọng của phát triển kinh tế xanh và những lợi ích của nó vẫn còn hạn chế ở một số tầng lớp và cộng đồng. Hành vi tiêu dùng và sử dụng tài nguyên vẫn chưa tập trung vào việc bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên bền vững.

Thiếu nguồn nhân lực có đủ kỹ năng và kiến thức về kinh tế xanh và công nghệ xanh. Chương trình đào tạo và giáo dục về kinh tế xanh chưa phát triển đầy đủ, không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp và tổ chức muốn tham gia vào lĩnh vực này. Thành phố cũng thiếu quy trình quản lý dự án hiệu quả trong việc triển khai các dự án kinh tế xanh.

Cơ chế đột phá để giải quyết các điểm nghẽn

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển TPHCM (Nghị quyết 98) đã mở ra cơ hội cho việc phát triển kinh tế xanh tại TPHCM trong những năm tới. Có thể nêu ra một số quy định cụ thể quan trọng ảnh hưởng đến việc phát triển nền kinh tế xanh được nêu trong nghị quyết như:

Về quản lý đầu tư: Nghị quyết cho phép HĐND Thành phố được bổ trí vốn đầu tư công hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người dân; Cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD); Áp dụng đầu tư phương thức đối tác công - tư với các dự án lĩnh vực thể thao và văn hóa; Áp dụng hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu; Được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT với điều kiện đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, chất lượng công trình dự án, không gây thất thoát ngân sách, UBND TP sẽ chủ trì quy định về đánh giá năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính.

Về tài chính, ngân sách nhà nước: Thành phố được cởi bỏ một số rào cản trong việc quản lý và sử dụng ngân sách cho sự phát triển của mình. Một số điểm nhấn quan trọng như cho HĐND Thành phố được quyết định, điều chỉnh tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Ngân sách Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm của các khoản thu từ việc điều chỉnh; Sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; Được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ; Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao; Sử dụng ngân sách để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng…

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường: Được phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; Phê duyệt điều chỉnh cục bộ, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành cơ sở hạ tầng kỹ thuật; Được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc ở vị trí khác tương đương về quy mô; Xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất; Có cơ chế khuyến khích cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch, giảm ô nhiễm môi trường…

Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược: Thành phố được thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các dự án ưu tiên như xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, tự động hóa, vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn từ 3.000 tỷ trở lên; Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tíc hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), Chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn từ 30.000 tỷ trở lên; Đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ trở lên.

Về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo: Thành phố được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân với một số trường hợp nhằm khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; Quyết định các lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiêu chí, lĩnh vực thử nghiệm giải pháp công nghệ mới và nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ…

Những lưu ý khi áp dụng Nghị quyết 98 vào phát triển kinh tế xanh

Khi áp dụng các giải pháp để phát triển kinh tế TPHCM trở thành nền kinh tế xanh, cần lưu ý một số vấn đề quan trọng.

Cụ thể, cần đảm bảo rằng các dự án đầu tư công và đầu tư tư như BOT, BT được thực hiện một cách hiệu quả và minh bạch. Có cơ chế giám sát và kiểm tra để đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn công và tư đạt được kết quả như dự kiến, không gây thất thoát ngân sách và tạo lợi ích cho cộng đồng.

Khi thực hiện mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) đòi hỏi cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tích hợp hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và tạo môi trường sống xanh, bền vững cho người dân.

Đảm bảo quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước một cách cẩn thận và minh bạch. Sử dụng hiệu quả các khoản thu phí, lệ phí, và nguồn vốn vay để đầu tư vào các dự án hạ tầng và công trình có ích cho cộng đồng.

Việc điều chỉnh, quy hoạch đô thị, và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cần đảm bảo bảo vệ tài nguyên môi trường như đất, nước và không gian xanh. Thực hiện cơ chế và chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng sạch và giảm ô nhiễm môi trường.

Cần phát triển chiến lược thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời xây dựng quy hoạch phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ xanh.

Để thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế xanh, cần tăng cường năng lực quản lý và đào tạo cán bộ, chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, tài chính, quản lý đô thị và môi trường.

Có sự tham gia và góp ý của cộng đồng trong quá trình định hình chính sách và quyết định về phát triển kinh tế xanh, nhằm tạo lòng tin và sự ủng hộ từ dân cử tri và người dân.

Áp dụng các giải pháp phát triển kinh tế xanh đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và ngành chức năng trong việc thực hiện và giám sát các chính sách và dự án.

Trong quá trình thực hiện, cần xây dựng các cơ chế đánh giá và theo dõi hiệu quả của các giải pháp đã áp dụng, để điều chỉnh và cải thiện chúng theo thời gian, đồng thời học hỏi từ các thành công và thất bại.

3 lợi ích của việc phát triển nền kinh tế xanh

Phát triển nền kinh tế xanh giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái. Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và công nghệ sạch giúp giảm khí thải nhà kính và ô nhiễm không khí, đồng thời giảm sử dụng tài nguyên tự nhiên và chất thải.

Phát triển nền kinh tế xanh tạo ra cơ hội kinh doanh mới, khuyến khích sự đổi mới công nghệ và tạo ra việc làm. Các ngành công nghiệp xanh, như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và công nghệ xanh, mang lại lợi ích kinh tế và sự cạnh tranh cho các quốc gia và địa phương.

Ngoài ra, phát triển nền kinh tế xanh còn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc tạo ra môi trường sạch đẹp, cung cấp dịch vụ công cộng tốt hơn và tạo ra cơ hội việc làm.

Đặng Đức Thành

Chủ tịch CLB Các nhà kinh tế (VEC)

Top