TPHCM có gần 277.000 mái nhà có thể phát triển điện mặt trời

13/10/2018 4:20 PM

(Chinhphu.vn) - Thống kê tại TPHCM cho thấy, có tới gần 277,000 mái nhà đủ điều kiện để lắp đặt thiết bị điện mặt trời.

Điện mặt trời vùng hải đảo.

Ngày 11/10, Tập đoàn Năng lượng Mặt Trời Bách Khoa (SolarBK) đã tham gia hội nghị bàn tròn về vấn đề Phát Triển Cơ Sở Hạ Tầng và Tăng Cường Liên Kết Mạng ở Châu Á do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Ngân hàng Thế giới (WB) tại thành phố Bali, Indonesia, với 105 sự kiện của WBG (Nhóm ngân hàng thế giới - World Bank Group) xuyên suốt 7 ngày, xoay quanh vấn đề kinh tế vĩ mô của Châu Á, quy tụ các đại biểu từ 189 quốc gia thành viên.

Trong đó, phiên đối thoại Phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường liên kết mạng ở Châu Á được diễn ra ngày 11/10/2018, với các đại diện từ tổ chức, doanh nghiệp từ các Quốc gia trong khu vực thuộc các ngành về vận tải, năng lượng, các tổ chức tài chính, đối tác phát triển và quản lý cấp cao của IFC và WBG.

Tại buổi đối thoại, các đại biểu tham dự đã đưa ra các giải pháp tìm cách thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như làm nổi bật và nhân rộng các mô hình sáng tạo từ khu vực, đặc biệt là các giải pháp thông minh về khí hậu, môi trường.

Theo báo cáo chính thức từ tổ chức IFC, tại Châu Á vẫn còn hơn 400 triệu người sống trong tình trạng thiếu điện và hơn 55% người trong số đó không được truy cập Internet. Bên cạnh đó, đến năm 2030, dự kiến dân số châu Á sẽ tăng gấp đôi do vậy sẽ dẫn đến tình trạng cơ sở hạ tầng phục vụ cho người dân tại đây bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Do đó, tổ chức này dự báo Châu Á cần phải đầu tư khoảng 26 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng trong 12 năm tới. Và với những hạn chế về tài chính của nhiều chính phủ châu Á, đầu tư tư nhân sẽ là chìa khóa để cung cấp các dịch vụ chất lượng cao và bền vững hơn.

Trong khuôn khổ của Hội nghị, đại diện SolarBK đã chia sẻ về thực trạng phát triển ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện nay, với định hướng thay thế dần cho các nguồn năng lượng như nhiệt điện, thủy điện vốn tồn tại nhiều bất cập về môi trường và ảnh hưởng tài nguyên.

Ngoài ra, ở Việt Nam, với các vùng khó tiếp cận trực tiếp với lưới điện quốc gia  như hải đảo, biên giới… phát triển năng lượng tái tạo, như điện mặt trời còn góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực này.

Theo SolarBK, đơn vị này cũng đang triển khai mạnh mẽ thị trường điện mặt trời áp mái, đặc biệt là phân khúc dành cho hộ gia đình để nhanh chóng giúp người dân tiếp cận điện mặt trời.

Thống kê tại TPHCM cho thấy, có tới gần 277,000 mái nhà tại đây đủ điều kiện để lắp đặt thiết bị điện mặt trời. Tính chung ở Việt Nam, tiềm năng của thị trường hiện tại lên đến 6.000 MWp. Nếu phát huy tối đa thị trường điện mặt trời áp mái, Việt Nam sẽ có một nguồn cung điện năng rất lớn và chủ động được nguồn điện, được xem là nền tảng để phát triển kinh tế đất nước hiện nay.

Minh Thi

Top