Sài Gòn Guiness

18/06/2011 1:35 AM

Continental: Khách sạn cổ nhất TP. HCM

Là một trong năm địa điểm của TP. HCM được công nhận di tích lịch sử, Khách sạn Continental tọa lạc ở góc ngã tư Công trường Quốc tế - Đồng Khởi. Cổng chính hướng ra đường Đồng Khởi gồm hai số 132 - 134. Khách sạn được xây dựng vào năm 1880, do kiến trúc sư người Pháp thiết kế, và mang tên Continental ngay từ những ngày đầu. Sau ngày giải phóng miền Nam, có thời gian khách sạn đổi tên thành Hải Âu. Đến 1989, khi được chỉnh trang, nâng cấp khách sạn đã lấy lại tên cũ. Continental có diện tích tổng thể 3.430m2, cao 3 tầng. Tuy số phòng không lớn, song diện tích mỗi phòng ở đây cũng thuộc vào loại "kỷ lục", có phòng rộng 80m2 với chiều cao 4m. Nơi đây từng đón tiếp Tổng thống Pháp J. Chirac, Thống đốc bang California, người mẫu Kate Mode và nhà văn Mỹ nổi tiếng Gramham Green. Chính tại phòng 214 của khách sạn là nơi cho ra đời tác phẩm "Quiet American".

Thảo Cầm Viên, công viên lâu đời nhất TP

Tính đến tháng 3 năm 1998, Thảo Cầm Viên (TCV) đã có 134 năm tuổi. Khởi công xây dựng vào tháng 3/1864, TCV lúc ban đầu là một công viên rộng 12 ha, do Nhà thực vật học nổi tiếng người Pháp J.B.Louis Pierre sáng lập và làm Giám đốc đầu tiên. Đến năm 1865, nơi đây được mở rộng thêm 8 ha nữa, và là vườn ươm nhiều giống cây du nhập có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, ca cao, măng cụt, vú sữa, sầu riêng, xà cừ, dầu rái..., đồng thời người Pháp cũng phát triển ở đây một số vườn thú, vì vậy công viên này được đặt tên là Sở Thú. Đến năm 1924, Sở Thú được mở rộng thêm 13 ha. Năm 1956, chính quyền Sài Gòn cho tu sửa, tái thiết lại và năm 1966 đổi tên thành Thảo Cầm Viên. Từ năm 1989, TCV lại được cải tạo, mở rộng và du nhập thêm nhiều giống mới, trồng thêm một số loài cây quý. Bộ sưu tập thú của TCV hiện có đến 600 đầu thú thuộc 120 loài với tổng diện tích chuồng trại lên đến 21.352m2, ngoài ra còn có 1823 cây gỗ thuộc 260 loài và nhiều loại hoa cây kiểng quý. Năm 1990, TCV là thành viên chính thức của Hiệp hội các vườn thú Đông Nam Á, và đây cũng là một trong những công viên khoa học lớn nhất Đông dương.

Đầm Sen, công viên lớn nhất TP

Công viên Đầm Sen với tổng diện tích 54 ha, hiện đang giữ kỷ lục công viên lớn nhất TP. Ban đầu chỉ là một ao rao muống, đến năm 1985, hồ được giao về Cty dịch vụ văn hóa tổng hợp Q.11, rồi sau đó là Cty du lịch Q.11 quản lý và được đầu tư trở thành công viên vui chơi giải trí. Từ năm 90, công viên Đầm Sen đã nổi tiếng với nhiều công trình như Hòn non bộ cao 20m, bảo tàng sinh vật biển, vườn chim và nhiều thú quý hiếm. Năm 96, Đầm Sen đầu tư 10 tỉ đồng xây dựng trò chơi Monoray trên không, công trình Nhạc nước, trò chơi Vượt thác, những trò chơi hiện đại đầu tiên ở TP. Ngoài ra, còn có Nhà Xương Rồng (với 30 loại xương rồng, trong đó có loại giá trị lên đến 30 triệu/cây), Nhà hoa ôn đới (20 loại cây trong nhiệt độ 15-20oC), Vườn Nam Tú Thượng Uyển (tập họp những loại cây kiểng cổ quý giá). Trong năm 98, Đầm Sen sẽ được đầu tư thêm ba khu vui chơi hiện đại nữa: Khu trò chơi cảm giác mạnh; Khu Đầm Sen Water Park; Khu du lịch Bồng Lai... Cả ba công trình này sẽ ra mắt vào Tết Âm lịch con Mèo (1999) sắp tới. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Đầm Sen đón 4.000 - 5.000 khách đến vui chơi, ngày lễ, chủ nhật từ 15.000 - 20.000 người.

