Nhiều khó khăn được doanh nghiệp FDI kiến nghị tháo gỡ

20/08/2021 6:29 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 20/8, UBND TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến “TPHCM đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19”.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị. Đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI tiêu biểu tham dự.

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Thành phố đang ở trong giai đoạn khó khăn do tình hình dịch COVID-19 chuyển biến vô cùng phức tạp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và cả nông nghiệp đều bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp, trong đó có DN FDI gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông là rất lớn nếu không có những giải pháp ứng phó toàn diện, mạnh mẽ, kịp thời.

Tại hội nghị, các hiệp hội DN FDI đã nêu hàng loạt vướng mắc, khó khăn: Cần điều chỉnh mô hình “3 tại chỗ”, bổ sung thêm các phương thức như cho phép người lao động được luân chuyển và kiểm soát bằng cách test PCR trước khi người lao động vào, ra nhà máy hoặc những giải pháp khác linh hoạt hơn cho phù hợp để áp dụng lâu dài; kiến nghị cho phép các đơn vị tư nhân được triển khai tiêm vaccine và tự test nhanh COVID-19 cho nhân viên; các kiến nghị liên quan đến chính sách thuế, thủ tục xuất nhập khẩu, vaccine… nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Công ty Intel Products Việt Nam cho biết, từ khi TPHCM bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đến nay, nhà máy Intel đã áp dụng phương án “1 cung đường 2 địa điểm”, bố trí chỗ ở cho gần 1.870 lao động trực tiếp và khoảng 1.500 lao động gián tiếp từ các nhà thầu lưu trú tập trung tại rất nhiều khách sạn. Chi phí phát sinh tạm tính từ 15/7-15/8 hơn 140 tỷ đồng. Nếu tính tới 15/9 khoản chi phí này không phải là gấp đôi mà sẽ lớn hơn rất nhiều. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới ngân sách và kế hoạch sản xuất của công ty trong dài hạn.

Hiện nay nhà máy Intel Việt Nam đang đảm nhận vai trò trụ cột trong chuỗi cung ứng sản phẩm vi mạch bán dẫn cho nhiều khách hàng trên thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Intel Việt Nam đạt 64% tổng giá trị xuất khẩu cả khu công nghệ cao và khoảng 30% giá trị xuất khẩu của cả TPHCM.

Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Công ty Intel Products Việt Nam. Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM

Tương tự, đại diện một doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao TPHCM cũng cho biết đang thực hiện phương án “1 cung đường, 2 địa điểm” cho khoảng 2.500 lao động, chủ yếu tại các khách sạn trong trung tâm Thành phố. Các chi phí phát sinh cho việc thực hiện phương án này rất lớn, trung bình mỗi ngày khoảng 4 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động dưới 30% nên doanh thu xuất khẩu giảm khoảng 60 triệu USD.

Và cũng do hoạt động của công ty ở quy mô rất hạn chế như vậy nên công ty đã không thực hiện được đúng hạn giao hàng đến khách hàng và hiện đã có một số khách hàng chuyển các đơn hàng sang nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ. Số lượng đơn hàng mà công ty mất trị giá khoảng 200 triệu USD. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài công ty có thể phải cho thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam.

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Công ty AEON Việt Nam đề xuất xem xét lùi thời hạn nộp bảo hiểm xã hội và y tế từ 3-6 tháng và áp dụng trong 6 tháng trở lên để giúp DN có đủ nguồn lực hỗ trợ tài chính tạm thời cho nhân viên, duy trì sản xuất kinh doanh trong thời gian dịch bệnh.

Đồng thời, kiến nghị tối ưu và đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, để đẩy nhanh hoạt động xuất nhập khẩu của các DN FDI trong đó có AEON, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19 khi nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, lượng hàng cần nhập khẩu theo đó cũng tăng cao.

