Quy hoạch, cung cấp hạ tầng: Yêu cầu cấp thiết để phát triển ngành dịch vụ

04/07/2019 7:28 AM

(Chinhphu.vn) - Muốn duy trì và thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ TPHCM, việc bảo đảm phát triển hạ tầng phù hợp cho ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và bền vững là yêu cầu cấp thiết.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Lê

Chiều ngày 3/7, UBND TPHCM tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển dịch vụ của Thành phố Hồ Chí Minh và định hướng quy hoạch, phát triển hạ tầng dịch vụ của Thành phố giai đoạn 2020 - 2030”. 

TPHCM là trung tâm kinh tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Trong những năm qua, thành phố đã luôn kiên trì, sáng tạo và phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Ngành dịch vụ được xem là mũi nhọn phát triển chiến lược của thành phố với 9 nhóm ngành chính, gồm: tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học công nghệ, y tế; giáo dục và đào tạo.

Phát biểu tại hội thảo,  Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh hơn 30 năm qua, dịch vụ luôn là ngành kinh tế lớn nhất trong cơ cấu kinh tế, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Tuy nhiên, theo ông, đầu tư và thúc đẩy ngành dịch vụ trên địa bàn TPHCM chưa đúng như tiềm năng sẵn có, đòi hỏi học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ thực tế từ các đơn vị trong và ngoài nước. Trong đó, để đón đầu cơ hội phát triển ngành dịch vụ, Thành phố cần có đề án Phát triển ngành dịch vụ và quy hoạch về hạ tầng dịch vụ của Thành phố giai đoạn 2020-2030.

Ngoài ra, một vấn đề khác quan trọng nữa là phải gắn sự phát triển dịch vụ với việc phát triển hệ thống giao thông, viễn thông, vấn đề cung cấp điện, nước và các dịch vụ đảm bảo môi trường. Thành phố cũng cần nhận thức toàn diện trong việc quy hoạch hạ tầng dịch vụ, có bước chuẩn bị chủ động nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành dịch vụ.

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Lê

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho rằng, muốn duy trì và thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ thì việc bảo đảm phát triển hạ tầng phù hợp cho ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và bền vững là yêu cầu cấp thiết. Đồng thời, trong việc hoạch định chiến lược và kế hoạch phát triển ngành dịch vụ cần những giải pháp định hướng cho ngành trong sự đồng bộ với các lĩnh vực khác.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu - Đại học Việt Đức, đã đưa ra một số gợi ý về phát triển hạ tầng dịch vụ trong quá trình tái cấu trúc vùng TPHCM. Đó là Thành phố cần phát triển các trục hướng tâm để kết nối nhanh hơn; bố trí không gian cho các nhu cầu mới, ưu tiên hệ thống phân phối (logistic) 4.0; thúc đẩy hình thành cấu trúc vùng; khuyến khích xây dựng nền tảng số và chuyển đổi số các dịch vụ; xây dựng thể chế thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác liên vùng trong lĩnh vực cảng, logistic, khu công nghiệp, xử lý chất thải và bảo vệ nguồn nước.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu thuộc Sở, ban, ngành cũng đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị cho thành phố trong việc phát triển dịch vụ, như cần tính toán quỹ đất, cơ chế chính sách giao đất, cho thuê đất để các nhà đầu tư tham gia thực hiện một cách thuận lợi. Sau khi hoàn chỉnh quy hoạch đề án cần công bố, công khai và các cơ quan nhà nước cần làm tốt vai trò kiến tạo, cũng như củng cố môi trường kinh doanh cho nhà đầu tư.

Quang cảnh Hội thảoquốc tế “Phát triển dịch vụ của Thành phố Hồ Chí Minh và định hướng quy hoạch, phát triển hạ tầng dịch vụ của Thành phố giai đoạn 2020 - 2030”. Ảnh: VGP/Thu Lê

Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan cho biết: nền kinh tế Thành phố dựa trên các ngành dịch vụ cơ bản, hiện nay đang tiếp tục chuyển dịch và gia tăng mạnh mẽ hơn. Do đó, quy hoạch và cung cấp hạ tầng dịch vụ là một bài toán mang tính tổng thể. Ông còn cho rằng sự liên kết giữa các ngành với nhau sẽ chặt chẽ, hiệu quả hơn khi gắn liền với việc ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch chung xây dựng phải gắn liền với quy hoạch từng ngành và gắn chặt với quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phát triển giao thông, quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin. Đặc biệt là cần phải xây dựng một kế hoạch sử dụng đất hợp lý.

Bên cạnh đó, do nguồn lực Nhà nước là có hạn nên cần xã hội hóa một cách mạnh mẽ để huy động các nguồn lực từ trong dân, từ doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, cần phải có một cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa, có những chính sách ưu đãi về đất đai, về thuế, về lĩnh vực đầu tư, xây dựng… kể cả những vấn đề liên quan đến tổ chức, quản lý và vận hành các cơ sở vật chất mà người dân, doanh nghiệp đầu tư có liên quan đến đất công của nhà nước.

Huyền Trâm

Top