Sẽ có gói tín dụng 4.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp khó khăn

08/12/2020 2:19 PM

(Chinhphu.vn) - TPHCM sẽ tiếp tục triển khai gói tín dụng thứ 2 hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn với mức lãi suất 0% .

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trả lời chất vấn từ cử tri. Ảnh: VGP/Lê Anh

Sáng 8/12, ngày làm việc thứ 2, kỳ họp lần thứ 23 của HĐND TPHCM khóa IX, các đại biểu HĐND đã chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong về công tác điều hành UBND về các vấn đề kinh tế - xã hội năm 2020.

Tại phiên chất vấn, những vấn đề: phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố; vấn đề lấn chiếm vỉa hè, các dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ; an ninh trật tự trên địa bàn; cải thiện môi trường đầu tư của thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch; vấn đề môi trường như triều cường, xử lý rác thải,... giải pháp để thành phố vừa chống dịch và phát triển kinh tế trong thời gian tới được các đại biểu nêu ra.

Trả lời các đại biểu, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong năm, xuất hiện 3 làn sóng dịch bệnh trong cộng đồng, nhưng với quyết tâm cao của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, TPHCM đã đẩy lùi nhanh chóng 3 đợt nhiễm trong cộng đồng trong thời gian ngắn nhất. Gần đây, thành phố xuất hiện 3 ca nhiễm mới trong cộng đồng nhưng chỉ trong 4 ngày, thành phố đã khống chế được ổ dịch trong cộng đồng, đến nay, thành phố chưa ghi nhận ca mới liên quan đến BN1342.

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết mục tiêu hàng đầu năm 2021 là kiểm soát dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị tập trung phòng chống bệnh, không chủ quan, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Về vấn đề lấn chiếm vỉa hè, ông Phong cho biết Thành ủy đã có Chỉ thị số 11, về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn và Chỉ thị số 22 của UBND TPHCM về thực hiện công tác quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố, bước đầu có đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, vấn đề vỉa hè cần phải có thời gian, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Về những dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2016-2020, Thành phố đã triển khai, tập trung nguồn lực để đầu tư, đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm như: cầu Phú Hữu, đường Phạm Văn Đồng, cầu vượt ngã tư Gò Mây, cầu vượt nút giao thông đường Trường Sơn, cầu vượt thép ngã sáu Gò Vấp, mở rộng đường Phạm Văn Trị, hầm chui An Sương, hầm chui Mỹ Thủy… Qua đó, Thành phố đã góp phần kéo giảm ùn tắc tại nhiều khu vực.

Tuy nhiên, do khó khăn về vốn và giải phóng mặt bằng còn chậm nên tiến độ nhiều dự án chậm, giảm hiệu quả, đội vốn. Về công tác giải phóng mặt bằng, Thành phố xin làm thí điểm và Chính phủ đã có Nghị quyết 27/NQ-CP Cho phép UBND TPHCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án có thu hồi đất trên địa bàn. Thời gian tới, Thành phố sẽ chỉ đạo sở, ngành đẩy nhanh tiến độ những dự án dở dang; nghiên cứu phương án đầu tư để hạn chế khó khăn; yêu cầu chủ đầu tư quận huyện cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng; chọn đơn vị thi công có kinh nghiệm...

Về tình hình an ninh trật tự, trấn áp tội phạm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, công tác ổn định an ninh chính trị có vai trò quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Thời gian qua, lực lượng công an đã triển khai tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2020 là năm thứ 6 liên tiếp phạm pháp hình sự được kéo giảm trên địa bàn.

Dự báo trong năm 2021, tình hình trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó dự đoán. Do đó, Thành phố sẽ tập trung các giải pháp như tăng kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao hiệu quả nắm thông tin, dự báo tình hình, không để bị động, bất ngờ. Trước mắt đảm bảo tuyệt đối an toàn trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, an ninh trật tự để người dân đón Tết, vui xuân.

Liên quan vấn đề xử lý rác thải, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện Thành phố đang triển khai ứng dụng công nghệ đốt rác thành điện, phấn đầu đến cuối năm 2025, thành phố có 80% rác thải sinh hoạt được đốt và năm 2030, 100% rác được xử lý bằng công nghệ đốt.

Về việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch, theo ông Phong, phần lớn doanh nghiệp tại TPHCM đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ và nhóm này bị tác động rất nặng nề. Thành phố đã phát huy hiệu quả các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, xử lý gia hạn tiền thuế cho doanh nghiệp, và gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân cho các hộ kinh doanh.

Thời gian qua, Thành phố đã thực hiện gói hỗ trợ lần 1 cho các doanh nghiệp khó khăn. Trong đó đã hỗ trợ với số tiền 611 tỷ đồng, xử lý gia hạn 8.800 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp; 218 tỷ đồng gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất cho các hộ kinh doanh.

Tới đây, TPHCM sẽ tiếp tục triển khai gói hỗ trợ thứ 2, dự kiến sẽ hỗ trợ tín dụng với mức lãi suất 0% cho các doanh nghiệp khó khăn tại các nhóm ngành dịch vụ như lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải; ngành công nghiệp như dệt may, giày da, trang phục, chế biến gỗ, chế biến lương thực thực phẩm và doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm lớn với kinh phí dự kiến hơn 4.000 tỷ đồng.

Trên cơ sở đánh giá kết quả năm 2020, dự báo năm 2021, các nội dung trọng tâm thành phố sẽ thực hiện là tập trung triển khai kế hoạch thực hiện chính quyền đô thị, đảm bảo đúng tiến độ. Triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc TP. Thủ Đức. Thực hiện tốt các bước chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp. Thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để cải thiện PCI, nhất là tiêu chí còn hạn chế như chi phí gia nhập thị trường, tính năng động của chính quyền…

Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép Chính phủ đã đề ra, tập trung chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế; triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai chính sách khuyến khích phát triển ngành dịch vụ, tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số. Đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai giai đoạn 2 xây dựng đô thị thông minh. Vận hành dự án chống ngập, vận hành tuyến metro 1, hoàn tất giải phóng mặt bằng metro 2 trong tháng 6/2021.

Lê Anh

Top