TPHCM định hướng trở thành trung tâm kinh tế, tài chính châu Á

05/05/2021 3:08 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 5/5, UBND TPHCM đã tổ chức hội thảo khoa học định hướng phát triển kinh tế xã hội thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTBC

Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; đại diện một số bộ, ngành và địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía nam cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về các giải pháp lớn, đột phá để phát triển TPHCM.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong hơn 45 năm qua, TPHCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Giai đoạn 2016-2019, GRDP của TPHCM tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP và hơn 26% thu ngân sách quốc gia.

Riêng năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, TPHCM vẫn cơ bản hoàn thành nhiệm vụ kép, kinh tế tăng trưởng 1,39%.

Trong định hướng, TPHCM phấn đấu đến năm 2025, sẽ là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. TPHCM muốn đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.

Đến năm 2030, sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Phát triển dịch vụ - tăng liên kết vùng

Tại hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc lập quy hoạch phát triển TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 mang ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển của Thành phố.

Về tầm nhìn chiến lược phát triển trong thời gian tới, Theo TS. Trần Du Lịch, TPHCM  cần vươn lên trở thành một trung tâm đa chức năng, trong đó nổi bật là một trung tâm tài chính của khu vực và vươn tầm quốc tế. Cơ cấu kinh tế của Thành phố sau năm 2035 sẽ giống cơ cấu kinh tế của các nền kinh tế phát triển (hậu công nghiệp), với các ngành dịch vụ cao cấp dựa trên công nghệ số giữ vai trò chi phối. Thành phố sẽ là một siêu đô thị đa trung tâm, với điểm nhấn là Thành phố Thủ Đức và đô thị mới dọc sông Sài Gòn.

Tuy nhiên, theo TS. Trần du Lịch, thách thức đối với sự phát triển Thành phố trong 10 năm tới phải vượt qua những rào cản về tâm lý và thể chế để hình thành được tư duy đột phá về cơ cấu và thể chế kinh tế; phải làm thế nào Thành phố trở thành “một điểm đến” thu hút các doanh nghiệp toàn cầu; là điểm ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Đồng quan điểm trên, TS. Vũ Thành Tự Anh, cho rằng, nếu trước đây, kinh tế TPHCM phụ thuộc nhiều vào chi phí rẻ, thu hút đầu tư và lao động nhập cư giá rẻ. Trong 10 năm tới, động lực để TPHCM phát triển phải là năng suất. Tạo môi trường cạnh tranh, phát triển DN tư nhân nội địa; khuyến khích tăng năng suất, phát triển cơ sở hạ tầng; hình thành cụm ngành then chốt của thành phố.

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, cải cách thể chế là nhu cầu số một của Thành phố. TPHCM cần cải cách trong quản lý để phát triển cho một siêu đô thị hiện đại. Thể chế về môi trường kinh doanh và đầu tư. Làm thế nào để thu hút được các tập đoàn lớn nhất đến đây. Muốn vậy phải “tạo ổ cho đại bàng”, ngay từ bây giờ, nguồn  nhân lực phải hướng đến chất lượng cao nhằm đáp ứng kịp thời với nền kinh tế số.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến từ các chuyên gia cũng cho rằng, phát triển TPHCM phải gắn với phát triển vùng. Thành phố là hạt nhân phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Do đó, các quy họach, định hướng phát triển của Thành phố phải gắn kết chặt chẽ với toàn vùng. Cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy “phát triển kinh tế vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh” thông qua cơ chế điều hành kinh tế và phân bố ngân sách của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Lê Anh

Top