Nỗ lực lớn, TPHCM đạt nhiều kết quả trong cải cách hành chính

19/07/2019 8:00 AM

(Chinhphu.vn) - Với việc quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, TPHCM luôn nằm trong Tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính. Tuy nhiên, Thành phố vẫn không ngừng nỗ lực tìm các giải pháp, mô hình mới để cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho người dân.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Huyền Trâm

Ngày 18/7, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với các điểm cầu tại Trụ sở UBND Thành phố và các sở ban ngành, UBND các quận, huyện.

Ứng dụng CNTT là trọng tâm của cải cách hành chính

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý Nhà nước, coi đây là khâu đột phá quan trọng, giúp cải thiện, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, điều hành, tạo thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong giải quyết TTHC, là cơ sở để xây dựng chính quyền điện tử, tiến đến xây dựng và triển khai đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Để cụ thể hoá chủ trương này, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đã triển khai thử nghiệm mô hình “Phòng họp không giấy”, cung cấp các tài liệu, nội dung chương trình dưới dạng số hoá và được chuyển đến các đại biểu để nghiên cứu trước cuộc họp; các ý kiến, biểu quyết cũng được thực hiện trên môi trường điện tử nhằm nâng cao chất lượng cuộc họp, tiết kiệm kinh phí, rút ngắn thời gian.

Với mô hình "Ứng dụng giao việc tức thời và nhắc việc thông minh", Chủ tịch UBND Thành phố kỳ vọng đây sẽ là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu quả quản lý và đôn đốc công việc các cấp. Với ứng dụng này, lãnh đạo các cấp sẽ có thêm một trợ lý giúp thống kê, phân loại, lên lịch công việc và nhắc việc tự động một cách chính xác.Với nhân viên, hệ thống trả về và sắp xếp lịch công việc một cách hiệu quả, nhắc nhở công việc đến hạn giúp năng suất lao động tăng lên nhiều lần so với trước.

Tại Hội nghị, Thượng tá Nguyễn Đức Nghiệm, Phó trưởng Phòng quản lý xuất nhập cảnh, Công an TPHCM cũng đánh giá công nghệ thông tin là công cụ hết sức hiểu quả, giúp giảm thời gian, chi phí, nhân lực, “hiện một ngày chúng tôi tiếp đón 2.000 lượt người, nếu không có công nghệ, không thể đáp ứng được”.

Theo Thượng tá Nghiêm, người dân chỉ cần đến cơ quan công an một lần duy nhất và cũng chỉ cần mang theo chứng minh thư để thực hiện thủ tục làm mới hoặc đổi hộ chiếu, có 25 máy tính được bố trí để kê khai tại chỗ, hoặc có thể khai trực tuyến trên điện thoại mọi lúc, mọi nơi.

“Chúng tôi đã triển khai ứng dụng công nghệ đọc mã vạch 2 chiều Qrcode và sử dụng máy quét tờ khai tốc độ cao thực hiện quét tờ khai cấp, đổi hộ chiếu phổ thông đối với những trường hợp người dân đã khai trực tuyến. Theo đánh giá tính hiệu quả của mô hình này đã giúp cán bộ tăng năng suất lên 20% và giảm nhân lực tại bộ phận xử lý lên đến trên 40%, chỉ cần 1 cán bộ thay vì 3-4 người như trước đây”, ông Nghiêm thông tin.

Công an Thành phố cũng đang đề xuất áp dụng dịch vụ công mức độ 4 cho thủ tục cấp hộ chiếu, người dân chỉ cần kê khai qua mạng, scan ảnh, chuyển lệ phí qua ngân hàng, nhận hộ chiếu tại nhà.

Tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ sao y tại nhà, chỉ trong 1 giờ

Một mô hình đáng chú ý, cần được nhân rộng là “Tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ sao y tại nhà dân” chỉ trong 1 giờ của UBND Phường 3, Quận 11. Theo bà Nguyễn Thị Mai Khanh, Chủ tịch UBND Phường 3, từ tình hình thực tế nhu cầu của người dân về giao dịch hồ sơ sao y các loại giấy tờ trên địa bàn phường khá nhiều, 22.216 hồ sơ sao y chứng thực năm 2018. Nhưng có đến 20% số hồ sơ nhận được do bận công việc không có thời gian đến liên hệ giải quyết TTHC.

Để thuận lợi cho người dân, bộ phận một cửa của Phường quyết định triển khai mô hình này với những bước thực hiện đơn giản. UBND phường tiếp nhận yêu cầu sao y của người dân qua điện thoại.

