TPHCM lên phương án mở cửa chợ truyền thống

27/09/2021 8:21 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 27/9, tại buổi họp báo định kỳ của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết đã đề nghị 22 địa phương rà soát, có phương án hoạt động phù hợp để đưa các chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn.

Buổi họp báo định kỳ của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM chiều ngày 27/9. Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM

Liên quan đến việc đề nghị Bộ Y tế công nhận và cấp mã số cho 150.000 người bệnh có kết quả test nhanh dương tính với COVID-19, tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết tất cả bệnh nhân này đều có trong danh sách của TPHCM và đều được cấp thuốc, điều trị.

Lý giải việc 150.000 trường hợp F0 chưa được Bộ Y tế cấp mã số, ông Châu cho hay theo quy định của Bộ Y tế, để xác định được một trường hợp là F0 thì phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR.

Tuy nhiên, có những thời điểm số ca nhiễm COVID-19 tăng rất nhanh, ngành y tế xác định những trường hợp test nhanh dương tính là một trường hợp mắc bệnh để tiếp nhận đưa đi cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà và cấp túi thuốc kịp thời thay vì phải chờ kết quả RT-PCR. Thống kê của Bộ Y tế chưa có những trường hợp này nên họ chưa được cấp mã số. Tuy nhiên, ông Châu cho biết, cơ quan thường trực phía nam của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có công văn cho phép TPHCM được ghi nhận những trường hợp test nhanh dương tính là F0.

1,9 triệu người trên 50 tuổi

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, thống kê của Chi cục Dân số đến ngày 30/6, Thành phố có 1,9 triệu người trên 50 tuổi, chiếm khoảng 20% tổng dân số (9,1 triệu), trong diện cần tiêm vaccine song hiện chưa rõ bao nhiêu người đã được tiêm.

Theo ông Tâm, tiêu chí bắt buộc đầu tiên trong dự thảo hướng dẫn Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của Bộ Y tế là "ít nhất 80% dân số trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine". Do đó, các địa phương trên địa bàn đang rà soát lại nhóm độ tuổi này để tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi hai khi đủ điều kiện, nhằm đáp ứng sớm nhất tiêu chí này.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TPHCM đề nghị HCDC làm rõ hơn các số liệu, cụ thể trong hơn 2,8 triệu người đã tiêm hai mũi thì có bao nhiêu người trên 50 tuổi; đồng thời, trong số 1,9 triệu người trên 50 tuổi thì những ai đã tiêm đủ hai mũi. Từ đó sẽ tính được số người trên 50 tuổi cần tiếp tục tiêm mũi hai và Thành phố cần bao nhiêu vaccine để đạt được mục tiêu đến 30/9 hoàn thành tiêm chủng.

Theo ông Hải, để có được con số này cần thời gian, vì trước đây Thành phố chỉ thống kê số người trên 65 tuổi đã tiêm vaccine.

Tính đến hết ngày 26/9, TPHCM đã tiêm 9.625.808 mũi vacccine phòng COVID-19, trong đó có 2.809.695 người tiêm mũi hai.

Tiếp tục đà giảm số ca tử vong

TPHCM đang điều trị hơn 38.600 bệnh nhân, trong đó có 3.612 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.856 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 26/9, Thành phố tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm ca tử vong trong vòng 1 tháng qua, với 122 trường hợp trong ngày. Số bệnh nhân nhập viện trong ngày 26/9 là 2.805 ca, trong khi số bệnh nhân xuất viện là 2.936 ca.

Lên phương án mở cửa chợ truyền thống

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, để chuẩn bị cung ứng hàng hóa cho Thành phố sau 30/9, Sở đã làm việc với các đơn vị để cùng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đơn vị thực hiện tiêm vaccine. Lực lượng shipper và hệ thống phân phối hàng hóa đều đang được ráo riết hoàn thành công tác tiêm vaccine.

Về chuẩn bị nguồn hàng cung ứng, Sở đã tổ chức 3 điểm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối. Mỗi ngày khoảng 300 tấn hàng về các chợ này để phục vụ người dân trên địa bàn TPHCM.

Về cung ứng hàng hóa tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, Sở đang tổ chức lại. Các đơn vị trước đây phải đóng cửa thì Sở có quan điểm mở lại trong điều kiện an toàn.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho thời gian tới, Sở Công Thương đã làm việc với các sở, ngành, quận, huyện, phối hợp tổ chức, kiểm tra chặt chẽ, đánh giá nguy cơ, khả năng kiểm soát trước khi đưa chợ đầu mối, nông sản hoạt động trở lại. Sở Công Thương đã đề nghị 22 địa phương rà soát, xây dựng phương án hoạt động phù hợp để tổ chức hoạt động chợ truyền thống trở lại trong điều kiện an toàn.

Băng Tâm

Top