Vì sao tư nhân gọi vốn nước ngoài dễ hơn các đơn vị quốc doanh

14/03/2019 10:31 AM

Doanh nghiệp tư nhân dám quyết, chịu trách nhiệm trước cổ đông và vì lợi ích của cổ đông. Còn doanh nghiệp Nhà nước, khi thoái vốn phải đảm bảo tối đa lợi ích của Nhà nước. Sự xuất phát điểm khác nhau này có thể là một trong những lý do giải thích vì sao các doanh nghiệp tư nhân có thể gọi vốn nước ngoài dễ dàng hơn các đơn vị quốc doanh. Tại sao thị trường trái phiếu DN

Tập đoàn Vingroup vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án chào bán cổ phần riêng lẻ và phương án sử dụng vốn; tài liệu giải trình các vấn đề lấy ý kiến và dự thảo nghị quyết đại hội đồng cổ đông năm 2019.

Theo đó Vingroup dự kiến phát hành 250 triệu cổ phần cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, tương đương 2.500 tỉ đồng tính theo mệnh giá với giá bán tối thiểu là trên 100.000 đồng/cổ phần. Giá chào bán cụ thể sẽ do hội đồng quản trị quyết định.

Phương án của Vingroup nêu rõ đối tác nước ngoài phải là các công ty, quỹ đầu tư có năng lực tài chính mạnh, quy mô lớn, có khả năng hỗ trợ cho sự phát triển của Vingroup. Số lượng nhà đầu tư mua cổ phần lần này được giới hạn tối đa năm tổ chức. Số cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm. Vingroup sẽ sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành để thanh toán các khoản nợ (bao gồm cả gốc và lãi) đến hạn; bổ sung vốn lưu động, nâng cao năng lực tài chính; góp vốn vào các công ty con.

Nếu đợt phát hành này thành công, đây chắc chắn sẽ là một trong những thương vụ huy động vốn tầm cỡ của năm nay với quy mô ít nhất là 25.000 tỉ đồng, tức gần 1,08 tỉ đô la Mỹ. Năm ngoái Vingroup đã từng huy động được hàng tỉ đô la Mỹ vốn ngoại từ đợt IPO công ty con là Vinhomes và là một trong những nhân tố góp phần tạo nên con số 2,75 tỉ đô la Mỹ của vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Trong quá khứ, Vingroup đã nhiều lần huy động vốn nước ngoài. Tuy nhiên các đợt phát hành từ trước năm 2017 đều có quy mô vừa phải, đâu đó 100-200 triệu đô la Mỹ/lần. Không phải tất cả, nhưng phần lớn các đợt đó đều được đơn vị tư vấn ngoại bảo lãnh phát hành, nghĩa là trong trường hợp không phát hành hết, bên mua chính là người tư vấn. Từ những lần gọi vốn nước ngoài chập chững đầu tiên, Vingroup đã tích lũy được kinh nghiệm và giờ đây tập đoàn có thể nâng tầm các đợt phát hành riêng lẻ lên một mức hàng tỉ đô la Mỹ/đợt.

Khoảng mười năm trước, vào thời điểm mà thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất khó khăn, VN-Index phải vật lộn từng ngày để không lún dần đều trong sắc đỏ, người viết bài này đã có dịp trao đổi với giám đốc tài chính của Vingroup khi ấy về việc tập đoàn đi huy động vốn nước ngoài. Lúc bấy giờ Vingroup chưa có điều kiện phát hành cổ phần riêng lẻ như hiện nay, mà phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc không chuyển đổi. Trong hoàn cảnh quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ bé, việc phát hành trái phiếu quốc tế của Việt Nam còn phải cân lên đặt xuống, nhưng Vingroup đã tìm được các nhà đầu tư ngoại đồng ý mua trái phiếu của tập đoàn. Bà thừa nhận lãi suất trái phiếu huy động của Vingroup ngày ấy chưa thể ngang bằng với lãi suất cho vay bằng ngoại tệ của ngân hàng trong nước do chi phí tư vấn, phát hành, nhưng quan trọng đấy là những khoản gọi vốn tín chấp, hay nói cách khác là tập đoàn đã thế chấp bằng uy tín của chính mình và được nhà đầu tư ngoại chấp nhận. 

Sau Vingroup, một số doanh nghiệp Việt Nam khác cũng đã bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại như VietJetAir, HDBank, NovaLand, Techcombank... Họ đều là những doanh nghiệp tư nhân và các đợt bán vốn đều được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp.

Trong khi đó, các đợt thoái vốn của Nhà nước (trừ ở Vinamilk và Sabeco), kể cả bán cổ phần cho nước ngoài, lại chưa thu hút được dòng vốn ngoại ở quy mô như các doanh nghiệp tư nhân đã thực hiện. Có lẽ không phải chỉ vì Nhà nước quá chặt chẽ trong thoái vốn, mà chính là ở sự linh hoạt, thông thoáng và quyết đoán. Các doanh nghiệp tư nhân dám quyết, dám làm và dám chịu bởi họ chịu trách nhiệm trước cổ đông và vì lợi ích của cổ đông. Còn thoái vốn hay IPO doanh nghiệp Nhà nước, thì doanh nghiệp nhà nước làm dưới sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý, đảm bảo tối đa lợi ích của Nhà nước. Sự xuất phát điểm khác nhau này có thể là một trong những lý do giải thích vì sao các doanh nghiệp như Vingroup có thể gọi vốn nước ngoài dễ dàng hơn các đơn vị quốc doanh.

Theo Hải Lý
Thời báo kinh tế Sài Gòn

Top