Nhà máy điện xưa nhất TP. HCM

Nhà máy điện đầu tiên được xây dựng ở Sài Gòn là nhà máy điện Chợ Quán vào năm 1896, địa chỉ tại số 8 Bến Hàm Tử, quận 5. Khởi đầu, nhà máy cung cấp điện công cộng bằng dòng điện ba pha, với công suất chưa tới 120 MW. Máy phát điện chạy bằng hơi nước, có năm lò hơi với 150m2 chứa nước luân lưu. Một máy phát chính công suất 1000 ampères/giờ chuyển động bằng vòng quay để phân phối điện bảo vệ an toàn và kiểm soát dòng điện. Hiện nay nhà máy đã được trang bị hiện đại với bảy máy phát điện, cung ứng phần quan trọng cho lưới điện TP và lưới điện quốc gia.

New World Saigon - Khách sạn lớn nhất TP. HCM

Tọa lạc tại số 76 Lê Lai, Q.1, toàn bộ khuôn viên Khách sạn New World Saigon nằm trên phần đất hình tam giác, tiếp giáp giữa ba con đường: Lê Lai, Phạm Hồng Thái và Nguyễn Thái Học. Chính thức hoạt động từ năm 1995, Khách sạn New World Saigon hiện giữ kỷ lục là khách sạn lớn nhất TP với 14 tầng, 543 phòng, trong đó có 27 suite (phòng gia đình) và 32 văn phòng kinh doanh, đầy đủ những tiện nghi hoàn hảo nhất: phục vụ thức ăn suốt ngày tại phòng, hệ thống an toàn, tivi màu, bàn làm việc, mini bar, điện thoại quốc tế trực tiếp... Ngoài ra, còn có Câu lạc bộ thể thao với hồ bơi, sân tennis, sân luyện golf. Tầng trên cùng là những phòng nghỉ cao cấp mang tên Câu lạc bộ Hoàng gia. Tại đây, ngoài những dịch vụ đặc biệt, khách có thể ngắm toàn bộ cảnh quan TP từ độ cao hơn 70m.

Ngôi đình lâu đời nhất TP

Đó là Đình Thần Chí Hòa tại 475 Đường Cách Mạng Tháng 8, P.13, quận 10. Đây là ngôi Đình dù chưa xác định được chính xác năm xây dựng, nhưng không ít người đều khẳng định Đình phải có gần 300 năm tuổi. Ngôi Đình cổ kính và lâu đời này từng được Vua Tự Đức đời thứ 5 ban sắc phong ngày 29.11 năm Nhân Tý 1852.
Nơi đây, Cụ Võ Trường Toản đã từng dạy học, ông đã đào tạo ra nhiều nhân tài cho đất nước, đến nay di bút của ông còn in sâu trên cặp Liễn treo trước chính điện Đình. Phan Xích Long cũng từng mượn Võ ca của Đình để làm nơi dạy võ chống thực dân. Đình Thần Chí Hòa trong thời kỳ chiến tranh cũng là nơi che giấu cán bộ Cách mạng hoạt động bí mật. Ngày 16.2.1997 (Âm lịch) Đình Thần Chí Hòa được Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận là di tích lịch sử Quốc gia.
Khi mới ra đời Đình Chí Hòa được làm bằng đá và trước khi được vua Tự Đức ban sắc phong đã được xây dựng lại như ngày nay. Tại Thành phố Hồ Chí Minh Đình Thần Chí Hòa được xếp hạng nhất trong tất cả các Đình hiện có và cũng đứng đầu danh sách 10 Đình Chùa cổ và lâu đời nhất của Thành phố Hồ Chí Minh.

