Phối hợp tuyên truyền Luật Cư trú trên địa bàn TPHCM

22/04/2024 1:21 PM

(Chinhphu.vn) - Công an TPHCM vừa có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Báo chí Thành phố và các cơ quan báo, đài đề nghị phối hợp tuyên truyền Luật Cư trú trên địa bàn Thành phố.

Phối hợp tuyên truyền Luật Cư trú trên địa bàn TPHCM- Ảnh 1.

Thiếu tướng Trần Đức Tài kiểm tra thực tế việc triển khai thực hiện Luật Cư trú 2020 tại Công an Phường 8, quận Phú Nhuận - Ảnh: Công an TPHCM

Nhằm đảm bảo việc triển khai có hiệu quả Luật Cư trú năm 2020 và Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây, Công an TPHCM đề nghị các đơn vị liên quan và các cơ quan báo chí trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Công an TPHCM đề nghị tăng cường tuyên truyền các nội dung liên quan đến xóa đăng ký thường trú theo Luật Cư trú năm 2020, đặc biệt là người dân cần làm gì để không bị xóa đăng ký thường trú.

Theo Công an TPHCM, căn cứ khoản 1, Điều 24 Luật Cư trú năm 2020, người thuộc một trong những trường hợp sau bị xóa đăng ký thường trú:

a. Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;

b. Ra nước ngoài để định cư;

c. Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú quy định tại Điều 35 của Luật này;

d. Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

đ. Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

e. Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thưởng trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

g. Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thưởng trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

h. Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thưởng trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó;

i. Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

Do đó, để không bị xóa đăng ký thường trú, Công an TPHCM đề nghị người dân chấp hành đúng nghĩa vụ công dân về đăng ký cư trú, trong đó cần lưu ý:

- Khi có thay đổi về nơi sinh sống, công dân phải đến cơ quan công an phường, xã, thị trấn tại nơi sinh sống mới để thực hiện đăng ký cư trú theo đúng quy định của pháp luật.

- Công dân vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên phải đến cơ quan công an phường, xã, thị trấn nơi thường trú để thực hiện khai báo tạm vắng trừ trường hợp đã đến cơ quan công an phường, xã, thị trấn tại chỗ ở mới để đăng ký tạm trú.

Cũng theo Công an TPHCM, người dân khi có thắc mắc liên quan đến đăng ký thường trú, đăng ký cư trú liên hệ với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TPHCM qua số điện thoại: 0693187111; hoặc liên hệ công an phường, xã, thị trấn nơi cư trú để được hướng dẫn.

Ngọc Tấn

Top