Tiền tác quyền âm nhạc: Khu vực phía Nam chiếm tỉ trọng lớn

18/03/2019 11:00 AM

(Chinhphu.vn) - Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc trong năm 2018 (đã trừ thuế VAT) đạt gần 104 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2017. Trong đó khu vực phía Nam chiếm tỷ trọng khá lớn.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam hoạt động phi lợi nhuận, vì mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc. Ảnh: VCPMC

PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, có được thành tích với doanh thu trên 100 tỷ, cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cả tập thể Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Hiện nhiều tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đã tin tưởng ủy quyền cho VCPMC đại diện quản lý, khai thác và bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình. Số lượng thành viên VCPMC đạt gần 4.000 thành viên là tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả ,đặc biệt là các tác giả trẻ.

Tuy nhiên, theo Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, một số tác giả chưa chú trọng đúng mức trong việc bảo vệ cũng như khai thác quyền tài sản đối với các tác phẩm của mình. Có trường hợp tuy đã chính thức ký hợp đồng ủy thác với VCPMC để khai thác quyền tác giả, nhưng lại tiếp tục ký hợp đồng với các đơn vị, tổ chức, cá nhân khác, gây khó khăn cho VCPMC trong quá trình cấp phép, đàm phán với các đơn vị sử dụng âm nhạc.

Tính đến thời điểm này, các đơn vị như: Truyền hình cáp SCTV, Truyền hình cáp HTVC, Truyền hình FPT, Đài PTTH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài PTTH Ninh Thuận, Đài PTTH Quảng Ngãi, Đài PTTH tỉnh Nam Định, Đài PTTH tỉnh Hà Nam, Đài PTTH tỉnh Lạng Sơn… vẫn chưa thực hiện việc trả tiền sử dụng quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc được phát sóng.

Khẳng định VCPMC là một trong những đơn vị đã góp phần tích cực trong hoạt động bảo vệ tác quyền âm nhạc tại Việt Nam, nhưng vị Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng chia sẻ, bảo vệ tác quyền âm nhạc là cuộc đấu tranh lâu dài, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCPMC cũng cho hay, thực tế tình trạng xâm phạm quyền tác giả đang diễn ra tràn lan, ở nhiều lĩnh vực sử dụng âm nhạc, điển hình là lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả. Hàng trăm chương trình biểu diễn đã né tránh thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Công ước Berne.

Thời gian qua, Trung tâm đã gặp không ít khó khăn trong quá trình thực thi quyền tác giả âm nhạc. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa có ý thức, nhận thức đầy đủ trong việc thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả, không thực hiện hoặc tìm cách để không phải trả tiền bản quyền. Ngoài ra, khó khăn còn đến từ những bất cập trong quy định của pháp luật, hay một số đơn vị sử dụng âm nhạc…

Nhằm thực thi quyền tác giả âm nhạc đạt hiệu quả, theo Nhạc sĩ Đinh Trung ông Cẩn, năm 2019, ngoài tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các tỉnh thành, VCPMC sẽ dành trọng tâm vào cấp phép, mở rộng địa bàn. Tăng cường rà soát, xử lý vi phạm về quyền tác giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả thành viên. Chú trọng công tác chăm sóc, phát triển hội viên…

Đến nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cũng đã ký hợp tác song phương với 73 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và Nhà xuất bản (Publisher) của trên 160 Quốc gia và vùng lãnh thổ, đảm bảo thực thi theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne; tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của CISAC.

Bình Nguyên

Top