TPHCM: Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại diễn biến phức tạp

01/12/2019 5:18 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn TPHCM rất bức xúc bởi trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp. Tại nhiều tuyến đường, các phương tiện, hàng quán bủa vây và ngang nhiên dừng đỗ, buôn bán gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến việc di chuyển qua lại của người tham gia giao thông.

Các loại phương tiện, quán hàng tràn lan trên vỉa hè, lòng đường Cộng Hòa, quận Tân Bình làm tuyến đường bị tắc nghẽn.

Tràn lan quán hàng, phương tiện…

Tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM như: Cộng Hòa, Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình), Phan Văn Hớn (Quận 12), Hoàng Sa, Trường Sa (Quận 3), Quang Trung, Phạm Văn Chiêu, Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 1)… tràn lan các phương tiện, quán hàng tự ý dừng đỗ, chiếm dụng diện tích vỉa hè, lòng đường để buôn bán, gây cản trở rất lớn đến việc di chuyển qua lại của người đi đường. Nhiều người đi bộ phải di chuyển xuống lòng đường để đi vì vỉa hè đã bị lấn chiếm.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm sáng sớm và chiều tối là khung giờ mà vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng nhiều nhất.

Tại nhiều tuyến đường xuất hiện dày đặc các quán hàng bán hàng rong như bánh mì, cà phê hay các loại đồ ăn vặt… Nhiều người dân còn tự ý mang xe hàng bán ngay giữa lòng đường, gây ách tặng giao thông nghiêm trọng. Ngay tại khu vực trung tâm thành phố, hàng loạt xe taxi, xe tải chờ hàng ngang nhiên dừng đỗ, chiếm dụng diện tích vỉa hè, lòng đường. Trong đó có cả xe biển số xanh, tập trung nhiều nhất ở khu vực Quận 1.

Cũng trên tuyến đường Cộng Hòa, việc mua bán diễn ra cả trên vỉa hè và dưới lòng đường.

Nhiều khu vực khác, dù đã có biển cấm đậu xe, tụ tập buôn bán nhưng nhiều người vẫn tự ý bày bán hàng hóa tràn lan và dừng đỗ xe trên vỉa hè và cả dưới lòng đường. Tại khu vực quận Gò Vấp, xung quanh các nhà thờ, trung tâm thương mại xuất hiện dày đặc các phương tiện, quán hàng. Nhiều người còn ngang nhiên tụ tập buôn bán ở các ngã ba, ngã tư làm người tham gia giao thông vô cùng bức xúc.

Thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại TPHCM ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến giao thông. Chưa kể, việc tụ tập, buôn bán trên vỉa hè, lòng đường còn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm trên địa bàn.

Khu vực đường Bắc Hải, Quận 10 tràn lan các loại cây cảnh được bày bán trên vỉa hè.

Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường xử phạt như thế nào?

Việc chính quyền nhiều địa bàn của TPHCM buông lỏng, để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại tái diễn phức tạp đã khiến người dân bức xúc.

Chị Trần Thị Kim Anh (ngụ thị trấn Nhà Bè) bức xúc: “Tôi đi làm xa nên phải dậy sớm để đỡ kẹt xe nhưng sáng nào cũng gặp cảnh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè của những người bán hàng rong. Nhiều quán hàng còn lấn chiếm ra lòng đường khiến việc di chuyển rất khó khăn. Tôi thấy nhiều chỗ, công an đến dẹp xong rồi đâu lại vào đó, họ vẫn tiếp tục lấn chiếm và bày bán tràn lan”.

Khu vực đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình) nối đường Tân Sơn (quận Gò Vấp), người dân tự ý lấn chiếm diện tích lòng đường để buôn bán.

Theo quy định tại Điều 35 Luật Giao thông đường bộ ban hành ngày 13/11/2008, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trong một số trường hợp vẫn cho phép tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Đặc biệt, nghiêm cấm các hành vi như họp chợ, mua, bán hàng hóa, tụ tập đông người trái phép trên đường bộ…

Nghị định 46/2016/NĐ - CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ban hành ngày 26/5/2016 đưa ra mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm như sau. Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân và từ 200.000 - 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng. Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với cá nhân và từ 600.000 - 800.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị.

Quán cà phê dựng xe lấn chiếm vỉa hè trên đường Bà Huyện Thanh Quang (Quận 3).

Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân và từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo…

Phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 8 -12 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện sử dụng trái phép đất của đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết hoặc trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác.

Tại quận 1, xe ô tô đỗ tràn lan tại khu vực Nhà thờ Đức Bà.

Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với cá nhân và từ 12 - 16 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10m2 đến dưới 20m2 làm nơi trông, giữ xe. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân, từ 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 20m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe, dựng biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản hoặc dựng biển quảng cáo trên phần đất dọc hai bên đường bộ dùng để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ; chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05m2 làm nơi trông, giữ xe…

Với TPHCM, thiết nghĩ cơ quan chức năng Thành phố cần đưa ra các chế tài xử phạt nặng hơn và thực hiện nghiêm túc để giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm vìa hè, lòng đường đang gây cản trở giao thông của người dân như hiện nay.

Tin, ảnh: Nguyễn Kim

Top