Nhà nghiên cứu Daria Mishukova: Doanh nhân Việt Nam dần có tiếng trên thế giới

13/10/2019 10:12 AM

(Chinhphu.vn) - Một số doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phủ của thế giới, đang cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, những vấn đề về thương hiệu Việt và sự phát triển bền vững cũng đang được đặt ra để tăng tốc nền kinh tế đất nước.

Xung quanh câu chuyện về kinh tế Việt Nam và các doanh nhân người Việt, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu, nhà Đông phương học người Nga Daria Mishukova.

Nhà nghiên cứu, nhà Đông phương học người Nga – Daria Mishukova. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Thưa bà, là người rất am hiểu đặc điểm kinh tế, văn hóa, du lịch và con người Việt Nam, từng được Bộ VH-TT&DL Việt Nam chọn là đại sứ du lịch Việt Nam tại Nga, xin bà cho biết một số đánh giá về đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay?

Daria Mishukova: Thành tựu của kinh tế Việt Nam có sự đóng góp quan trọng của các doanh nhân Việt. Daria tham gia nhiều Hội nghị của Hiệp hội doanh nhân Việt Nam, các sự kiện Forbes Vietnam, Top100 Phong cách Doanh Nhân, cũng có dịp đồng hành trong các hoạt động xã hội, từ thiện. Đại đa số doanh nhân Việt mà Daria gặp đều là những người với những nét như sau: rèn luyện tư duy tích cực, dành nỗ lực để xây dựng uy tín trong ngành, phát triển kinh doanh lên tầm cao mới và tạo giá trị trong công động, biết học hỏi từ người đã đi trước và từ kho báu kinh nghiệm quốc tế, và đặc biệt có lòng tự hào về đất nước Việt Nam. Trong sự thành công của nhiều doanh nhân và thương hiệu Việt Nam thời gian qua thì những giá trị nói trên có vai trò quan trọng của họ.

Theo Daria, giới doanh nhân Việt có một số nét thú vị, mang tính chất tiêu biểu Việt Nam, mà ít phổ biển ở các nước khác. Trong hoạt động vui chơi giải trí, doanh nhân Việt mang lại phong cách showbiz: doanh nhân hát, doanh nhân khiêu vũ. Trong bữa tiệc doanh nhân Việt, việc các anh chị TGĐ, GĐ lên sân khấu biểu diễn là một điều không thể thiếu được. Đối tác nước ngoài thường ngạc nhiên, nhưng thấy đó là một nét thú vị.

Bà có đánh giá thế nào về tư duy kinh doanh của các doanh nhân người Việt. Kinh tế Việt Nam đang thiếu các doanh nhân trong lĩnh vực nào, vì sao? 

Trong những năm qua, Việt Nam tiếp tục đạt được những mục tiêu kinh tế về kim ngạch XNK, tăng trường GDP,… Đương nhiên, một số lĩnh vực có nhịp độ tăng trưởng nhanh, một số ngành phải đối phó nhiều thách thức. Doanh nhân Việt Nam biết nắm bắt cơ hội, khi cần thiết biết thay đổi nhanh. Bên cạnh đó, theo nhận xét của Daria, việc phát triển nhân sự và đặc biệt duy trì tiêu chuẩn chất lượng là một trong những điểm nhạy cảm, nên tiếp tục dành sự chú ý.

Theo bà, Việt Nam đã có thương hiệu đặc thù, có tính phổ biến, dễ nhận biết trên thế giới và ở các nước hay chưa ?

Theo Daria ở Việt Nam có nhiều sản phẩm trong phân khúc thị trường khác nhau được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích, rất xứng đáng với tên gọi danh dự “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Khi ở Việt Nam, Daria cũng thích mua những sản phẩm đó và thấy hài lòng về chất lượng. Có không ít nhãn hiệu có vị thế và uy tín trên thị trường nội địa, nhưng ít khi ra quốc tế, hoặc nói chính xác hơn là ít khi được người tiêu dùng quốc tế nhận biết rộng rãi.

Người tiêu dùng Việt Nam có lòng tin với các sản phẩm sản xuất tại Mỹ, Nhật Bản, Úc, các nước EU, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan. Đối với hàng xuất sứ từ Trung Quốc, ngược lại có ý kiến chung chung là chất lượng không cao. Giữa hai cực: hàng Nhật Ban chất lượng cao và hàng Trung Quốc chất lượng thấp, người tiêu dùng trên thế giới không biết rõ hàng Việt Nam nằm ở đâu trong cuộc cạnh tranh ấy. Chưa nói đến một nghịch lý trong thời đại công nghệ thông tin, khi vẫn gặp người hỏi: “Việt Nam đã khôi phục sau chiến tranh chưa? Đi du lịch có an toàn không?”. 

Hơn nữa hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt tiêu đen từ Việt Nam, đã trong hơn 30 năm chính thức nằm trong danh sách TOP 3 về xuất khẩu trên thị trường thế giới, nhưng người tiêu dùng quốc tế lại không biết đến Việt Nam, trong khi đã xuất xứ từ Việt Nam.

Thực tế này chỉ rõ khối lượng công việc mà Việt Nam phải làm trong tương lai để thương hiệu Việt Nam được nhận biết và có vị thế trên thế giới.

Là một doanh nhân nước ngoài, từ góc nhìn văn hóa bà có đánh giá gì về việc Việt Nam lựa chọn một ngày đặc biệt là 13 tháng 10 hàng năm để kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam. Ý nghĩa của ngày này có tác động thế nào đến các doanh nhân và cả xã hội?

Ngày 13/10 được chọn là ngày Doanh Nhân Việt Nam vì đó chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 13/10/1945). Nhiều thế hệ người Việt Nam có lòng yêu thương với Bác Hồ, do đó việc lấy lời nói của Bác về việc xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng là một cơ sở rất hợp lý.

Theo Daria, người Việt Nam rất thích các loại lễ hội, đầu thế kỷ XXI thêm Ngày doanh nhân Việt Nam vào danh sách lễ hội ngành nghề thì người Việt Nam sẵn sàng ăn mừng: tổ chức bữa tiệc, tặng và nhận quả, hoa.

Ở nước Nga cũng có Ngày Doanh nhân, nhưng không phổ biến lắm, hình như giới doanh nhân thích hơn nhưng lễ hội theo ngành nghề.

Là nhà nghiên cứu, đồng thời là một doanh nhân, bà từng có hoạt động kinh doanh nào ở Việt Nam không và chị nhận thấy cơ hội nào ở đất nước đang phát triển như Việt Nam?

Ở Việt Nam, Daria làm việc trong lĩnh vực tư vấn phát triển chiến lược, phát triển kinh doanh, quảng bá thương hiệu và marketing. Bên cạnh đó, công việc nghiên cứu văn hóa cũng đã giúp Daria có hiểu biết sâu rộng về tâm lý dân tộc Việt Nam, qua đó giúp mình có cơ sở làm kết luận chính xác về các phân khúc thị trường khác nhau, giao tiếp với đối tác đa quốc tế, đưa ra những quyết định sáng tạo và chuyên nghiệp, đề xuất những chiến lược phát triển hiệu quả và mang lại thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn bà!

ThS.NB Nguyễn Thành Luân (thực hiện)

Top