Lê Quý Đôn: Ngôi trường cổ nhất

Trường Lê Quý Đôn được xây dựng vào năm 1874 và hoàn tất vào năm 1877. Lúc đầu trường có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ) rồi đổi tên thành Collège Chasseloup Laubat. Sau năm 1954, trường mang tên là Jean Jacques Roussean nhưng vẫn do người Pháp quản lý. Đến 1967, trường được trả lại cho người Việt Nam và trở thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Từ 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, trường mang tên PTTH Lê Quý Đôn. Trải qua hơn một thế kỷ (123 năm), kiến trúc ban đầu vẫn được giữ như xưa, gồm bốn dãy nhà cao hai tầng ghép lại có hình chữ "khẩu". Khuôn viên nguyên thủy của trường gồm cả diện tích của hai trường PTCS Lê Quý Đôn và PTTH Lê Quý Đôn, có hai cổng chính: một quay ra đường Nguyễn Thị Minh Khai và một hướng về Võ Văn Tần.
Rất nhiều cựu học sinh của trường đã trở thành những nhân vật nổi tiếng như nhà trí thức yêu nước Cao Triều Phát, học giả Nguyễn An Ninh, giáo sư sử học Trần Văn Giàu, nhà nghiên cứu dân tộc học Vương Hồng Sển và nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.

Nhà hát cổ nhất thành phố

Đó là Nhà hát (NH) Lớn (70 Đồng Khởi, Q.1).
Bắt đầu khởi công xây dựng năm 1989, với nguyên vật liệu chủ yếu từ Pháp đưa sang, phần trang trí bên trong có hoa văn gần giống như các NH lớn ở Pháp cuối TK 19. Ngày 17.1.1990: công diễn buổi đầu tiên và được gọi là Nhà hát Tây. Tại đây đã từng diễn ra buổi diễn thuyết của đại thi hào người Ấn Độ Rabindranath Tagore vào 1929. Năm 1956 được phục hồi làm trụ sở Hạ nghị viện chế độ cũ. Đến 5.1975 trở thành Nhà hát Lớn TP với 750 chỗ ngồi. Là một trong 8 công trình văn hóa chào mừng 300 năm Sài Gòn - TP. HCM, 12.1997 NH được đầu tư trùng tu sửa chữa với kinh phí 25 tỷ 150 triệu. Toàn bộ phần kiến trúc bên ngoài của NH sẽ được phục chế y như cũ, bao gồm các phù điêu, tượng thần âm nhạc, hai người đàn bà đỡ cột bằng đá cẩm thạch cao 4m, mái của NH sẽ được lợp bằng thạch bản pha kẽm. Tuy nhiên để bảo đảm yêu cầu là một NH có chất lượng, NH sẽ chỉ còn hơn 600 ghế với một hệ thống âm thanh, ánh sáng được xử lý bằng máy vi tính. Dự kiến việc trùng tu sửa chữa sẽ hoàn thành cuối 1998.

Chợ Rẫy, Bệnh viện lớn nhất TP

Xây dựng năm 1890, khởi đầu bệnh viện có tên là "Nhà thương thành phố Chợ Lớn", đến năm 1919 đổi thành "Nhà thương bản xứ Nam Kỳ". Năm 1938 BV lại đổi tên là "Nhà thương Lalung - Bonnaire". Năm 1957 sau khi sát nhập hai phòng khám Hàm Nghi và Nam Việt, BV đổi tên là Nhà thương Chợ Rẫy. Năm 1971, Nhật xây dựng nơi đây thành một BV mới hiện đại, trên diện tích 53.000m2, đến tháng 6/1974 thì hoàn thành với tên gọi và cấu trúc như hiện nay. Thời Pháp thuộc đây là BV đa khoa có số giường bệnh lớn nhất lúc đó: 647 giường. Hiện nay, đây là BV tuyến TW, cao 11 tầng, 1155 giường với 35 khoa chẩn đoán, điều trị khác nhau. Từ nay đến năm 2000, BV Chợ Rẫy còn được chọn là một trong những trọng điểm đầu tư phát triển thành Trung tâm y tế chuyên sâu phía Nam.

Thư viện lớn nhất

Đó là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. HCM (trước 1975 có tên là Thư viện Quốc gia). Thư viện khánh thành ngày 23.12.1971 và bắt đầu phục vụ người đọc vào đầu năm 72. Tổng diện tích khuôn viên 7.070m2, tiếp giáp bốn đường: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trung Trực, cổng chính số 69 đường Lý Tự Trọng. Thư viện cao 16 tầng, chia làm hai khối gần như phân biệt: Khối thứ nhất là một dãy nhà dài 71m, ngang 23m gồm tầng hầm, tầng trệt, hai lầu và một sân thượng; Khối thứ nhì nằm giữa, vuông vức và vọt lên như một ngọn tháp, có 14 tầng với chiều cao 43m dành làm kho chứa sách báo. Thư viện hiện có 500.000 đầu sách và 300.000 báo, tạp chí các loại. Năm 1997 đã có 294.248 lượt người đến tham khảo 917.834 lượt tài liệu. Ngoài việc phục vụ nhu cầu đọc sách, báo, tham khảo tài liệu... hiện nay, thư viện mở thêm dịch vụ sao chép tư liệu, tài liệu cổ và những sách báo quý hiếm theo yêu cầu độc giả.

