Sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 7,9%

31/05/2020 4:00 PM

(Chinhphu.vn) - Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 của TPHCM ước tăng 7,9% so với tháng 4 và giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019 .

Sản xuất công nghiệp của TPHCM trong tháng 5 tăng trưởng khá so với tháng 4.

Cục Thống kê TPHCM cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 5 của TPHCM tăng 7,9% so với tháng 4. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn giảm 7,2% so cùng kỳ năm 2019.

Theo Cơ quan thống kê, việc sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm giảm là do tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa được khống chế tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ, Indonesia, Hà Lan, Singapore...

Các ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, gồm: hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 23,2%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 19,4%; điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,8%...

Những ngành giảm mạnh so với cùng kỳ gồm: sản xuất kim loại giảm 46,5%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 34,1%; sản xuất máy móc thiết bị khác giảm 24,6%; sản phẩm kim loại đúc sẵn giảm 22,8%; sản xuất đồ uống giảm 21,2%.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 5 năm ước tăng 9,2% so cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao như: Công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 176,3%; thiết bị điện tăng 84,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 67,2%; sản xuất kim loại tăng 43,3%...

Tuy nhiên, chỉ số tồn kho một số ngành lại giảm mạnh như: Da và các sản phẩm liên quan giảm 91,8%; chế biến gỗ và các sản phẫm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) giảm 24,5%; sản xuất máy móc, thiết bị khác giảm 21,7%.

Khảo sát của Cục Thống kê TPHCM với hơn 16.300 DN với các nhóm ngành nghề khác nhau cũng cho thấy, có 49,45% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho rằng thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp, trong đó, 15,32% cho rằng hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được trong nước.

Ngoài ra, có 50,56% doanh nghiệp Nhà nước và 48,45% doanh nghiệp FDI có hoạt động xuất khẩu cho biết không xuất khẩu được hàng hóa.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cho rằng, bên cạnh khó khăn thì sau dịch cũng là cơ hội cho nhiều ngành phát triển. Do đó, đây là lúc các ngân hàng thương mại cần tăng cấp tín dụng cho những doanh nghiệp có cơ hội, với lịch sử tín dụng “sạch” nhằm nhập khẩu nguyên vật liệu, trữ hàng cho sản xuất trong thời gian tới.

Lê Anh

Top