Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh

28/08/2019 7:08 AM

Ngày 27/8, Hội Xuất bản Việt Nam cùng Sở GD&ĐT TPHCM và Thành đoàn TPHCM phối hợp tổ chức buổi toạ đàm “Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?”.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: VGP/Huyền Trâm

Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, giáo viên, phụ huynh cùng các em học sinh tham dự cho rằng, thói quen đọc sách và những điều tự học sinh rút ra từ sách tác động rất lớn đến các em từ cách giao tiếp, ứng xử hàng ngày đến hình thành đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống, thái độ sống tích cực.

Em Cao Thanh Hiếu, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp) chia sẻ: Nhờ đọc sách, em đã cải thiện kỹ năng viết văn của mình và được giải Nhất hội thi “Văn hay chữ tốt” cấp quận. Ngoài ra, cũng nhờ thói quen đọc sách mà em đã có nhiều kiến thức để học tốt hơn, nói năng lưu loát và giao tiếp tốt hơn. Hiểu và phân biệt được những điều tốt xấu quanh em, biết mạnh dạn nhận lỗi khi có lỗi… Hiếu cho biết hiện nay em vẫn duy trì thói quen đọc từ 2-3 quyển sách mỗi tháng.

Còn em Nguyễn Phương Anh, học sinh lớp 10, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) kể rằng trước đây em đã từng rất tự ti vì bản thân mình mắc phải hội chứng rối loạn sắc tố da khiến em luôn cảm thấy xấu hổ, e ngại mỗi khi có người nhìn và hỏi về các vết đen trắng loang lổ trên da. “Cho đến khi đọc được quyển sách “Vượt lên chính mình”, em mới thấy các nhân vật trong sách sao mà phi thường thế, họ bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm hoặc thậm chí là khuyết tật một phần thân thể, nhưng tất cả đều không ngăn cản được ý chí, quyết tâm của họ. Vậy nên em đã tự nhủ bản thân hãy luôn sống và suy nghĩ một cách tích cực vì mình còn đang may mắn hơn những người khác rất nhiều”, Nguyễn Phương Anh chia sẻ.

Cô Đỗ Hoàng Mai, giáo viên Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận 11) cho biết nhờ đọc sách mà học sinh của cô có sự tiến bộ rõ rệt, như viết văn sáng tạo hơn, nói năng lưu loát, có ý thức tự học cao hơn, dành nhiều thời gian đọc các bộ sách phù hợp với lứa tuổi của mình. Cô Mai cũng kiến nghị đưa môn học Đọc sách vào chương trình giảng dạy chính thức của Bộ GD&ĐT.

Đồng quan điểm với cô Mai, cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (quận 10) cũng đề nghị nên có một tiết đọc sách trong thời khóa biểu chính khóa, để giáo viên có thời gian giúp học sinh rèn luyện thói quen đọc sách. Trước mắt, có thể cho các trường thực hiện tích hợp tiết đọc sách trong tiết sinh hoạt lớp giúp học sinh phát triển tốt về mặt trí tuệ và tình cảm.

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Phó phòng Tiểu học, Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM cho biết, 530 trường tiểu học trong toàn Thành phố đang làm rất tốt việc xây dựng thói quen đọc sách để góp phần hình thành nhân cách cho học sinh.

Theo bà Thúy, hiệu trưởng các trường trên địa bàn rất linh động, tổ chức nhiều hoạt động bằng sự chủ động sáng tạo, phối hợp với các nhà xuất bản, các nhà sách để đưa sách đến với học sinh và cả phụ huynh, giáo viên.

Việc hình thành và phát triển thói quen đọc sách cho học sinh trong nhà trường chính là góp phần thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hướng đến việc hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; 10 năng lực cốt lõi gồm 3 năng lực chung như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo và 7 năng lực đặc thù gồm ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ và thể chất.

Tại buổi toạ đàm, Ban tổ chức đã giới thiệu đến các thầy cô, các phụ huynh và các em học sinh gần 600 tựa sách có nội dung hữu ích, góp phần hình thành nhân cách tốt cho các em.

Huyền Trâm

Top