Nhà Bảo tàng lâu năm nhất TP

Đó chính là Nhà Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên ngày nay. Ngày 24/11/1927, người Pháp cho xây dựng Viện Bảo tàng Blanchard De La Brosse trong khuôn viên Sở Thú theo thiết kế của kiến trúc sư Delaval, với kiểu kiến trúc độc đáo hơi giống tháp cung điện mùa hè Bắc Kinh. Đến năm 1956, chính quyền Sài Gòn đổi tên thành Viện Bảo tàng quốc gia Sài Gòn, trưng bày mỹ thuật của Việt Nam, Chàm, Khmer, Trung Quốc, Nhật Bản và các sắc tộc thiểu số. Năm 1970, bảo tàng được xây dựng mở rộng thêm phần phía sau một dãy nhà hình chữ U do Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế. Năm 1979, Viện bảo tàng lại được đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và tồn tại đến ngày nay, với 15 phòng trưng bày nhiều hiện vật cổ, phản ánh nền văn hóa của đại gia đình dân tộc VN suốt 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Ngoài ra, còn có 6 phòng trưng bày chuyên đề giới thiệu các giai đoạn lịch sử văn hóa ở miền Nam.

Bức tranh đắt giá nhất

Bức tranh đắt giá nhất từ xưa tới nay của TP. HCM (và cũng là của cả nước VN) là tác phẩm sơn mài "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993). HS Nguyễn Gia Trí là bậc thầy lớn nhất về sơn mài, đã có công đưa "sơn ta" (sơn Phú Thọ) từ một chất liệu làm đồ mỹ nghệ cổ truyền phương Đông trở thành chất liệu hội họa nghệ thuật độc đáo của riêng VN từ những năm 30, gọi là "sơn rửa" hay "sơn mài". "Vườn xuân Trung Nam Bắc" gồm 9 tấm kích thước 2mx5,4m được sáng tác kéo dài từ đầu những năm 1970 đến năm 1990, là tác phẩm lớn cuối cùng của cụ Trí. Năm 1990, UBND TP. HCM đã quyết định mua tác phẩm này với giá 600 triệu đồng, tương đương 100.000 USD vào lúc ấy. Tác phẩm thể hiện sự thống nhất đất nước qua cảnh các phụ nữ 3 miền múa hát vui chơi trong thiên nhiên tươi đẹp đầy hoa lá, được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố.

Cầu lâu năm nhất TP. Hồ Chí Minh

Cũng có người cho rằng chiếc cầu lâu năm nhất tại TP. HCM phải là cầu Móng (nằm ở quận 1). Tuy nhiên cây cầu này lại không có hồ sơ lưu trữ ở ngành GTCC, nên cũng thật khó xác định độ tuổi. Hiện tại TP. HCM có nhiều người nhất trí khi cho rằng có một cây cầu lâu năm nhất hiện nay, đó là Cầu Sơn.
Cầu Sơn được xây dựng từ cuối thế kỷ 18 dưới thời Nhà Nguyễn. Trước đây vùng này chuyên sống bằng nghề trồng Sơn lấy nhựa cung cấp cho nhu cầu của nhà nước phong kiến đương thời, nên cầu khi được xây dựng cũng mang luôn tên cầu Sơn. Cầu Sơn dài 19m, rộng 11m và mỗi bên lề rộng 0,5m.
Hiện cầu Sơn thuộc ranh giới hai phường 25 và 26 quận Bình Thạnh nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Nhà sách lớn nhất Thành ph

