Thủ Đức: 707 giáo viên mầm non ngoài công lập đã nhận hỗ trợ

09/06/2020 5:28 PM

(Chinhphu.vn) - Tính đến ngày 5/6, quận Thủ Đức đã tiến hành chi trả trợ cấp cho 1.640 người bị mất việc, dừng việc do ản hưởng dịch Covid-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó có 707 giáo viên, bảo mẫu các cơ sở mầm non ngoài công lập.

Đoàn giám sát chi trả hỗ trợ làm việc tại quận Thủ Đức. Ảnh: VGP/Băng Tâm

Chị Nhung vừa được ký hợp đồng trở thành giáo viên của Trường Mầm non Tuệ Đức, cơ sở tại phường Bình Thọ, quận Thủ Đức thì giữa tháng 3 vừa qua, chị bị tạm dừng hợp đồng lao động do dịch Covid-19. Đầu tháng 6, khi bậc mầm non đi học trở lại, chị Nhung được tiếp tục công việc của mình. Cùng thời gian này, chị nhận được mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng dành cho đối tượng giáo viên mầm non ngoài công lập theo Nghị quyết 02 của Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố.

“Em nhận được 1 triệu đồng hỗ trợ vào tài khoản ATM, thực sự em rất vui. Số tiền không nhiều nhưng đó là sự động viên chúng em, trong lúc khó khăn chung mà mình không bị bỏ rơi”, chị Nhung chia sẻ. Ở Trường Mầm non Tuệ Đức có 12 giáo viên, bảo mẫu đã nhận hỗ trợ như chị Nhung.

Trên địa bàn quận Thủ Đức có 707 hồ sơ của các cơ sở mầm non ngoài công lập được thẩm định đủ điều kiện và đã nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 02 HĐND Thành phố.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho biết, cùng với nhóm giáo viên mầm non ngoài công lập, quận đã chi hỗ trợ cho 903 người là lao động bị tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương, chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

“Đến nay chúng tôi vẫn tiếp tục thẩm định hồ sơ để không bỏ sót đối tượng. Tuy nhiên, người lao động mong muốn được hưởng theo Quyết định 15 của Chính phủ, mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/người trong 3 tháng. Về vấn đề này chúng tôi đã có giải thích để người lao động hiểu, ở cơ sở cố gắng hướng dẫn hoàn tất hồ sơ làm sao người dân hưởng hỗ trợ mức cao nhất mà không vi phạm pháp luật. Việc áp dụng Nghị quyết 02 HĐND Thành phố hay Quyết định 15 của Chính phủ còn tùy thuộc vào điều kiện, hồ sơ của từng trường hợp. Chúng tôi cũng có kiến nghị để Thành phố xem xét, có thể sẽ chi bổ sung như hình thức chi hỗ trợ cho nhóm người bán vé số lưu động trước đây”, bà Thúy cho hay.

Trước đó, 1.095 người bán vé số lưu động trên địa bàn quận Thủ Đức đã nhận mức hỗ trợ 750 ngàn đồng/người theo Nghị quyết 02 HĐND Thành phố. Sau này, khi áp dụng Quyết định 15 của Chính phủ, các phường đã chi bổ sung cho nhóm đối tượng này 250 ngàn đồng/người. Ngoài ra, một số phường như Linh Chiểu đã vận động mạnh thường quân chăm lo cho mỗi người bán vé số lưu động 300 ngàn đồng cùng với nhu yếu phẩm.

Cũng như nhiều địa phương khác, quận Thủ Đức rà soát trên 18.773 người là lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do Covid-19 thì có đến 5.397 người không thuộc các ngành nghề được quy định theo Quyết định 15.

Theo bà Kim Thúy, do đặc thù địa bàn có dân nhập cư đông nên việc xác định các đối tượng bị ảnh hưởng gặp nhiều khó khăn. Việc đối chiếu, thẩm định hồ sơ cũng mất nhiều thời gian. “Có những vấn đề có thể thiệt thòi cho người dân. Ví dụ như dân tạm trú tại quận nhưng thường trú ở các tỉnh phía Bắc. Thành phố có hướng dẫn cho phép người lao động gửi hồ sơ qua bưu điện về địa phương xác minh. Nhưng chi phí chuyển phát này ai chịu, chi từ nguồn nào. Ngoài ra, theo Nghị quyết 42, khi kê khai ảnh hưởng ở các nhóm đối tượng đều rất lớn, nhưng hồ sơ gửi về phường, quận lại thấp vì không đáp ứng được điều kiện trợ cấp”, bà Thúy cho biết thêm.

Bên cạnh các nhóm bị ảnh hưởng theo quy định, MTTQ quận Thủ Đức đề xuất hỗ trợ cho cán bộ Mặt trận và các đoàn thể có hoản cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam về công tác chi hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đề nghị quận Thủ Đức cân nhắc, tính toán vì Chính phủ cũng như Thành phố chưa có hướng dẫn cho nhóm này. Do đó, việc sử dụng nguồn chi như thế nào để không vi phạm pháp luật. Cần phải có văn bản đề nghị về MTTQ Thành phố.

Trong khi đó, ông Lý Ngọc Thạch, Ủy viên thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố lại đề xuất quận Thủ Đức nên xem xét ghi nhận đóng góp của cán bộ khu phố, tổ dân phố. Họ là những cán bộ trực tiếp rà soát, khảo sát từng người dân, từng hộ gia đình về mức độ ảnh hưởng dịch Covid-19. Do vậy, sắp tới đây khi có đánh giá lại công tác phòng, chống dịch Covid-19, nếu không có mức hỗ trợ thì cần có sự tuyên dương, khen thưởng để động viên những cán bộ này.

Băng Tâm

Top