Tầm nhìn phát triển TPHCM qua những chương trình lớn

15/10/2020 10:18 AM

(Chinhphu.vn) - Từ ngày 14-18/10, Đảng Bộ TPHCM tổ chức Đại hội lần thứ XI, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã ghi nhận một số ý kiến đánh giá, nhận định của trí thức, doanh nhân về thành tựu Thành phố đã đạt được trong thời gian qua và những kỳ vọng các chương trình mà Đảng bộ Thành phố đề ra cho giai đoạn tới đây sẽ giúp TPHCM duy trì vị trí, vai trò đầu tàu cả nước về kinh tế.

TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Kỳ vọng vào tính khả thi của các chương trình lớn

TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Có thể nói TPHCM có vai trò rất quan trọng với sự phát triển của đất nước, dưới hai góc độ: Thứ nhất quy mô, năng lực, sức cạnh tranh của Thành phố thông qua đóng góp ngân sách, lan tỏa phát triển kinh tế cả nước. Thứ hai, vai trò tiên phong đi đầu trong đổi mới, cải cách của đất nước.

Trong 5 đến 10 năm qua Thành phố vẫn có những nỗ lực nhất định nhưng xét hai góc độ trên thì có phần chững lại. Về đóng góp, do sự phát triển chung đã mạnh hơn, tốc độ phát triển của TPHCM không còn đạt được đà tăng trưởng như những năm 90 hay những năm đầu 2000. Đóng góp của Thành phố vẫn rất quan trọng nhưng tỉ lệ đóng góp có phần giảm. Thứ hai, xét ở nhiều khía cạnh thì TPHCM không còn ở trong top đầu về nỗ lực cải cách và đổi mới. Chính vì vậy thời điểm hiện tại, tôi nghĩ là rất quan trọng với TPHCM để lấy lại vị trí, vai trò, vị thế vốn có của Thành phố, cả về đóng góp cho phát triển, cũng như cải cách thể chế.

Tôi được biết TPHCM đang có những chương trình lớn. Đáng chú ý là chương trình xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh, thành phố đáng sống, thành phố năng động. Có thể nói TPHCM phải là thành phố năng động nhất Việt Nam. Thứ hai, bên cạnh các chương trình quy hoạch mới, Thành phố xây dựng trung tâm tài chính với quy mô hướng đến tính toàn cầu hơn, gắn với phát triển, gắn với huy động vốn, đặc biệt là gắn với đổi mới sáng tạo.

Tôi cho rằng với quy hoạch mới, với kết nối mới trong tổng thể và nếu TPHCM thực hiện được những chương trình đã đề ra, đặc biệt là hai chương trình trên thì thành phố sẽ tạo ra được cú hích phát triển rất tốt và sẽ lấy lại vị thế, vị trí, vai trò đầu tàu của Thành phố cả trong phát triển và quá trình đổi mới cải cách của đất nước.

Qua chương trình hành động liên quan đến nỗ lực xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh, thì đây là chương trình được đánh giá tốt ở nhiều chiều cạnh, cả về điểm nhấn, lộ trình xây dựng. Nếu thành công thì TPHCM sẽ là mẫu hình tiêu biểu để các tỉnh, thành khác học hỏi.

Tính khả thi của các chương trình này là có và phụ thuộc vào ba yếu tố. Thứ nhất là sự vào cuộc của lãnh đạo cấp cao nhất của Thành phố, quyết liệt theo đuổi, tất nhiên là có sự kết hợp với sự huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Thứ hai, câu chuyện của TPHCM là câu chuyện của cả nước, chất lan tỏa của TPHCM với sự phát triển của cả nước rất lớn nên cả nước phải xúm vào, hỗ trợ và cùng TPHCM hành động. Thứ ba là vấn đề nguồn nhân lực. TPHCM phải là nơi tụ họp, kết nối được với những tài năng, chuyên gia, những người có kỹ năng tốt.

Đây là ba yếu tố quyết định đưa chương trình xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh trở thành hiện thực.

Ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch VNISA phía nam.

