TPHCM muốn mời gọi “đại bàng” cho lĩnh vực sản xuất

11/05/2019 10:33 PM

(Chinhphu.vn) - “Đã tới lúc phải mời gọi ‘đại bàng’ cho một số ngành cụ thể, nhất là các ngành sản xuất. Chỉ có thu hút được các ‘đại bàng’ đủ lớn mới có thể tạo ra năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế và hình thành nên sự lan tỏa mạnh mẽ”. Dịch tả heo Châu Phi “áp sát”, TPHCM gấp rút ứng phó

Một số ngành chế biến, chế tạo trọng yếu của TPHCM mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng có vẻ “chững” lại trong thời gian gần đây. Ảnh: VGP

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói điều này tại cuộc họp đánh giá tình hình Kinh tế - Xã hội 4 tháng đầu năm 2019 do UBND TPHCM tổ chức, diễn ra chiều 10/5.

Chế biến, chế tạo bị bất động sản “lấn lướt”

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, 4 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố ước tăng 6,58%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 (mới tăng 6,07%). Xu hướng tăng cao liên tục được duy trì suốt từ năm 2016 tới nay (2015 tăng 5,7%; 2016 tăng 6,2%, 2017 tăng 7,09%).

Riêng bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực, thực phẩm) đến hết tháng 4 vừa qua đã tăng trưởng được 7,02%, cao hơn mức tăng chung toàn ngành (nhóm điện tử - công nghệ thông tin tăng mạnh nhất nhờ vào dự án của các tập đoàn kinh tế thế giới đầu tư về công nghệ bán dẫn, vi mạch...). Tuy nhiên, xu thế đi lên này có vẻ “chững” lại nếu so với tốc độ của năm 2018 (tăng 7,29%).

Theo đó, có hai nhóm giảm tốc là chế  biến lương thực, thực phẩm (chỉ tăng 1,48% - cùng kỳ năm 2018 tăng 7,63%) và nhóm hóa dược (chỉ tăng 2,52%  - cùng kỳ năm 2018 tăng 6,21%).

Tuy vậy, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên cho rằng biến động này mới diễn ra trong một giai đoạn ngắn. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thêm 2 tháng nữa, đến hết quý 2 thì bức tranh xu thế mới thực sự rõ nét hơn”.

Từ góc nhìn về tình hình phát triển doanh nghiệp, có thể thấy cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp nước ngoài đều đang tập trung vốn vào khu vực bất động sản. Cụ thể, trong số 271 nghìn tỷ đồng được giới kinh doanh trong nước rót thêm vào nền kinh tế 4 tháng qua, số vốn tìm tới bất động sản chiếm đến 32,7% (dù xét về số lượng thì địa ốc chỉ chiếm 7,2% trên tổng số gần 13.100 doanh nghiệp thành lập mới).

Báo cáo của Sở KH&ĐT TPHCM tại phiên họp sáng 10/5 cũng “để ngỏ”, không đề cập tới vị trí xếp hạng chính xác của dòng tiền chảy vào ngành chế biến, chế tạo. Chỉ biết rằng nhóm ngành này không hiện diện trong top 5 lĩnh vực nhận được nhiều vốn đầu tư trong nước nhất.

Tương tự, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) TPHCM thu hút được trong 4 tháng qua đạt 2,37 tỷ USD (tăng 46,1% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, ở cả hoạt động thành lập mới doanh nghiệp hoặc góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp trong nước, kênh địa ốc đều là nơi chiếm tỷ trọng vốn cao nhất (47% và 24%). Nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ xếp vị trí thứ 4 ở cả hai “cửa” đón FDI này (6,7% và 13,2%).

Chế biến, chế tạo giúp tăng trưởng bền vững

Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TPHCM mới diễn ra gần đây cũng hoàn toàn “vắng bóng” các dự án của công nghiệp chế biến, chế tạo. Thay vào đó, đa số là các dự án kêu gọi đầu tư cho bất động sản hay dịch vụ.

“Như vậy, tuy kinh tế TPHCM liên tục tăng cao, với tốc độ tăng trưởng GRDP các năm từ 2016 đến nay đều vượt 8% nhưng nếu hỏi chất lượng tăng trưởng có bền vững không? Xin nói là vẫn còn nhiều vấn đề”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nêu nhận định khi phân tích sâu hơn về sự “trầm lắng” của ngành chế biến, chế tạo.

Người đứng đầu UBND TPHCM cũng cho rằng hàng loạt tín hiệu trên đây đang cho thấy cần phải hoàn thiện môi trường đầu tư hơn nữa để khuyến khích sự phát triển mạnh mẽ hơn cho công nghiệp chế biến chế tạo. “Đây là khu vực gồm cả khâu sáng tạo mẫu mã - thiết kế, gia công và phân phối. Đặc biệt cần tập trung đầu tư nắm lấy công đoạn 1 để có được giá trị gia tăng lớn. Như vậy mới tạo ra chất lượng tăng trưởng và có tăng trưởng bền vững được. Các chính sách mời gọi đầu tư phải đi theo định hướng này”.

Ngành chế biến của cả nước được đánh giá là vẫn còn khá non trẻ. TPHCM lại là đầu mối trung chuyển, gắn kết, tìm đầu ra cho cả vùng nguyên liệu nông, thủy sản rộng lớn của Nam Bộ. Vì vậy, tiềm năng phát triển cho công nghiệp chế biến, chế tạo rõ ràng còn rất lớn.

“Phải tập trung thu hút, tháo gỡ, xúc tiến thực hiện một vài dự án trọng điểm, có quy mô lớn để tạo ra cú hích, chứ không chỉ lo mở rộng thu hút đầu tư. Cứ ngồi đợi người ta tìm tới thì khó lắm. Đã tới lúc phải mời gọi ‘đại bàng’ cho một số ngành cụ thể, nhất là các ngành sản xuất. Chỉ có thu hút được các ‘đại bàng’ đủ lớn mới có thể tạo ra năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế và hình thành nên sự lan tỏa mạnh mẽ”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thẳng thắn “giao” nhiệm vụ cho ngành công thương và kế hoạch – đầu tư.

Được biết, ngay tháng 6 tới, TPHCM sẽ đón một tập đoàn quốc tế lớn về chế biến thực phẩm đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Cuộc hẹn đã được chốt lịch, cơ hội còn lại nằm ở sự sốt sắng của các sở ngành và mức độ sẵn sàng “cuốn theo chiều gió” của các doanh nghiệp trong nước.

Phương Hiền

Top