Nhà sách lớn nhất TP hiện nay không nằm ở các quận trung tâm mà lại ở một quận vùng ven - Nhà sách Cây Gõ, 146 Minh Phụng, Q.6. Tiền thân nơi này là rạp hát Cây Gõ, được UBNDTP ra quyết định chuyển giao cho Cty FAHASA đầu tư 1 tỷ đồng sửa chữa và xây dựng lắp đặt các trang thiết bị làm thành Nhà sách Cây Gõ, khai trương vào ngày 5.6.1998 vừa qua. Nhà sách Cây Gõ hiện là nhà sách lớn nhất TP và có thể lớn nhất nước với diện tích gần 1.000m2. Nhà sách có tổng giá trị hàng hóa 6 tỷ đồng gồm 15.000 tên sách quốc văn, 5.000 tên sách ngoại văn và gian hàng sách thiếu nhi, dụng cụ học sinh, đồ chơi trẻ em, quầy văn hóa phẩm (vidéo, cassette, CD, CD-ROM, VCD...), văn phòng phẩm, dịch vụ in tráng ảnh, khu đọc sách và xem vidéo miễn phí... Ngay ngày khai trương, nhà sách đã đạt doanh số kỷ lục - gần 80 triệu đồng. Từ tháng 6 - 8.1998, nhà sách giảm 10% giá đối với các học sinh giỏi khi mua sách giáo khoa, sách tham khảo và 5% khi mua dụng cụ và tập học sinh của FAHASA. Đối với các khách hàng khác, nhà sách giảm 5% giá bằng hiện vật.

An Bình: Bệnh viện cổ nhất

Bệnh viện miễn phí An Bình tọa lạc trên một khu đất rộng 17.361m2 ở đường An Bình, quận 5. Khởi thủy, nơi đây là một ngôi chùa của người Trung Hoa, được xây cất từ năm 1829. Tại đây đã có những hoạt động y tế nhân đạo, khám và điều trị miễn phí cho nhân dân dựa vào nền tảng y học cổ truyền. Do nhu cầu về dịch vụ y tế của nhân dân ngày càng tăng, vào năm 1916 Bệnh viện được chính thức xây dựng. Đến 1945 Bệnh viện đưa vào sử dụng và có tên là Bệnh viện Triều Châu. Sau nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, Bệnh viện đã có bộ mặt như ngày nay. Năm 1978, Bệnh viện được công lập hóa trở thành bệnh viện đa khoa với tên gọi An Bình.
Ngày 19.5.1994, Bệnh viện An Bình lại nhận một trách nhiệm mới "chăm sóc sức khỏe cho nhân dân lao động nghèo của Thành phố". Và từ đó đến nay bệnh viện mang tên "Bệnh viện miễn phí An Bình".

Nữ quân nhân cao tuổi nhất

Đó là nữ kiệt miền Đông, bà đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Bi, tên thật là Hồ Thị Hoa. Bà sinh ngày 25.4.1916 tại xã Tân Hiệp, quận Hóc Môn. Tham gia Cách mạng ở tuổi hai mươi, khởi đầu là hoạt động trong Hội Ái Hữu (1936). Cũng năm này, được kết nạp vào Đảng. Cách mạng Tháng Tám 1945, là Đoàn trưởng Ban tiếp tế của quận, thành lập "Ban trừ tà" thuộc Chi đội 12. Năm 1948 là trưởng Ban công tác số 12, đại đội trưởng Đại đội 2804, kiêm tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 935 trực thuộc E 312 Gia Định Hóc Môn với nhiệm vụ chính là trừ gian diệt tề, binh vận, bảo vệ nhân dân. Do có nhiều công lao trong việc xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức kinh tế tự túc nuôi quân, 1950 được Bác Hồ tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng I, Huân chương Quân công hạng III. Sau khi tập kết ra miền Bắc 1954, công tác tại Ban đón tiếp đồng bào miền Nam, Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng. Trước khi nghỉ hưu 1976, là Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh. Bà là một trong những người thành lập Hội Cựu chiến binh TP, Tổ ghi sử - Bảo tàng phụ nữ Nam bộ, nghĩa trang Tân Xuân. Được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng II, Lao động hạng I, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