Tầm nhìn dài hạn cho đô thị thông minh

Ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch VNISA phía nam, Chủ tịch HĐQT công ty HPT:

Thời gian vừa qua Thành phố của chúng ta thực sự có những chuyển mình, vượt qua được những thời kỳ, đặc biệt là thời kỳ COVID-19. Nó thể hiện sức sống của một đô thị, thực sự là một trung tâm kinh tế. Ở đó, các doanh nghiệp đã bằng mọi cách để vượt qua khó khăn và duy trì hoạt động. Tất nhiên vẫn có những doanh nghiệp không thể duy trì, không vượt qua được, nhưng về cơ bản, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp chủ chốt đã duy trì được nhịp sống kinh tế tại địa phương trọng điểm của đất nước.

Thứ hai, tôi thấy những định hướng chủ trương của Thành phố thời gian qua, về cơ bản đã có những thành tựu và trong dự thảo Báo cáo Chính trị Đảng bộ TPHCM đã nêu bật những vấn đề đó. Dưới góc độ doanh nhân thì chúng tôi nhận thấy chúng ta đã đạt được những mục tiêu về kinh tế. Dưới góc độ của doanh nghiệp làm về lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ thì tôi nhận thấy thành phố đã đầu tư rất nhiều cho những định hướng phát triển. Ví dụ chúng ta đã mở những khu công nghiệp, khu công nghệ cao và đặc biệt là định hướng phát triển khu đô thị sáng tạo phía đông…

Tôi cho rằng đấy là một trong những sự khuyến khích cho sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Nó tạo ra động lực cho các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực CNTT có được tương lai tốt hơn, có được cơ hội xây dựng và phát triển thị trường, hợp tác quốc tế. Đấy là nền tảng! Tất nhiên cần sự nỗ lực chung, từ phía doanh nghiệp, từ phía nhà quản lý để chúng ta cùng nhau có chung một mục đích là xây dựng TPHCM trở thành đô thị đầu tàu kinh tế, trung tâm phát triển khoa học, công nghệ của Việt Nam.

Tôi cho rằng chương trình xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh là khát vọng và là định hướng lâu dài, không thể thông minh ngay lập tức được, có rất nhiều việc phải làm. Nhưng thành phố đã có định hướng, một chương trình cho cả một chặng đường, không thể trong một nhiệm kỳ đại hội là xong. Chúng ta phải chấp nhận từng bước thực hiện nhưng phải có bản lĩnh kiên định.

Là doanh nhân trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật thì tôi kỳ vọng lãnh đạo Thành phố trong nhiệm kỳ tới sẽ tiếp tục định hướng này và tầm nhìn dài hơn để xây dựng TPHCM trở thành trung tâm của đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; từng bước, từng bước cải thiện đời sống của người dân, thân thiện với môi trường và giải quyết được những vấn đề còn tồn tại hiện nay.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình Corp.

Quan tâm phát triển lực lượng tại chỗ cho các dự án lớn

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình Corp:

Tôi cho rằng Thành phố đã rất nỗ lực trong việc cải thiện điều kiện sống, môi trường sống, nền tảng văn hóa, nâng cao ý thức của người dân về mọi mặt. Tuy nhiên Thành phố vẫn chưa giải quyết được những vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến hạ tầng cơ sở, đó là tình trạng kẹt xe, còn ngập úng, môi trường ô nhiễm. Tôi cho rằng cần nguồn vốn đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng cơ sở cũng như cải thiện môi trường đô thị lẫn môi trường văn hóa cho người dân mới xứng tầm với Thành phố đầu tàu về kinh tế, văn hóa của cả nước.

Trong Dự thảo báo cáo Chính trị của Đảng bộ Thành phố lần này tôi rất quan tâm đến Chương trình phát triển hạ tầng. Hiện nay Thành phố có những dự án quy mô rất lớn nhưng thời gian kéo dài như dự án tuyến metro số 1. Trong thời gian tới tôi mong rằng Thành phố sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng tham gia vào các dự án với vai trò tổng thầu, như vậy giá thành sẽ giảm đi rất nhiều.

Việc đầu tư cho hạ tầng cũng cần quan tâm phát triển lực lượng xây dựng trong nước tham gia vào những dự án có quy mô lớn bên cạnh các nhà thầu nước ngoài. Đây là quá trình chuẩn bị cho các doanh nghiệp trong nước cọ xát, nâng cao năng lực tiến đến việc thay thế các nhà thầu nước ngoài, như vậy sẽ đem lại lớn ích kinh tế rất lớn cho quốc gia.

Băng Tâm thực hiện

Top