Sau đó, cán bộ phụ trách sẽ xuống tận nhà người dân nhận hồ sơ (bản chính bản photo nếu có) và tiếp nhận các yêu cầu khác của người dân, thực hiện các thủ tục có liên quan.

Kết quả hồ sơ sao y sẽ được gửi trả tại nhà dân trong 1 giờ (kể từ khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ). Người dân nộp lệ phí sao y, phí photo (nếu có) theo quy định và đánh giá sự hài lòng vào phiếu đánh giá.

Sau 6 tháng triển khai thực hiện, phường đã tiếp nhận 111 bản hồ sơ, tất cả đều được hoàn trả tại nhà trong 1 giờ.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Huyền Trâm

Giải pháp giảm hồ sơ nhà đất trễ hẹn

Trước thực trạng nhiều hồ sơ nhà đất trễ hẹn gây bức xúc trong nhân dân, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, hiện tỷ lệ hồ sơ trễ hạn tại hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố trong 6 tháng đầu năm là khoảng 10%. Phần lớn thuộc trường hợp hồ sơ ký mới giấy chứng nhận phải chuyển về Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố.

Theo ông Thắng, hiện nay, hồ sơ nhà - đất của hộ gia đình, cá nhân khi muốn cấp mới Giấy chứng nhận hoặc cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận phải chuyển qua nhiều đơn vị, việc luân chuyển mất rất nhiều thời gian. Cụ thể: Hồ sơ do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện tiếp nhận, kiểm tra, thụ lý, sau đó gửi Bưu điện Thành phố vận chuyển đến Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố kiểm tra, Ban giám đốc ký Giấy chứng nhận, chuyển lại Bưu điện vận chuyển về Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện kiểm tra nghĩa vụ tài chính, cho số vào sổ, ghi ngày tháng năm, lưu trữ và phát hành. Quy trình quá nhiều bước dẫn đến hồ sơ loại này thường trễ hạn, chiếm trên 60%, khoảng 20.000 hồ sơ.  

Để giải quyết tình trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất, trình phê duyệt quy định phân cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường ủy quyền cho Giám đốc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận - huyện được ký Giấy chứng nhận theo quy định.

Nếu thực hiện được sẽ rút ngắn thời gian giải quyết khoảng 10 ngày, giảm áp lực hồ sơ chuyển về Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố. Tiết kiệm chi phívận chuyển hồ sơ, ước tính khoảng 2 tỷ đồng/năm. Bảo đảm tỷ lệ 60% hồ sơ trễ hạn được giải quyết đúng hạn, tăng sự hài lòng của người dân.

Bên cạnh đó, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thông tin, Sở đang triển khai mô hình liên thông thuế điện tử giữa cơ quan tài nguyên và môi trường với cơ quan thuế.

“Mô hình giúp rút ngắn quy trình từ 9 bước xuống còn 2 bước, quy định cụ thể thời gian giải quyết hồ sơ ở mỗi đơn vị không quá 5 ngày thay vì không xác định thời gian như trước đây. Nhân sự thực hiện hồ sơ chỉ còn 1 lãnh đạo và 1 cán bộ thụ lý; cán bộ thụ lý hạn chế tiếp xúc dân, yêu cầu bổ sung. Từ đó, giảm chi phí, thời gian cho người dân. Đồng thời bảo đảm tính công khai, minh bạch trong công tác hành chính”, ông Thắng cho biết.

Trên cơ sơ triển khai tại Quận 12, Sở đã mở rộng thêm Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Quận 1. Theo kế hoạch trong tháng 9 năm 2019 dự kiến tiếp tục đối với các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Quận 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Bình Tân và huyện Bình Chánh, tiến tời đồng bộ cho tất cả hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố trong năm 2020.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai HCM.Lis, trong đó có ứng dụng về việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên phần mềm (hồ sơ số).

Phần mềm HCM.Lis đã được Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thí điểm tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Quận 1 và Quận 12, đáp ứng được các yêu cầu trong công tác quản lý, cập nhật, khai thác sử dụng cơ sơ dữ liệu địa chính, chia sẻ thông tin đất đai cho các ngành có liên quan; khắc phục được những hạn chế và kế thừa phần mềm VILis trước đây, phù hợp với cấu trúc dữ liệu theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường... ứng dụng, khai thác các tiện ích cho người quản lý và người sử dụng.

Thu Lê

Top