NS ưu tú Phùng Há - Nữ nghệ sĩ cao tuổi nhất

Nữ nghệ sĩ Phùng Há sinh năm 1911, hiện là bậc cao niên trong làng nghệ sĩ (87 tuổi). Tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh quán tại xã Điều Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Năm 23 tuổi (1924), Phụng Hảo trở thành cô đào của Tái Đồng Ban với cái tên Phùng Há. Kể từ thời điểm đó, cô theo các gánh hát thầy Nam Tú, gánh Huỳnh Kỳ, Trần Đắc. Năm 1935, nữ nghệ sĩ hợp tác với nghệ sĩ Năm Phỉ lập đoàn Phi Phụng, rồi một năm sau lại lập tiếp Đoàn Phụng Hảo. Bà từng cộng tác với các nghệ sĩ như Năm Giao, Ba Vân... lập ra nhiều đoàn cải lương khác. Nổi tiếng với nhiều vai diễn trong các vở: "Đêm không ngày", "Đời cô Lựu", "Mộng Hoa Vương", "Mạnh Lệ Quân thoát hài" , "Tô Ánh Nguyệt", "Phụng Nghi Đình", "Giọt máu chung tình".
Không chỉ là một nghệ sĩ ưu tú, bà còn là một nhà hoạt động xã hội (Hội trưởng Hội Ái Hữu). Trước giải phóng, bà từng tham gia lãnh đạo anh em văn nghệ sĩ biểu tình buộc địch phải trả tự do cho nghệ sĩ Năm Châu (1954), hay cùng soạn giả Trần Hữu Trang đấu tranh chống sa thải công nhân Ba Son (1951). Hiện nay, nữ nghệ sĩ tuy cao tuổi nhưng vẫn thuộc Ban Quản Trị chùa Nghệ Sĩ, là nơi lo về đời sống vật chất, tinh thần cho những nghệ sĩ già không nơi nương tựa.

Người có nhiều thơ được phổ nhạc nhất ở TP. HCM

Đó là nhà thơ Dương Xuân Định, sinh năm 1955, hiện đang công tác tại LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh. Dương Xuân Định đến với thơ ca từ năm 1967, nhưng phải nói từ năm 1987 đến nay, anh mới thật sự khẳng định mình trong làng thơ của TP. HCM. Khiêm tốn, không ồn ào, những bài thơ của Dương Xuân Định mang đậm chất lãng mạn, hồn nhiên của thời hoa niên. Với anh, một chút nắng hồng, đôi tà áo xanh thiếu nữ, một vầng mây bạc trôi cuối trời xa... cũng trở thành những kỷ niệm ngọt ngào, để rồi một ngày nào đó, tất cả bỗng rạt rào thành những vần thơ thật dễ thương. Cho nên, cũng thật dễ hiểu tại sao có nhiều nhạc sĩ đã phổ nhạc vào thơ anh. Dương Xuân Định đã xuất bản được 3 tập thơ. Và, 52 bài thơ của anh đã được các nhạc sĩ phổ nhạc. Trong đó, có những bài rất nổi tiếng như: Một chút gì để nhớ (nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, ca sĩ Thủy Tiên), Chiều vàng (nhạc sĩ Lê Châu, ca sĩ Quỳnh Lan), Giông bão riêng anh (nhạc sĩ Lý Dũng Liêm, ca sĩ Tuấn Phong), Chia xa (nhạc sĩ Lý Dũng Liêm, ca sĩ Tuấn Phong)... Sắp tới, Dương Xuân Định sẽ xuất bản một tập gồm 30 ca khúc được phổ nhạc từ thơ anh.

Đền tưởng niệm liệt sĩ lớn nhất

Đó là Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược nằm trong khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh 70 cây số về phía Bắc. Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược khởi công xây dựng ngày 19.5.1993 trên một khu đất rộng 7 ha ven sông Sài Gòn, khánh thành ngày 19.12.1995. Kinh phí xây dựng 21 tỷ đồng, một phần do nhân dân TP. HCM và các tỉnh bạn đóng góp. Đền gồm có 5 hạng mục: cổng tam quan, nhà văn bia, tháp 9 tầng, hoa viên và đền chính. Hơn 47.000 liệt sĩ hy sinh trên đất Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến được khắc tên chữ mạ vàng lên bia đá hoa cương đặt trong đền. Các ngày lễ, cán bộ, nhân dân TP đến đền thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ. TP. HCM cũng đã lấy ngày 19.12 hàng năm làm ngày lễ hội tưởng nhớ và tri ân các liệt sĩ SG-GĐ tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược - Củ Chi.

