Thương chiến Mỹ - Trung có ảnh hưởng đến ngành CNTT Việt Nam?

11/09/2019 10:02 AM

(Chinhphu.vn) - Đó là vấn đề được đại diện doanh nghiệp lĩnh vực CNTT thảo luận tại buổi họp báo giới thiệu Hội nghị gia công xuất khẩu phần mềm Việt Nam 2019 với chủ đề "Việt Nam - Điểm đến cho đổi mới sáng tạo" do Liên minh các doanh nghiệp gia công phần mềm, gia công dịch vụ công nghệ thông tin (VNITO) và Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) tổ chức vào ngày 23-24/10 tới tại TPHCM.

Theo Báo cáo chỉ số GSLI của tổ chức AT Kearney 2019, Việt Nam xếp thứ 5 trên 50 quốc gia có nền tảng tốt về dịch vụ công nghệ thông tin. Trong ảnh là Công viên Phần mềm Quang Trung (TPHCM) - Trung tâm lớn nhất về gia công, phát triển phần mềm của Việt Nam hiện nay.

Theo đại diện doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) tham dự buổi họp báo, mặc dù chủ đề đặt ra cho Hội nghị gia công xuất khẩu phần mềm năm 2019 tới đây là: Việt Nam - Điểm đến cho Đổi mới sáng tạo, nhưng hiện các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến vấn đề cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liệu có ảnh hưởng hay đem lại cơ hội gì cho ngành CNTT Việt Nam.

Bàn về vấn đề này, diễn giả Hùng Nguyễn - CEO đến từ Công ty LogiGear, khẳng định, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đối với ngành CNTT, bởi hiện ngành gia công CNTT Việt Nam đã phát triển. Hiện ngành CNTT đã bão hòa ở cả Mỹ và Châu Âu, không có gì mới và không có sức ảnh hưởng lớn như trước.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch Công ty TMA Solutions, vấn đề làm outsourcing Việt Nam đang có lợi thế so với Trung Quốc. Từ hơn 15 năm trước, tất cả những công ty từ Bắc Mỹ và Châu Âu đều ngại đưa công việc về Trung Quốc vì vấn đề sở hữu trí tuệ. Vì vậy, chúng ta đã có lợi thế đó từ 15 năm trước. Và ngay trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, vấn đề IT cũng nổi lên là vấn đề quan trọng nhất của hai nước này.

Phó Chủ tịch cấp cao Hitachi Consulting, Tổng Giám đốc Global Cybersoft - thành viên Tập đoàn Hitachi, ông Nguyễn Bá Quỳnh cho biết: Doanh thu thị trường Mỹ đối với Global Cybersoft trước đây chiếm khoảng 50%, nhưng đang giảm trong những năm gần đây. Theo ông có hai lý do, thứ nhất là nước Mỹ trở nên bảo thủ hơn rất nhiều, khi nghe nói đến outsourcing, họ nghĩ ngay đến việc chuyển công việc ra nước ngoài, đó là điều mà chính phủ Mỹ không muốn và doanh nghiệp bắt buộc phải làm theo.

Điểm thứ hai là Ấn Độ và Trung Quốc đã ở Top trên từ lâu, khi Việt Nam đẩy mạnh phát triển outsourcing thì Ấn Độ đã chuyển sang cung cấp giải pháp trọn gói, về giá cả thì Trung Quốc và Ấn Độ đã trở nên rất cao. Như vậy, việc ngành phần mềm của Việt Nam đang ở trình độ thấp hơn nên ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ không nhiều, thậm chí chúng ta có thể có nhiều cơ hội hơn.

Tuy nhiên, vấn đề là các trường đại học Việt Nam cần tăng cường đào tạo, để đảm bảo đủ cả số và chất lượng kỹ sư đáp ứng cho ngành. Chính vấn đề khả năng đào tạo của hệ thống giáo dục trong nước lại đang là bài toán, là một thách thức lớn hiện nay đối với ngành phần mềm của Việt Nam chứ không phải từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Nhận định về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và sự phát triển của ngành Công nghệ Việt Nam nói riêng, theo ông Nguyễn Công Ái - Phó Tổng giám đốc Công ty KPMG, thứ nhất, có xu hướng các doanh nghiệp Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan… đầu tư trong các ngành tương đối đơn giản như như may mặc, da giày chuyển sản xuất sang Việt Nam, nhưng không phải chỉ vì cuộc chiến thương mại mà còn có vấn đề về chi phí của Trung Quốc đang tăng cao. Thú vị hơn là trong lĩnh vực điện tử, nhiều doanh nghiệp lớn cũng dịch chuyển sang Việt Nam, như Samsung Electronics, LG, Intel hay mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Công Ái cũng cho rằng, IT outsourcing là một ngành nhỏ trong lĩnh vực công nghệ cao. Trong ngành này, các doanh nghiệp có nhu cầu và cạnh tranh rất lớn về số lượng kỹ sư. Trong khi đó, đối với nhân lực về đổi mới sáng tạo, môi trường để cọ xát, cơ hội làm những dự án sáng tạo lại quan trọng hơn là tiền lương. Do đó, doanh nghiệp nào có được những dự án lớn, có giá trị, những dự án thú vị, tạo ra cơ hội học tập cho các kỹ sư trẻ nhiều hơn thì nơi đó sẽ thu hút được nhân tài.

Thế giới đang thay đổi rất nhanh, vì vậy tốc độ chính là điều quyết định mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào có nhiều người tài thì doanh nghiệp đó thành công.

Theo một khảo sát gần đây trên 300.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước cho thấy, doanh nghiệp lớn, nhỏ hiện không còn quan trọng. Doanh nghiệp nhỏ lại luôn có những giải pháp đột phá nhất, có những nhân tài giỏi nhất. Đây chính là lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng trong một khảo sát gần đây, các doanh nghiệp được hỏi đều cho biết sẽ tăng đầu tư vào công nghệ, đặc biệt đầu tư vào chuyển đổi số, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo (AI), internet of thing (IoT).

Ngọc Tấn

Top