Về phía các hiệp hội, theo Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Thành phố cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi người lao động và cho DN sản xuất; khi doanh nghiệp có F0 thì quy định tạm ngừng hoạt động với thời gian ngắn.

Trong khi đó, Hiệp hội Thương mại châu Âu cũng đề xuất điều chỉnh mô hình “3 tại chỗ” cho phù hợp hơn; đơn giản hoá các thủ tục hải quan để thông quan nhanh thuốc và các hàng hóa phục vụ ngành y tế; đề nghị cho phép lưu thông, vận chuyển hàng hoá không nằm trong danh sách cấm lưu thông theo tinh thần công văn 4482 của Bộ Công Thương trên cơ sở đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ thủ tục xin cấp thị thực và giấy phép lao động cho người nước ngoài, đặc biệt là trường hợp tái nhập cảnh của các chuyên gia.

Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore đề xuất miễn giảm thuế và các chi phí liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp; thống nhất tiêu chuẩn về kết quả xét nghiệp COVID-19 và quy định về hiệu lực thời gian xét nghiệm giữa TPHCM và tất cả các tỉnh, thành.

Ngoài ra, vấn đề tiêm vaccine cho người lao động cũng được nhiều DN FDI đề cập tại hội nghị. Theo công ty Intel Việt Nam, TPHCM nên tạo điều kiện cho phép người lao động đã được tiêm vaccine mũi 1 và đang lưu trú tại vùng xanh được đi làm theo phương án “2 tại chỗ”. Đây sẽ là phương án lâu dài, giúp DN giảm bớt chi phí và người lao động dần ổn định tâm lý và sức khỏe khi trở về nhà sau giờ làm, tác động tốt đến năng suất lao động.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM

Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của DN, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, ngay từ đầu đợt dịch lần thứ 4 này, Thành phố đã thành lập tổ công tác, tập hợp ý kiến báo cáo Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho DN. Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, trong đó có nhóm giải pháp về “3 tại chỗ”.

Theo ông Phong, TPHCM luôn mong muốn người lao động và hoạt động sản xuất của DN được an toàn. Tuy nhiên, dịch bệnh lần thứ 4 này do biến chủng Delta lây quá nhanh, tác động quá mạnh nên ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất. DN trên địa bàn Thành phố có đặc điểm rất riêng khác các địa phương, đó là công nhân sống ở nhiều địa bàn, nếu có trường hợp bị lây nhiễm không được phản ánh kịp thời, mầm bệnh tiếp tục lây cho công nhân khác và lại quay trở về lây cho địa bàn. Vì vậy, Thành phố mới áp dụng biện pháp “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”.  Tuy nhiên việc áp dụng này đã đẩy chi phí của doanh nghiệp tăng nhanh, một số doanh nghiệp khó áp dụng…

Hiện Thành phố đã đưa ra 4 phương án nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động trở lại của DN.  “TPHCM cho phép doanh nghiệp FDI nói riêng và doanh nghiệp của Thành phố nói chung được sáng tạo các phương án khác, ứng dụng linh hoạt các biện pháp miễn sao phù hợp với doanh nghiệp và bảo vệ được sức khỏe người lao động, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất an toàn”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thành Phong, để tạo điều kiện cho nhiều DN hoạt động trở lại, Thành phố đã đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho công nhân, người lao động. Hiện nay, có 85% người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã được tiêm vaccine mũi 1. Sắp tới, Thành phố cũng đã có kế hoạch chuẩn bị tiêm mũi 2 cho số 85% cho lao động tiêm lần 1 và tiêm cho 15% công nhân chưa tiêm mũi 1.

TPHCM mong muốn các DN có vốn đầu tư nước ngoài đặt niềm tin vào công tác chống dịch COVID-19 của Việt Nam và tiếp tục đồng hành với Thành phố trong tình hình khó khăn do dịch bệnh gây ra, để cùng nhau vượt qua giai đoạn này, Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ.

Băng Tâm

Top