Nhà giáo cao niên nhất

Giáo sư Ngô Gia Hy sinh ngày 16.6.1916, tại Tam Sơn, Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp trường Đại học Y khoa năm 1948, đã làm việc và giảng dạy tại nhiều trường đại học y dược ở Hà Nội, Sài Gòn. Ông đã từng đảm trách nhiều chức vụ quan trọng như UVBCH Tổng hội Y Dược học Việt nam, Chủ tịch Hội Niệu thận học TP. HCM, Chủ tịch Chi hội Y học dân tộc Việt Nam... Ngoài ra ông còn là thành viên của Hội Niệu học quốc tế. Ông được phong danh hiệu giáo sư năm 1984. Năm nay, ở tuổi ngoài 80, GS, BS Ngô Gia Hy vẫn còn khỏe mạnh và tiếp tục giảng dạy ở Trung tâm bồi dưỡng cán bộ Y tế TP. HCM, là hiệu trưởng trường ĐH dân lập Hùng Vương và là Tổng biên tập của tập san: Thời sự y dược học TP. HCM, phụ bản Y học cho mọi người.
GS, BS Ngô Gia Hy được Nhà nước phong danh hiệu cao quý: Nhà giáo Ưu tú, vì sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Sắp tới giáo sư sẽ cho xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu khoa học có giá trị như: "Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trên cơ sở dịch lý", "Y đức và sinh học", "Toàn tập niệu học".

Trần Tuấn Anh - Cây vợt bóng bàn cao niên nhất

Danh thủ bóng bàn (BB) Trần Tuấn Anh sanh năm 1949, thường trú tại 352 Ter đường Nguyễn Trãi - quận 1 TP. HCM, là cây vợt có tuổi đời lớn nhất. Trần Tuấn Anh là tay vợt có lối đánh cắt bóng xa bàn, sử dụng mặt vợt phản xoáy gai ngửa. Với phong cách thi đấu trầm tĩnh, khuôn mặt lạnh như tiền, anh Tuấn Anh đã làm nhiều danh thủ tên tuổi trong nước dở khóc dở cười. Mặc dù năm nay vừa tròn 49 tuổi, nhưng Tuấn Anh vẫn là cây vợt chủ lực trong đội hình BB Tiền Giang, tranh chức Á quân Giải VĐTQ và Các đội mạnh toàn quốc năm 1996. Tại giải Vô địch toàn quốc (VĐTQ) 98, Tuấn Anh tiếp tục đạt danh hiệu VĐV cấp Kiện tướng và suýt nữa Tuấn Anh được tuyển vào Top 12 cây vợt xuất sắc nhất nước. Nhất là đối với các VĐV trẻ, tính đến nay anh vẫn là "khúc xương khó nuốt". Mấy năm gần đây, anh đã đoạt nhiều giải thưởng lớn như 2 lần Huy chương Vàng đôi nam nữ (cùng Lê Thị Kim Tiếng năm 87 và Lê Ngọc Phương Lan năm 92), Huy chương Bạc đôi nam nữ năm 1997 cùng Nguyễn Bích Ngọc (Hà Nội) , vô địch đồng đội nam giải Cây vợt vàng năm 1988 tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, cùng Nguyễn Vinh Hiển, Trần Quốc Cường và Vương Hùng Khánh (đội Công an Nhân dân).

Nữ võ sư cao niên nhất

Nữ võ sư Phạm Cô Gia sinh năm 1903 tại xã Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức, trong một gia đình ba đời đều theo nghiệp võ. Với lòng say mê võ thuật và một tư chất thông minh, bà được thân phụ cho học võ từ năm lên 9. Sau 5 năm học, bà đã thuần phục nhiều môn Kinh khí và quyền thuật của dòng họ Phạm. Năm 18 tuổi, bà đã được thân phụ cho đứng lớp dạy võ tại võ đường Phạm Tăng Đại. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bà đã từng tham gia vào tiểu đoàn quyết tử thuộc khối vũ trang Biệt động đặc khu SG. Sau khi thân phụ mất bà thành lập võ phái "Phạm gia". Hiện bà sống trong một căn nhà nhỏ sau lưng chợ Nhỏ huyện Thủ Đức. Năm nay bà đã 95 tuổi nhưng giọng nói vẫn sang sảng đầy hào khí với đôi mắt sáng, khuôn mặt phúc hậu và điệu bộ linh hoạt. Hàng này bà vẫn luyện tập khí công để giữ gìn sức khỏe và tiếp tục đào tạo những lớp võ sĩ kế tục cho đất nước.

(Tổng hợp từ báo Lao Động - 1998)

Top