Người trẻ nên làm gì trên mạng xã hội?

30/10/2019 9:00 AM

(Chinhphu.vn) - Tại tọa đàm “Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội” do báo Tiền Phong và Trường Đại học Mở TPHCM tổ chức vào ngày 29/10, nhiều chuyên gia cho rằng người trẻ cần tỉnh táo trong việc chọn lọc, chia sẻ thông tin để tránh những hệ lụy đáng tiếc.

Ngoài mặt tích cực, cũng cần nhiều những nghiên cứu cụ thể về tác động đa chiều của mạng xã hội để hạn chế những ảnh hưởng xấu lên người dùng đặc biệt là giới trẻ.

Mạng xã hội đang bộc lộ nhiều khuyết điểm

Với dân số hơn 96 triệu người và tỉ lệ đô thị hóa là 35%, lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam năm 2018 đạt 64 triệu người dùng, chiếm 67%. Nếu chỉ xét riêng về mạng xã hội Facebook, Việt Nam xếp thứ 7 trong số các quốc gia có người dùng, với 59 triệu người dùng vào tháng 7/2018. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, tại Việt Nam đã xuất hiện thêm nhiều mạng xã hội khác do chính các đơn vị trong nước cung cấp… Trong đó, đáng chú ý là lượng người trong độ tuổi đi học tham gia mạng xã hội quá lớn, với hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cùng hàng triệu học viên ở nhiều hệ đào tạo khác nhau.

Bên cạnh các mặt tích cực của mạng xã hội mà ai cũng biết thì việc sử dụng mạng xã hội một cách vô tội vạ đang đặt người dùng vào nhiều tình huống tiềm ẩn rủi ro. Vì muốn thể hiện bản thân, gây sốc câu like, câu view, nhiều người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là bạn trẻ đã không lường trước được các hệ lụy có thể xảy ra cho bản thân cũng như cộng đồng.

Mới đây, một nghệ sĩ nổi tiếng kêu gọi cộng đồng mạng đến bạo hành người cha có hành vi đánh con, khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc. Sau đó, nghệ sĩ này phải lên mạng xin lỗi. Hay trước đó, nhiều bạn trẻ phải nhận hậu quả khi khiêu khích đám đông trên mạng, điều vô cùng nguy hiểm mà không ít người đã và đang vô tư mắc phải chỉ vì… muốn nổi tiếng.

Ngoài ra, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra chỉ vì bị uy hiếp công khai trên mạng xã hội khiến không ít chuyên gia đặt ra câu hỏi: “Liệu người trẻ có chịu trách nhiệm trước những phát ngôn, chia sẻ hay bình luận của mình trên thế giới ảo?”.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, điều đáng lo ngại hiện nay là xuất hiện quá nhiều “thẩm phán” trên không gian mạng. Luật sư Chánh nêu lên một số vụ việc thực tế khi cư dân mạng vô tư phán xét trên mạng xã hội dù sự việc đang được các cơ quan chức năng xử lý. Khi sự việc đã rõ ràng thì những người thích “ném đá” đó thản nhiên quay lưng không một lời xin lỗi nạn nhân và gia đình… Hiện nay luật pháp đã có những quy định, chế tài xử lý những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, hành vi bịa đặt, vu khống nhưng chế tài pháp luật vẫn chưa theo kịp thực tiễn. “Cụ thể là những mức phạt vẫn còn quá nhẹ so với hậu quả gây ra cho bị hại, từ đó không đủ sức răn đe. Còn chế tài về hình sự thì hiện nay vẫn còn rất khó xử lý bởi quy định còn chung chung và chưa có hướng dẫn cụ thể”, Luật sư Nguyễn Đức Chánh tâm tư.

Sử dụng mạng xã hội sao cho an toàn

Theo Thiếu tá, TS. Xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân, khi tham gia vào mạng xã hội sẽ tạo ra cho con người những cảm giác thỏa mãn, tạo nên giá trị ảo, ganh tỵ, ném đá… Và việc quá hiếu kỳ, tò mò có thể khiến không ít facebooker tự cho mình quyền xâm phạm đời tư của người khác dẫn đến nhiều hành vi lệch chuẩn, thậm chí bị bệnh hoang tưởng. Khi đó, người sử dụng mạng xã hội đã để lại những hậu quả vô cùng to lớn, trong đó nguy cơ vi phạm Luật An ninh mạng.

BS Hồ Nhật Quang, chuyên gia huấn luyện trị liệu thì cho rằng thực tế hiện này nhiều bạn trẻ đang tải trên mạng xã hội nhiều vấn đề rất tiêu cực: “Trong quá trình điều trị cho nhiều bệnh nhân, khi xem các nội dung họ đăng tải trên mạng xã hội tôi có thể biết họ đang gặp vấn đề gì. Mạng xã hội như một công cụ bạn chia sẻ cảm xúc của mình, nhưng chúng ta phải thật sự hiểu được những gì mà bản thân đang làm để không ảnh hưởng đến ai. Bạn cần xây dựng cho mình một lối sống tích cực, lạc quan thì mới chia sẻ những điều tích cực lên mạng xã hội.”.

Trong khi đó, Ths. Tâm lý Lê Thị Hằng, Trưởng bộ môn Tâm lý - Khoa Du lịch và Việt Nam học Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận định, mạng xã hội là nơi để cộng đồng kết nối quan hệ, cũng là yếu tố giúp con người xích lại gần nhau hơn trong nhịp sống hối hả hiện nay. “Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận và tự đặt câu hỏi với những điều đã và đang chứng kiến khi có một bộ phận giới trẻ đang sử dụng mạng xã hội có phù hợp với văn hóa ứng xử của lứa tuổi các em hay không và nó ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý và sự phát triển nhân cách của giới trẻ?”, bà Hằng chia sẻ. Vì giới trẻ ngày càng muốn thể hiện xu hướng của cá nhân thông qua văn hóa ứng xử trên mạng xã hội nên theo bà Hằng ai cũng nên cẩn trọng với cách bình luận, like, hay chia sẻ trên mạng. Bởi một lời chê bai, bình luận ác ý thì dù vô tình cũng có thể làm tổn thương sâu sắc đến tâm lý của một người nào đó mà chúng ta không hề quen biết. Những lời khen ngợi, động viên, cổ vũ cũng có thể là một liều thuốc tinh thần giúp cho giới trẻ thấy tự tin và sống lạc quan hơn.

TS. Tâm lý Đào Lê Hòa An (Giám đốc chiến lược Trung tâm Ứng dụng Khoa học Tâm lý và Hướng nghiệp 4.0) thì khuyến cáo người trẻ nên trang bị những kỹ năng cần thiết để xử lý thông tin và đánh giá tác động của mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay. Khi nhu cầu thể hiện bản sắc cá nhân của người trẻ quá lớn mà khả năng không đáp ứng được, nhiều người trẻ tìm những cách thể hiện mình trên mạng xã hội lệch lạc là điều dễ hiểu. Vậy nên, muốn tránh những hệ lụy đáng tiếc, theo TS. An, bạn trẻ nên có mục đích, mục tiêu sử dụng mạng xã hội rõ ràng và nên quan tâm đến chất lượng mỗi cú click chuột để like hay chia sẻ những thông tin trên trang cá nhân.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để tạo dựng hình ảnh trên mạng xã hội, bạn trẻ cần thông minh trong tiếp cận thông tin và khéo léo trong việc chia sẻ, bình luận. Điều này phụ thuộc nhiều vào kiến thức nền xã hội, kỹ năng xử lý thông tin, giải quyết vấn đề./.

Gia Mỹ

Top