Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đạt 2,13%

17/06/2020 8:18 AM

(Chinhphu.vn) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 16/6, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng ước đạt 2,13%.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: VGP/Lê Anh

Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020, tổ chức ngày 16/6 tại TPHCM, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đánh giá, dù tăng trưởng tín dụng đạt thấp, nhưng kết quả này có được là nhờ công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đạt được hiệu quả cao.

Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 0,35%, sản xuất xuất khẩu tăng 4,94% (thấp hơn so với mức 10% của cùng kỳ năm 2019), công nghệ cao tăng 2,92%, công nghiệp hỗ trợ tăng 2,27%. Trong khi đó, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 0,7%.

Về công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch, sau hơn 2 tháng triển khai quyết liệt, đến ngày 8/6, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 249.108 khách hàng với dư nợ 172.365 tỷ đồng.

Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 403.177 khách hàng với dư nợ 1.227.349 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 978.529 tỷ đồng, cho 225.514 khách hàng lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch. 

Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã gia hạn nợ hơn 3.856 tỷ đồng cho 152.796 khách hàng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hơn 1.567 tỷ đồng cho 75.209 khách hàng, cho vay mới 826.473 khách hàng với dư nợ 31.149 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,0-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN. Cùng với đó, giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ  tiếp tục chỉ đạo các TCTD  quyết liệt tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01, tiết giảm chi phí hoạt động để dành nguồn lực cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đồng thời NHNN sẽ tiếp tục xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công.

Lê Anh

Top