Việt Nam đẩy mạnh phát triển “Du lịch xanh”

08/09/2018 7:12 AM

(Chinhphu.vn) - Cùng với xu hướng hội nhập, phát triển “Du lịch xanh” sẽ là định hướng phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM 2018

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn trao chứng nhận Giải thưởng Du lịch ASIAN 2018 cho các đơn vị phục vụ du lịch. Ảnh: VGP/Ngô Kiếm

Sáng 7/9, trong khuôn khổ Hội chợ ITE 2018, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội thảo Giải thưởng Du lịch ASEAN và Lễ trao chứng nhận Giải thưởng Du lịch ASEAN 2018.

Tại Hội thảo, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch Việt Nam trong những năm qua, bên cạnh đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước, việc gia tăng nhanh những cơ sở lưu trú như nhà hàng, khách sạn ở một số tỉnh, thành phố như: Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Hạ Long (Quảng Ninh), Lào Cai… đã làm ảnh hưởng nhiều tới môi trường.

Vì vậy, việc cam kết và thực hiện Bộ tiêu chuẩn Du lịch trong ASEAN, trong đó có các tiêu chuẩn trong lĩnh vực khách sạn chính là hành động để cân bằng và giảm thiểu những tác động tiêu cực trong quá trình phát triển, đầu tư, vận hành hệ thống khách sạn.

Nghiên cứu của website du lịch lớn nhất thế giới - Trip Advisor cho thấy 34% du khách sẵn sang trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường và các lựa chọn du lịch bền vững, 50% du khách sẵn sàng trả thêm cho những công ty mang lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn (CESD và TIES). Kết quả nghiên cứu của Tổ chức SNV của Hà Lan cũng cho thấy, có 52% du khách có xu hướng đặt tour qua các hãng lữ hành được chứng nhận có điều kiện tốt, tham gia bảo vệ môi trường, hỗ trợ hoạt động từ thiện ở đạ phương.    

Chính vì thế, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, cùng với xu hướng hội nhập, phát triển chung, xây dựng chiến lược “Du lịch xanh” sẽ là định hướng phát triển bền vững của du lịch Việt Nam, phù hơp với xu hướng phát triển mới của ngành du lịch thế giới.

Còn Vụ trưởng Vụ Khách sạn Vũ Văn Thanh (Tổng Cục Du lịch) mong muốn các chủ đầu tư, kinh doanh du lịch khi thực hiện các sản phẩm dịch vụ, cần  phải quan tâm tới yếu tố thân thiện với môi trường, thay đổi tư duy trong tuyên truyền quảng bá và xây dựng sản phẩm của mình cho phù hợp, bởi việc tuyên truyền quảng bá các sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng và phát triển bền vững có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác định hướng phát triển du lịch, tác động đến nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội và cộng đồng dân cư.

Về việc lựa chọn ứng viên cho Giải thưởng Du lịch ASEAN dịp ATF 2019, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn Nguyễn Thanh Bình, cho biết số đơn vị tham gia hiện chưa nhiều, đặc biệt việc tìm những “hạt giống” đạt tiêu chuẩn cho các giải thưởng du lịch ASEAN gặp nhiều khó khăn do công tác tuyên truyền quảng bá các sản phẩm dịch vụ chất lượng của khu vực chưa thực sự hiệu quả.

“Nhiều địa phương, cơ quan quản lý du lịch, cơ sở quản lý điểm du lịch, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch chưa hiểu được đầy đủ về các tiêu chuẩn và ý nghĩa Giải thưởng Du lịch ASEAN, nên chúng tôi rất hi vọng trong thời gian tới, công tác tuyên truyền quảng bá về giải thưởng sẽ mạnh hơn và đón nhận được nhiều hồ sơ chất lượng đáp ứng đầy đủ tiêu chí giải thưởng mà du lịch ASEAN đề ra”, bà Bình kiến nghị.

8 bộ tiêu chuẩn ASEAN, gồm:

Tiêu chuẩn Khách sạn xanh ASEAN; Tiêu chuẩn Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê ASEAN; Tiêu chuẩn khu du lịch cộng đồng ASEAN; Tiêu chuẩn du lịch MICE ASEAN; Tiêu chuẩn Thành phố du lịch sạch ASEAN; Tiêu chuẩn Spa ASEAN và Tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng ASEAN.

Tại Việt Nam, Tổng cục Du lịch cũng đã ban hành Bộ tiêu chí Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh cho các cơ sở lưu trú du lịch, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Tiêu chuẩn Khách sạn xanh ASEAN và thực trạng Việt Nam, thực hiện cấp thí điểm trong 3 năm với năm cấp độ từ 1 đến 5 bông sen.

14 địa phương và doanh nghiệp Việt Nam nhận Giải thưởng Du lịch ASEAN 2018:

05 doanh nghiệp giành Giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN gồm: Khách sạn Four Season The Nam Hai (tỉnh Quảng Nam), Khách sạn Pilgrimage Village (TP. Huế), Khách sạn Six Senses Con Dao (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Khách sạn The Grand Hồ Tràm Strip (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và Khách sạn Flamingo Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc).

05 Giải thưởng dành cho Cơ sở MICE ASEAN gồm: Khách sạn JW Marriott Hà Nội (TP. Hà Nội), Diamond Bay Resort and Spa (tỉnh Khánh Hòa), FLC Quy Nhơn Resort (tỉnh Bình Định), Khách sạn Mường Thanh Luxury Cần Thơ (TP. Cần Thơ) và Vinpearl Hạ Long Resort (tỉnh Quảng Ninh).

03 Giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN dành cho các thành phố: Huế, Hội An và Đà Lạt.

Giải thưởng Du lịch bền vững ASEAN (ASTA) dành cho Làng Du lịch Thái Hải (TP. Thái Nguyên).

Ngô Kiếm

Top